Kiến thức y học

Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát sớm bệnh đái tháo đường

Cập nhật lúc: 11:37:02 SA - 24/10/2023

Bệnh đái tháo đường còn gọi là tiểu đường, nguyên nhân do rối chuyến hóa insulin trong cơ thể khiến đường huyết tăng cao. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, tình trạng sức khỏe, người cao tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường, xu hướng đang tăng nhanh ở người trẻ. Thói quen khám sức khỏe định kỳ hàng năm giúp sàng lọc nguy cơ tiềm ẩn và phát hiện sớm bệnh tiểu đường hiệu quả. 

 



 

Bệnh đái tháo đường, còn gọi tiểu đường là nhóm bệnh lý nội khoa phổ biến. Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, có thể thiếu hoặc thừa, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao so với bình thường.

 

Bệnh tiểu đường có thể gặp ở mọi độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Người cao tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường hơn do cơ thể suy giảm và lão hóa cùng tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường đang có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

 

Thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm giúp sàng lọc nguy cơ tiềm ẩn và phát hiện sớm bệnh tiểu đường hiệu quả.

 

Tình hình bệnh tiểu đường đáng ý trên toàn thế giới

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF):

Số người mắc bệnh tiểu đường đã tăng từ 108 triệu năm 1980 lên 422 triệu vào năm 2014. Tỷ lệ mắc bệnh này tăng nhanh hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình so với các nước có thu nhập cao.

Năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người trong độ tuổi 20 - 79 mắc bệnh tiểu đường. Dự kiến con số này sẽ tăng 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045.

Trung bình cứ 10 người lớn thì sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường.

Hơn một nửa số người đang chung với bệnh với bệnh tiểu đường mà không được chẩn đoán, có nghĩa cứ 2 người sẽ có 1 người không biết mình mắc bệnh.

Điều trị bệnh ở giai đoạn muộn sẽ gặp nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Mỗi năm thế giới có khoảng 132.600 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 0 – 19 tuổi mắc bệnh tiểu đường típ 1.

Hơn 21 triệu phụ nữ mang thai được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, dung nạp đường kém, chiếm khoảng 1/6 tổng số phụ nữ mang thai.

Khoảng 2/3 người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường, xu hướng người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đườn đang tăng nhanh.

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù lòa, suy thận, đau tim, nhồi máu cơ tim và tổn thương bàn chân.

Chi phí điều trị bệnh tiểu đường đang trở thành gánh nặng của toàn thế giới.

 

Phân loại bệnh tiểu đường

Tiểu đường típ 1: Do sự phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu hụt insulin.

Tiểu đường típ 2: Do suy giảm chức năng tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin

Tiểu đường thai kỳ: Tiểu đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, cho dù không bị tiểu đường típ 1 và típ 2 trước đó.

 

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường

Cơ thể nạp quá nhiều đường và chất béo chuyển hóa nhưng thiếu chất xơ và ít vận động thể chất. Quá trình trao đổi chất bất thường khiến lượng đường hoạt động không hiệu quả, không chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể mà tích tụ lại trong máu tăng dần theo thời gian.

 

Nguyên nhân tiểu đường típ 1

Do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy, cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết. Khoảng 95% do cơ chế tự miễn của cơ thể, hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, dẫn đến tích tụ đường trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào.

 

Nguyên nhân tiểu đường típ 2

Bệnh sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường

Đã từng bị tiểu đường hoặc tiền sản giật thai kỳ

Bệnh sử tăng huyết áp, tim mạch, nhồi máu cơ tim

Thể trạng thừa cân béo phì

Bị rối loạn dung nạp đường hoặc rối loạn đường huyết lúc đói

Nữ giới bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

 

Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, nhau thai tạo ra những kích thích tế bào tăng khả năng kháng insulin để duy trì thai kỳ. Bình thường, tuyến tụy sản xuất insulin đủ để đáp ứng khả năng đề kháng. Một số trường hợp, tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết khiến lượng đường vận chuyển vào tế bào giảm, tích tụ lại trong máu, dẫn đến tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ mang thai bị thừa cân quá nhiều, bệnh sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc đã được chẩn đoán rối loạn dung nạp đường đều có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ.

