Kiến thức y học

Bệnh đái tháo đường những điều cần lưu ý (phần 1)

Cập nhật lúc: 10:23:33 SA - 23/10/2023

Trong những năm gần đây, số bệnh nhân đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Việc trang bị những hiểu biết về triệu chứng bệnh đái tháo đường sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

 



 

Trong những năm gần đây, số bệnh nhân đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Việc trang bị những hiểu biết về triệu chứng bệnh đái tháo đường sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

 

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20 - 79) mắc bệnh đái tháo đường, dự kiến sẽ ở mức 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường.

 

Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20 - 79) không được chẩn đoán (46,5%), nghĩa là cứ 2 người mắc bệnh sẽ có 1 người không biết mình bị bệnh. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường trong năm 2019. Việc điều trị bệnh ở giai đoạn muộn sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

 

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là đái tháo đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2.

Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

Chi phí điều trị đái tháo đường và các biến chứng của đái tháo đường là gánh nặng của toàn cầu.

Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) cũng đưa ra những con số thống kê đáng chú ý về thực trạng bệnh:

Năm 2017, số bệnh nhân tử vong do đái tháo đường là 4 triệu người. Chi phí điều trị bệnh đái tháo đường toàn thế giới là 727 tỷ đô la.

Cứ 6 giây trôi qua sẽ có 1 người tử vong vì các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường.

Khoảng 2/3 số bệnh nhân đái tháo đường là người cao tuổi, tuy nhiên, số bệnh nhân đái tháo đường trẻ tuổi cũng không ngừng gia tăng.

Mỗi năm thế giới có khoảng 132.600 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường típ 1, chỉ tính riêng số trẻ em bị bệnh đái tháo đường típ 1 trong độ tuổi 0 - 19 tuổi là hơn 1 triệu.

Hơn 21 triệu phụ nữ đang mang thai bị tăng đường huyết và dung nạp đường kém, chiếm tỷ lệ 1/6 tổng số phụ nữ mang thai..

 

Các loại đái tháo đường thường gặp

Bệnh đái tháo đường có 2 thể chính:

 

Đái tháo đường típ 1

Đái tháo đường típ 1 là thể bệnh do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy làm cho tụy không thể tiết ra insulin hoặc chỉ tiết ra được rất ít, khiến lượng insulin trong máu rất thấp, không thể điều hòa lượng đường trong máu, hay làm đường trong máu tăng lên cao.

Phần lớn đái tháo đường típ 1 xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi (thường gặp nhất là dưới 20 tuổi), chiếm khoảng 5 - 10% tổng số trường hợp mắc bệnh đái tháo đường. Ở thể này, các triệu chứng bệnh như uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện bệnh. Chính vì vậy, khi phát bệnh là có thể nhận biết, chẩn đoán và điều trị ngay. Vì tụy hầu như không tiết insulin, nên việc điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào tiêm insulin. Đái tháo đường típ 1 vì vậy còn có tên gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin

 

Đái tháo đường típ 2

Khác với thể đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 trước kia được gọi là đái tháo đường của người lớn tuổi hay đái tháo đường  không phụ thuộc vào insulin. Ở thể bệnh này, insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Đây là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng dần trẻ hóa. Số bệnh nhân ở thể này chiếm đến 90 - 95% tổng số các trường hợp mắc bệnh.

Giai đoạn đầu, không triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện qua bằng việc xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát với các biểu hiện tăng đường huyết như uống nhiều tiểu nhiều, sụt cân. Một số ít trường hợp phát hiện khi có biến chứng như bị bệnh tim, thận, biểu hiện nhiễm trùng khó kiểm soát, vết thương không lành.

 

Ngoài hai thể chính trên, bệnh đái tháo đường còn một thể bệnh xảy ra ở phụ nữ mang thai, những người trước đó không bị đái tháo đường típ 1 hay tip 2, gọi là đái tháo đường thai kỳ. Ở phụ nữ mang thai, nhau thai sẽ tiết ra các hormone nữ như estrogen, progesterone sẽ tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào đích, làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sức đề kháng này sẽ dẫn sự gia tăng đường huyết,, dẫn đến đái tháo đường trong suốt thai kỳ.

 

Tình trạng tăng đường huyết trong thai kỳ cũng có thể gây ra các biến chứng trên mẹ  và con như đa ối, thai lưu, thai to, kẹt vai khi sinh, sinh mổ, hạ đường huyết sơ sinh… Đái tháo đường thai kỳ có thể hết sau khi sản phụ phụ sinh con, nhưng vẫn có thể diễn tiến thành đái tháo đường típ 2 trong tương lai.

 

Tiền đái tháo đường là gì ?

Ở người bình thường, đường huyết khi đói nằm trong khoảng 70-99 mg/dL.

Người đái tháo đường được chẩn đoán khi đường huyết khi đói lớn 126 mg/dL.

Đối với những người có đường huyết vượt trên ngưỡng bình thường , nhưng chưa đủ tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường. Tức là đường huyết trong khoảng 100 - 125 mg/dL thì được gọi là tiền đái tháo đường.

Ở người tiền đái tháo đường, thường có thể đồng mắc với các tình trạng khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, và vẫn có nguy cơ với các biến chứng tim mạch.

Ở người tiền đái tháo đường, vẫn có thể diễn tiến thành đái tháo đường.

