Kiến thức y học

Khám sức khỏe tổng quát và tầm soát bệnh nội tiết

Cập nhật lúc: 2:49:21 CH - 27/07/2023

Hệ nội tiết có chức năng tiết ra các hormone nội tiết điều hòa cơ thể và kiểm soát nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, thúc đẩy cơ thể phát triển toàn diện, cân bằng cảm xúc khi cơ thể căng thẳng, điều hòa thân nhiệt, ổn định huyết áp và đường huyết, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và duy trì khả năng sinh sản. 

 



 

Hệ nội tiết có chức năng tiết ra các hormone nội tiết điều hòa cơ thể và kiểm soát nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tổng thể, hỗ trợ cơ thể phát triển toàn diện, cân bằng cảm xúc khi cơ thể căng thẳng, điều hòa thân nhiệt, ổn định huyết áp và đường huyết, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và duy trì khả năng sinh sản.

 

Sự thay đổi do tăng hoặc giảm bất thường của các tuyến nội tiết dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết hoặc rối loạn nội tiết trong cơ thể, từ đó gây ra các bệnh lý nội tiết thường gặp như đái tháo đường, suy giáp, cường giáp, suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận... 

 

Vai trò quan trọng của các tuyến nội tiết  

Hệ nội tiết bao gồm hệ thống các tuyến nội tiết, mỗi tuyến nội tiết sản sinh ra một hoặc nhiều hormone khác nhau. Sau đó các hormone này giải phóng vào trong máu để điều hòa các cơ quan của cơ thể. Nhiệm vụ quan trọng của hệ thống nội tiết là liên tục chuyển đi các tín hiệu. Những “chất truyền tin” đó được gọi là các hormone, được sản xuất ra từ một tuyến đặc biệt gọi là tuyến nội tiết. Các hormone này mang tín hiệu tới một tuyến khác hoặc các tế bào không phải là nội tiết.

 

Cấu tạo của tuyến nội tiết gồm hai phần: phần chế tiết tạo thành từng đám tế bào có nhiệm vụ tổng hợp và phóng thích hormone, lưới mao mạch phong phú bao bọc xung quanh các tế bào chế tiết có nhiệm vụ tiếp nhận hormone đưa vào hệ thống tuần hoàn.

 

Các tuyến nội tiết chính trong cơ thể gồm vùng hạ đồi, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận, và tuyến sinh dục. Thông thường, hệ thống thông tin phản hồi của các tuyến nội tiết giúp kiểm soát cân bằng hormone trong máu. Nếu cơ thể có quá nhiều hoặc ít hormone nào đó, hệ thống này sẽ phát tín hiệu để các tuyến nội tiết khác hỗ trợ. Sự mất cân bằng nội tiết có thể xảy ra nếu hệ thống thông tin phản hồi gặp vấn đề.

 

Thường gặp tình trạng rối loạn nội tiết do tăng hay giảm tùy tuyến chức năng, nguyên nhân phụ thuộc vào tùy tuyến nội tiết. Chẳng hạn như tuyến giáp sản xuất và giải phóng nhiều hormone tuyến giáp vào trong máu sẽ gây ra cường giáp, suy giáp thường gặp sau phẫu thuật bướu giáp do bị thiếu hụt hormone tuyến giáp, sau phẫu thuật tuyến thượng thận thì thường dễ bị suy tuyến thượng thận...

 

Dấu hiệu nhận biết cơ thể mất cân bằng nội tiết 

Tuỳ thuộc vào từng tuyến nội tiết trong cơ thể sẽ có những triệu chứng mất cân bằng nội tiết hay rối loạn nội tiết khác nhau. Tuy nhiên, một số dấu hiệu thường gặp khi cơ thể có sự thay đổi nội tiết:

  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Tăng hoặc sụt cân bất thường
  • Nhanh đói, nhanh khác
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Vết thương lâu lành, khó lành
  • Thường xuyên thay đổi cảm xúc
  • Trí nhớ suy giảm, hay quên
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
  • Suy giảm thị lực
  • Hội chứng run tay, chân
  • Hồi hộp trống ngực
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Có vấn đề về tiêu hóa, táo bón

 

Các bệnh nội tiết thường gặp 

Bệnh nội tiết có liên quan đến hệ nội tiết trong cơ thể. Khi cơ thể mất cân bằng nội tiết hoặc rối loạn nội tiết dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. 