 

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ(ADA), tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:

Đường huyết tương lúc đói (FPG) ≥ 126 mg/dL. Trước khi thực hiện, nhịn ăn và các loại thức uống có màu khoảng 8 tiếng, có thể uống nước tinh khiết.

Đường huyết sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75 gam (OGTT) ≥ 200 mg/dL. Theo hướng dẫn WHO, nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng 75 gam glucose, hòa tan trong 250 - 300 ml nước, uống trong 5 phút. Trước đó 3 ngày, khẩu phần ăn cần khoảng 150 - 200 gam carbohydrat mỗi ngày.

Kiểm tra chỉ số HbA1c ≥ 6,5%. Xét nghiệm này nên thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Người có triệu chứng tăng đường huyết hoặc mức đường huyết được kiểm tra ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL.

 

Biến chứng tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng để can thiệp điều trị hiệu quả ngay từ đầu.

Bệnh tiểu đường mạn tính, không được kiểm soát tốt trong thời gian dài có thể gây rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide và làm tổn thương nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Bệnh võng mạc tiểu đường

Khi mạch máu nhỏ tổn thương, phình mao mạch võng mạc gây tăng sinh mạch máu và phù hoàng điểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể bị mù lòa, mất thị lực vĩnh viễn.

Bệnh thận tiểu đường

Khi màng đáy cầu thận dày lên, tăng sinh và xơ cứng cầu thận, làm tăng áp lực cầu thận và suy giảm dần mức lọc cầu thận. Bệnh thường không có triệu chứng cho tới khi mắc phải hội chứng thận hư hoặc suy thận mạn.

Bệnh thần kinh tiểu đường

Khi các dây thần kinh tổn thương trên toàn cơ thể do đường huyết tăng cao trong máu, ảnh hưởng thường rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới.

Biến chứng mạch máu lớn

Khi xuất hiện ở tim gây bệnh cơ tim, thiếu máu cục bộ, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim ở người bệnh tiểu đường không có triệu chứng đau nhưng có thể được phát hiện bằng hình ảnh chẩn đoán.

 

Các biến chứng khác của bệnh tiểu đường:

Nhiễm toan ceton: Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường do tăng đường huyết trong thời gian dài không được kiểm soát, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa.

Biến chứng bàn chân: Tình trạng nhiễm trùng, viêm loét, hoại tử bàn chân, ngón chân do tổn thương mạch máu, thần kinh và suy giảm miễn dịch. 

Bệnh lý mắt không liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, trầy xước giác mạc, thần kinh thị giác.

Bệnh gan mật: Tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu, sỏi mật, xơ gan.

Viêm da: Vùng da bị viêm loét, nhiễm trùng, xơ cứng bì hệ thống, bạch biến… 

Hội chứng trầm cảm, sa sút trí tuệ.

 

Khám sức khỏe và tầm soát sớm bệnh tiểu đường

Theo khuyến cáo, người có nguy cơ cao nên tầm soát phát hiện sớm bệnh tiểu đường khi có các yếu tố sau đây:

Chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 23 kg/m2

Lối sống ít hoặc không vận động thể chất

Gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị bệnh tiểu đường

Bị tăng huyết áp mạn tính, chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên

Nồng độ Cholesterol HDL <35 mg/dl và/hoặc Triglyceride > 250 mg/dL.

Vòng bụng lớn, nam ≥ 90 cm, nữ ≥ 80 cm

Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật thai kỳ.

Chỉ số HbA1c ≥ 5,7%, rối loạn đường huyết lúc đói hay rối loạn dung nạp đường ở lần kiểm tra trước đó.

Bệnh sử tim mạch, nhồi máu cơ tim.

Nếu không có yếu tố nguy cơ cao nên chủ động tầm soát sớm bệnh tiểu đường từ tuổi 45.

Người được chẩn đoán bệnh tiểu đường cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định hướng dẫn điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ để luôn duy trì mức đường huyết ổn định.

 

Bệnh tiểu đường có thể được điều trị và chung sống khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm là biện pháp ngăn ngừa sự khởi phát và nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường hiệu quả.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.