Kiến thức y học

Nhồi máu cơ tim những thông tin cơ bản bạn cần biết

Cập nhật lúc: 3:18:45 CH - 23/05/2024

Tim là cơ quan có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim được nuôi dưỡng từ 2 nhánh mạch máu chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi 1 phần của 1 trong 2 nhánh mạch máu hoặc cả 2 nhánh mạch máu bị tắc nghẽn, khả năng bơm máu của trái tim không còn toàn vẹn gây ra đau tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim 

 



 

Tim là cơ quan có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể. Tim được nuôi dưỡng từ 2 nhánh mạch máu chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi 1 trong 2 nhánh mạch máu hoặc cả 2 nhánh mạch máu bị tắc nghẽn đột ngột. Nếu một vùng cơ tim bị tổn thương do thiếu máu, khả năng bơm máu của tim giảm, không còn toàn vẹn sẽ gây ra suy tim, đau tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

 

Dấu hiệu nhồi máu cơ tim có thể khác nhau ở mỗi người, không phải lúc nào cũng rõ ràng vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác, bệnh sử tim mạch của bản thân hoặc gia đình đã có. 

 

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim 

Chủ yếu do các mảng xơ vữa và huyết khối tích tụ và hình thành theo thời gian bên trong lòng động mạch, gây tắc nghẽn sự lưu thông máu đến tim và các cơ quan trọng khác của cơ thể. Nguồn cung cấp máu và oxy đến tim bị gián đoạn, khiến cho các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương và hủy hoại dần. Cơ tim bị thiếu oxy không thể hoạt động bình thường trong khoảng 30 phút khi bắt đầu bị tắc nghẽn.

 

Một cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời trong khung giờ vàng từ 1 giờ đến 2 giờ đầu khi cơn đau tim hoặc nhồi máu cơ tim khởi phát. Vì vậy, nhận biết sớm dấu hiệu nhồi máu cơ tim là vô cùng cần thiết. Khi bước vào tuổi 30, cơ thể bắt đầu hình thành và phát triển các mảng xơ vữa, quá trình này có thể diễn ra từ vài năm đến vài chục năm.

 

Ở những người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu góp phần thúc đẩy gây tổn thương mạch máu theo thời gian bởi sự tích tụ của mảng bám gồm cholesterol, canxi và các mảnh vỡ tế bào. Các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch gây viêm, sau đó bong tróc và nứt vỡ hình thành cục máu đông làm bít tắc lòng mạch. Khi lòng động mạch bị bít tắc dẫn đến vùng cơ tim không nhận đủ lượng máu nuôi cần thiết, vùng cơ tim đó sẽ bị hoại tử dần và dẫn đến nhồi máu cơ tim. 

 

Yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim 

Có 2 yếu tố chính gây nhồi máu cơ tim là: 

Di truyền: Yếu tố không thể thay đổi nhưng có thể kiểm soát tốt qua việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm, mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng. 

Thói quen lối sống: Yếu tố có thể thay đổi được, giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch tốt hơn bằng thói quen, chế độ ăn uống, tập luyện thể chất và khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm. 

 

Khi trẻ tuổi, nam giới có nguy cơ tim mạch cao hơn nữ giới, ngược lại nữ giới có nguy cơ cao hơn nam giới khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với bất cứ ai. Khi bạn dành thời gian để tìm hiểu những yếu tố nguy cơ có thể mắc phải, bạn sẽ chủ động thay đổi để cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch tốt hơn. 

 

Đối tượng nào dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim? 

  • Người cao tuổi, từ 40 tuổi trở lên
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn mỡ máu, tăng lipid máu, tăng cholesterol và triglycerid
  • Bệnh sử bản thân và gia đình mắc bệnh tim mạch
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim, nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi
  • Bệnh thận mạn
  • Bệnh tự miễn
  • Tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ
  • Thể trạng thừa cân, béo phì, chỉ số BMI ≥ 23
  • Nghiện bia rượu và thuốc lá
  • Lối sống ít hoặc không vận động thể chất

 

Làm thế nào để kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim? 

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ kết hợp tầm soát bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim sẽ giúp bạn biết được các yếu tố nguy cơ bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng tim mạch.

Tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Chủ động thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất tránh thừa cân béo phì là cách đơn giản giúp bạn phòng ngừa hiệu quả các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi dẫn đến bệnh tim mạch. 

Nếu việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh không mang lại kết quả tích cực cho sức khỏe tim mạch, bác sĩ cần chỉ định kê đơn thuốc cho bạn với mục đích giúp trái tim hoạt động tốt hơn và kiểm soát các yếu tố nguy cơ biến chứng dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. 