 

Đái tháo đường (tiểu đường)

Đái tháo đường là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường do cơ thể sản xuất thiếu hụt lượng insulin cần thiết hoặc insulin hoạt động không hiệu quả.

Biểu hiện tiểu đường diễn biến từ nhẹ đến nặng:

  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Nhanh đói nhanh khát
  • Đi tiểu nhiều vào ban đêm
  • Sụt cân không rõ nguyên do
  • Khô miệng, ngứa da
  • Suy giảm thị lực
  • Vết thương lâu lành
  • Phụ nữ đang mang thai

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng với sức khỏe tổng thể như tim mạch, nhồi máu cơ tim, suy thận, mất thị lực vĩnh viễn, viêm nhiễm… 

 

Cường giáp

Cường giáp là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp trong máu. Sự dư thừa hormone tuyến giáp làm tăng chuyển hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, loãng xương và gây ra các rối loạn chuyển hóa khác. Sự tăng tiết quá mức hormone tuyến giáp trong cơ thể có thể gây ra những rối loạn về thần kinh, rối loạn tiêu hóa và suy giảm khả năng sinh sản dẫn đến hiếm muộn vô sinh.

Biểu hiện cường giáp:

  • Trạng thái căng thẳng
  • Tim đập nhanh, khó thở, đánh trống ngực
  • Tăng sụt cân không rõ nguyên do
  • Yếu cơ, phù nề, run tay chân
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Có vấn đề tiêu hóa, tiêu chảy
  • Thay đổi thị giác, nhạy cảm với ánh áng

Cường giáp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.

 

Suy giáp

Suy giáp là tình trạng cơ thể sản xuất không đủ lượng hormon theo nhu cầu cơ thể. Suy giáp có thể gây tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tổng thể nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Biểu hiện suy giáp khác nhau theo từng độ tuổi và mức độ giảm tiết hormone. Bệnh lý này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, suy giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hiếm gặp hơn khoảng 1/5.000 trẻ. Tình trạng này cũng có thể gặp ở phụ nữ đang mang thai do nội tiết cơ thể thay đổi nhưng sẽ khỏi hẳn sau sinh.

Biểu hiện thường gặp là mệt mỏi, giảm trí nhớ, sợ lạnh, da khô, tóc khô dễ rụng, nhịp tim chậm, táo bón...

Suy giáp không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tốt, ngăn ngừa biến chứng hiệu quả và sống khỏe mạnh.

 

Suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất giảm glucocorticoid hoặc mineralcorticoid hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, có thể gặp ở mọi độ tuổi. Biểu hiện suy tuyến thượng thận là mệt mỏi, yếu cơ, sụt cân, tụt huyết áp, sạm da. Suy tuyến thượng thận thường được điều trị bằng cách bù lại lượng hormone bị thiếu hụt cho cơ thể.

 

Điều trị các rối loạn tuyến nội tiết rất phức tạp. Bác sĩ sẽ phải cân nhắc kê đơn thuốc điều trị dựa vào kết quả thăm khám nhằm mục đích kích thích cơ thể sản xuất loại hormone bị thiếu hụt hoặc ức chế sản xuất loại hormone dư thừa nào đó. Trong quá trình điều trị, bác sĩ cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh liều lượng hormone cho phù hợp để tránh tác dụng phụ không mong muốn của các loại thuốc bổ sung nội tiết. Vì vậy, bạn không nên tự mua thuốc điều trị nội tiết.

 

Tất cả các cơ quan và các tế bào trong cơ thể đều làm nhiệm vụ nội tiết. Để đảm bảo chức năng nội tiết luôn hoạt động hiệu quả duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh toàn diện, bạn nên thiết lập và duy trì lối sống lành mạnh, lắng nghe cơ thể để nhận biết sự thay đổi và dấu hiệu của cơ thể từ sớm, không bỏ qua việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ kết hợp tầm soát bệnh nội tiết mỗi 6 tháng hoặc một năm một lần là những thói quen đơn giản mang đến cho bạn và gia đình bạn một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.