Hiếm muộn ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ đang trong độ tuổi sinh sản đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Chuyển phôi là bước quan trọng trong quá trình điều tri thụ tinh ống nghiệm, được thực hiện sau bước kích thích buồng trứng (kích trứng) và chọc hút trứng.
Phôi được tạo thành sau khi nuôi cấy tới ngày 3 hoặc ngày 5 không thực hiện chuyển phôi tươi ngay vào lòng tử cung của người mẹ mà trữ đông lại toàn bộ để thực hiện chuyển phôi ở những chu kỳ tiếp theo thì được gọi là chuyển phôi trữ đông.
Phôi trữ đông được bảo quản trong môi trường và nhiệt độ theo quy chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo tất cả phôi trữ đông giữ nguyên chất lượng ban đầu. Các cặp vợ chồng đều có chung lo lắng chất lượng phôi giảm khi trữ đông trong thời gian dài.
Hiện nay, các nghiên cứu khoa học chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự ảnh hưởng của thời gian đối với chất lượng phôi trữ đông. Có một điều vợ chồng bạn cần lưu ý là tuổi của vợ chồng bạn cũng là một yếu tố quyết định đến chất lượng phôi, khả năng mang thai và sinh con thành công. Thời gian trữ đông phôi càng lâu thì người mẹ càng lớn tuổi.
Xu hướng chuyển phôi trữ đông được ưu tiên chọn lựa ngày càng nhiều bởi sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là tăng tỷ lệ đậu thai cao hơn. Cơ thể người mẹ có thêm nhiều thời gian chuẩn bị sức khỏe tổng thể tốt hơn cả về thể chất và tinh thần, tiết kiệm chi phí điều trị vì không cần phải kích trứng, phôi được sàng lọc chất lượng tốt hơn, vợ chồng bạn có thêm cơ hội mang thai và sinh con khỏe mạnh trong tương lai với số lượng phôi trữ đông còn lại.
Trong chu kỳ chuyển phôi trữ đông, bạn chỉ cần chuẩn bị niêm mạc tử cung thật tốt, tạo môi trường thuận lợi nhất để đón nhận phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi khỏe mạnh mà không cần thực hiện lại bước kích thích buồng trứng (kích trứng).
Có nhiều cách khác nhau để chuẩn bị niêm mạc tử cung trong chu kỳ chuyển phôi trữ đông. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trong các phương pháp điều trị, phương pháp phổ biến nhất là sử dụng nội tiết tố ngoại sinh vì dễ thực hiện, chi phí thấp và hiệu quả cao.
Trong một chu kỳ chuyển phôi trữ đông cơ bản thường gồm 6 bước:
Bước 1: Sử dụng Estrogen
Bước 2: Sử dụng {rogesterone
Bước 3: Rã đông phôi
Bước 4: Chuyển phôi
Bước 5: Sau chuyển phôi
Bước 6: Xác định có thai
Bước 1: Sử dụng Estrogen
Estrogen kích thích niêm mạc tử cung phát triển và ngăn sự rụng trứng tự nhiên. Có thể sử dụng dạng viên, đặt âm đạo, tiêm hoặc dán qua da nhưng phổ biến nhất là dạng viên. Bác sĩ thường chỉ định điều trị vào ngày 2 hoặc ngày 3 của chu kỳ kinh và trước khi thực hiện chuyển phôi khoảng từ 2 đến 3 tuần. Bác sĩ sẽ hẹn bạn siêu âm kiểm tra sau 6 đến 7 ngày sử dụng và siêu âm theo dõi sự phát triển của niêm mạc tử cung mỗi 3 đến 5 ngày.
Bước 2: Sử dụng Progesterone
Progesterone tạo nội tiết thích hợp cho sự làm tổ của phôi thai, được sử dụng để chuẩn bị cho niêm mạc tử cung đủ độ dày cần thiết. Có thể dùng dạng viên, tiêm hoặc đặt âm đạo. Lời khuyên của bác sĩ nên đặt âm đạo vì có tác dụng trực tiếp đến lòng tử cung. Thời gian sử dụng tùy vào giai đoạn của phôi trữ đông, nếu chuyển phôi ngày 3 thì đặt trước 3 ngày, chuyển phôi ngày 5 thì đặt trước 5 ngày.
Bước 3: Rã đông phôi
Vào ngày bạn chuyển phôi đã được bệnh viện thông báo trước, phôi được rã đông. Số lượng phôi rã đông được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo khả năng thành công cao nhất và hạn chế nguy cơ đa thai thấp nhất.
Bước 4: Chuyển phôi
Chuyển phôi là thủ thuật nhẹ nhàng, bạn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình chuyển phôi. Bạn sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi vị trí phôi bác sĩ chuyển vào đúng vị trí lòng tử cung. Trước khi chuyển phôi, bạn nên ăn uống bình thường. Sau khi chuyển phôi, bạn có thể ngồi dậy, đi tiểu ngay và đi lại nhẹ nhàng.
Bước 5: Sau chuyển phôi
Bạn sẽ được bác sĩ và nhân viên y tế hướng dẫn uống thuốc và đặt thuốc Estrogen và Progesterone. Về nhà, bạn nên đi lại, làm việc và sinh hoạt bình thường, không nên nằm bất động một chỗ vì không có lợi cho sự phát triển và làm tổ của phôi thai mà còn tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Bước 6: Xác định có thai
Sau chuyển phôi khoảng 12 ngày đến 14 ngày, bạn sẽ được hẹn thực hiện xét nghiệm nồng độ beta-hCG, mục đích là xác định có thai hay không. Trước ngày thử thai, một số bạn có thể bị ra huyết nhưng vẫn cần thực hiện xét nghiệm beta-hCG vì vẫn có thể có thai. Nếu cảm thấy lo lắng, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ điều trị. Lưu ý mọi loại thuốc sử dụng trong thời gian này cần có ý kiến hoặc chỉ định của bác sĩ điều trị.
Vợ chồng bạn luôn có cơ hội làm cha mẹ nếu không bỏ lỡ “thời gian vàng” khi có thể mang thai tự nhiên, nếu cần can thiệp điều trị hỗ trợ sinh sản, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm cũng sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp vợ chồng đang mong con nên đi khám và điều trị ngay sau 6 tháng đến 1 năm không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có em bé. Khám sức khỏe trước kết hôn hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, thời điểm hiện tại vợ chồng bạn có đang mong con hay không vẫn nên duy trì đều đặn hàng năm.
Khám hiếm muộn, vợ chồng bạn nên đi khám cả hai vợ chồng vì nguyên nhân có thể đến từ cả vợ và chồng, chọn kỹ thuật điều trị nào cũng cần sự tham gia và đồng ý của cả hai. Hãy để người bạn đời thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm và sẵn sàng chào đón những thiên thần nhỏ bước vào cuộc sống của gia đình bạn.
Chúc vợ chồng bạn thật nhiều may mắn và sớm đón con yêu!
Bệnh viện An Sinh
Thông tin tham khảo không thay thế việc việc thăm khám và tư vấn bác sĩ