 

Triệu chứng nhồi máu cơ tim 

Triệu chứng nhồi máu cơ tim khác nhau ở mỗi người, sau đây là những triệu chứng phổ biến và thường gặp:

  • Đau tức ngực, cảm giác chèn ép vùng ngực
  • Đau, khó chịu vùng cổ, lan dần ra vai, gáy, hàm, cánh tay
  • Cơn đau ngực kéo dài, gián đoạn, biến mất rồi quay trở lại
  • Cơn đau ngực không giảm ngay cả khi nghỉ ngơi 

Đôi khi, cơn đau ngực xuất hiện cùng với triệu chứng khác như:

  • Sắc da nhợt nhạt
  • Đổ mồ hôi, tay chân lạnh
  • Khó thở, hụt hơi
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Buồn nôn, nôn
  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Mệt mỏi không rõ nguyên do
  • Mạch nhanh, không đều, huyết áp thay đổi 

Mặc dù, cơn đau tức ngực là dấu hiệu cảnh báo chính của cơn đau tim, nhồi máu cơ tim nhưng có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Một số người được chẩn đoán nhồi máu cơ tim nhưng không trải qua các triệu chứng phổ biến thường gặp mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc khó chịu vùng thượng vị, khó tiêu, viêm phổi, đau xương ức và hai bên xương sườn.

Khi nhận thấy một trong số các dấu hiệu kể trên, bạn nên đến bệnh viện thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và đánh giá sức khỏe toàn diện, chẩn đoán chính xác bệnh lý và tư vấn hướng điều trị kịp thời.

 

Bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim thế nào?

Khi đến thăm khám, bác sĩ hỏi thăm tình trạng sức khỏe, bệnh sử bản thân và gia đình (nếu có). Bạn được chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng cơ bản để bác sĩ có dữ liệu thông tin sức khỏe trước khi đưa ra chẩn đoán kết hợp với dấu hiệu và yếu tố nguy cơ gồm:

  • Đo điện tim cơ bản (ECG)
  • Holter điện tim 24 giờ
  • Xét nghiệm máu tìm dấu hiệu cơ tim như men Troponin I, Troponin T
  • Siêu âm tim
  • Chụp X-quang tim phổi
  • Chụp CT Scan hoặc MRI tim và mạch máu  

Sau khi xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ giải thích tình trạng tim mạch của bạn, tư vấn hướng điều trị phù hợp nhằm phục hồi lưu lượng máu đến tim và ngăn chặn các tổn thương tim mạch có thể xảy ra. 

 

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim 

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro nhồi máu cơ tim hiệu quả bằng cách hiểu rõ những tác động tiêu cực và các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Cho dù bạn đã từng bị đau tim, được chẩn đoán nguy cơ tim mạch cao, bạn vẫn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chủ động thay đổi lối sống để có trái tim khỏe mạnh hơn. 

 

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp vận động thể chất điều độ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tim mạch, tăng khả năng chống viêm, phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim do xơ vữa động mạch được khoa học chứng minh hiệu quả.

 

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng 4 nhóm chất thiết yếu gồm tinh bột, chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất, hạn chế muối, đường và chất béo chuyển hóa góp phần bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh. 

 

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo, khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cho cả người hút thuốc lá và người hít phải khói thuốc lá. Cách tốt nhất là bạn nên bỏ hút thuốc vì những lợi ích lâu dài cho sức khỏe.

 

Tránh lạm dụng bia rượu vì lượng chất cồn có trong rượu bia có thể gây tăng huyết áp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, rượu vang đỏ lại có lợi cho sức khỏe tim mạch nếu uống điều độ từ 1 đến 2 ly mỗi ngày. 

 

Phụ nữ đang hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn mãn kinh nên hỏi ý kiến bác sĩ về những lợi ích bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng liệu pháp thay thế estrogen.

 

Kiểm soát tốt căng thẳng là điều bạn cần ưu tiên, vì căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra áp lực cho các mạch máu, làm suy yếu thần kinh dẫn đến nhồi máu cơ tim. 

 

Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính phổ biến bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư. 

 

Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn để được đánh giá hiệu quả dùng thuốc hay điều chỉnh liều lượng thuốc kê đơn để có hướng cải thiện tốt hơn cho sức khỏe.

 

Duy trì việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm 1 lần. 

 

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh tim mạch nguy hiểm nhất hiện nay, có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng. Những tiến bộ trong y học cùng với hệ thống thiết bị chẩn đoán hiện đại, các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể được tầm soát phát hiện sớm trước khi các dấu hiệu tim mạch tiến triển và có biểu hiện thực thể rõ ràng. 

 

Mời bạn tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang thực hiện tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh: 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạnh

(*) Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. 

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]