Chính vì vậy, nhóm bệnh nhân này cũng cần được thăm khám và điều trị.

 

Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường

Khi đường huyết tăng nhẹ, bệnh có thể không có triệu chứng gì.

Khi đường huyết tăng cao rõ, đặc biệt là khi trên 180mg/dL, thận sẽ không thể hấp thu hết được đường trong nước tiểu, đường sẽ thải ra theo nước tiểu và việc có đường trong nước tiểu sẽ làm gia tăng lượng nước tiểu, khiến bệnh nhân tiểu nhiều hơn. Khi tiểu nhiều, bệnh nhân sẽ cảm giác khác nhiều hơn nên sẽ có biểu hiện uống nhiều hơn. Đường là năng lượng chính của cơ thể, khi mất đường qua nước tiểu, bệnh nhân sẽ sụt cân, mệt mỏi. Tất cả những biểu hiện như uống nhiều, tiểu nhiều sụt cân, như thế được gọi là hội chứng tăng đường huyết.

Nếu đường huyết tăng cao hơn, bệnh nhân có thể có triệu chứng nhìn mờ.

Khi đường huyết tăng trầm trọng, có thể dẫn đến mệt mỏi nhiều, rối loạn tri giác, hôn mê.

Một số trường hợp có thể không có biểu hiện rõ ràng, tuy nhiên, có thể xuất hiện các biến chứng như dị cảm 2 chân, hoại tử ngón chân, vết thương lâu lành…

Nhìn chung, các dấu hiệu nhận biết của bệnh đái tháo đường thay đổi ít nhiều mức đường huyết. Khi đường huyết tăng nhẹ, bệnh nhân không có thể không có triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó phát hiện bản thân mắc bệnh, mãi đến khi bệnh có những biến chứng mới bắt đầu thăm khám và được điều trị.

Chính vì vậy, những người có nguy cơ nên được xét nghiệm và tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh.

 

Triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số thai phụ có thể sẽ khát nước hơn bình thường, thường xuyên đi tiểu hơn. Bệnh thường được chẩn đoán ở tuần thứ 24 - 28 của thai bằng cách  thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose, với điều kiện là trước đó chưa ghi nhận bệnh đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2. Nếu thai phụ đã có tiền căn đái tháo đường típ 1, típ 2 thì chúng ta không cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

 

Nguyên nhân gây nên bệnh đái tháo đường

Glucose là một chất cần thiết cho cơ thể có trong các thực phẩm ăn hàng ngày, đóng vai trò là nguồn năng lượng cho các tế bào và được dự trữ trong gan tạo thành glycogen. Khi không ăn, lượng glucose trong máu sẽ hạ thấp, gan sẽ ly giải những phân tử glycogen thành glucose để cân bằng lại lượng đường trong máu. Glucose theo máu đến các mô giúp cung cấp năng lượng cho các tế bào. Tuy nhiên, các tế bào không tự hấp thụ glucose một cách trực tiếp mà cần đến sự hỗ trợ của insulin, là hormone được bài tiết từ tuyến yên, insulin giúp glucose được hấp thụ vào tế bào, giảm nồng độ glucose trong máu. Khi đường huyết hay glucose máu giảm, tuyến tụy cũng giảm tiết insulin.

Vì lý do nào đó, khi glucose không thể đi vào tế bào và cung cấp năng lượng cho cơ thể, kết quả là lượng đường trong máu tăng cao.

 

Nguyên nhân gây nên đái tháo đường típ 1

Đái tháo đường típ 1 do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy nên người bệnh không còn hoặc còn rất ít insulin, 95% do cơ chế tự miễn (típ 1A), do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin có trong tuyến tụy, khiến bệnh nhân không có hoặc có ít insulin, dẫn đến lượng đường tích lũy trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào, 5% không rõ nguyên nhân (típ 1B).

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường típ 1 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, ghi nhận đa số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thấy rằng, khi thành viên trong gia đình mắc bệnh thì bạn cũng có nguy cơ nhẹ mắc bệnh. Hoặc các yếu tố môi trường, phơi nhiễm với một số loại virus cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.

 

Nguyên nhân gây nên đái tháo đường típ 2

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 2 vẫn chưa được làm rõ,  có vai trò của yếu tố di truyền, chế độ ăn và sinh hoạt. Tình trạng thừa cân béo phì có liên hệ rất chặt chẽ với bệnh, cần lưu ý tầm soát đái tháo đường ở những người thừa cân có BMI hơn 23 kg/m2 kèm theo các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đái tháo đường típ 2 gồm:

Tiền sử gia đình có người trực hệ mắc đái tháo đường bố mẹ, anh chị em ruột.

Tiền sử bản thân từng bị đái tháo đường thai kỳ.

Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

Tăng huyết áp.

Ít hoạt động thể lực.

Thừa cân, béo phì.

Bị rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết đói.

Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Ngoài ra, đái tháo đường cũng được tầm soát thường quy ở người trên 45 tuổi bất kể có hay không có tình trạng thừa cân béo phì và các yếu tố nguy cơ.

 

Nội dung được thực hiện trong Chương trình Radio FM Sức khỏe Tần số 98.9 Mhz, phát sóng vào lúc 15 giờ, ngày 11/10/2023, chủ đề “Đái tháo đường những điều cần lưu ý”. Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thế Thành, Phòng khám Nội tiết, Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ kiến thức và giải đáp thắc mắc cho quý khán thính giả.

 

  

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.