Mỗi tháng, chức năng sinh sản ở một người phụ nữ khỏe mạnh sẽ diễn ra quá trình rụng trứng để chuẩn bị cho việc thụ thai. Sự tương tác phức tạp giữa tuyến yên, buồng trứng và tử cung tạo ra môi trường thuận lợi cho sự rụng trứng để tinh trùng và trứng gặp nhau. Sau đó trứng được thụ tinh, di chuyển vào lòng tử cung phát triển và hình thành thai nhi, nếu quá trình thụ thai không diễn ra thì sẽ xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.
Vào ngày thứ 14 chu kỳ kinh, một trứng (còn gọi là noãn) rụng xuống từ buồng trứng sẽ được hỗ trợ di chuyển vào trong ống dẫn trứng. Vợ chồng gần gũi vào đúng thời điểm trứng rụng, những tinh trùng khỏe mạnh nhất, có tốc độ di chuyển nhanh nhất chuyển động từ âm đạo vượt qua cửa tử cung để đến gặp trứng tại ống dẫn trứng. Mỗi lần xuất tinh có khoảng 200 triệu tinh trùng phóng vào âm đạo. Trong vòng 5 phút, có khoảng vài triệu tinh trùng đến được vị trí của trứng.
Theo tự nhiên thì chỉ có duy nhất một tinh trùng được xâm nhập vào bên trong trứng. Sau khi thụ tinh, lớp vỏ của trứng trở nên cứng hơn để ngăn chặn các tinh trùng khác lọt vào trứng. Nhân lõi của tinh trùng xâm nhập vào bên trong trứng sẽ kết hợp với nhân của trứng, tạo thành 2 nhân, thường gọi là hợp tử. Lúc này trứng đã thụ tinh, hợp tử bắt đầu phân chia tế bào liên tục và di chuyển dần về phía lòng tử cung để làm tổ.
Trong quá trình di chuyển về phía lòng tử cung, hợp tử cũng bắt đầu quá trình phân chia tạo thành phôi. Khoảng 24 giờ sau thụ tinh, hợp tử từ 1 tế bào trứng ban đầu lần lượt phân chia thành phôi 2 tế bào vào ngày thứ nhất, 4 tế bào vào ngày thứ 2, 8 tế bào ở ngày thứ 3. Vào ngày thứ 4 có khoảng từ 16 đến 32 tế bào được phân chia và liên kết với nhau thành một khối rất giống quả dâu nên còn được gọi là phôi dâu.
Đến ngày thứ 5, phôi đã di chuyển đến vị trí lòng tử cung. Tại đây, phôi có sự thay đổi rõ rệt về hình dạng và tạo thành phôi nang. Phôi nang gồm 2 phần tế bào, một sẽ phát triển thành thai nhi và một sẽ phát triển thành nhau thai (bánh nhau). Cuối ngày thứ 5, phôi sẽ chui ra khỏi lớp màng bao bên ngoài để bám vào tử cung và hình thành túi thai trong bụng người mẹ. Khi đó, phôi đã làm tổ thành công và bắt đầu một thai kỳ khỏe mạnh bình thường.
Tương tự, trong thụ tinh ống nghiệm (IVF), khi tinh trùng của người chồng được thụ tinh với trứng của người vợ trong phòng thí nghiệm tạo thành phôi thai. Phôi thai sau khi nuôi cấy và chuyển vào lòng tử cung người mẹ được gọi là chuyển phôi tươi. Phôi thai sau khi nuôi cấy được trữ đông rồi mới chuyển vào lòng tử cung của người mẹ được gọi là chuyển phôi đông lạnh.
Chuyển phôi tươi, bác sĩ thường chuyển nhiều phôi cùng một lúc giúp tăng tỷ lệ đậu thai nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đa thai. Gần đây, các nghiên cứu khoa học cho thấy sau quá trình kích thích buồng trứng, nội tiết tố trong cơ thể người mẹ tăng cao đáng kể, điều này không tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho phôi làm tổ. Chuyển phôi trữ đông có nhiều ưu điểm vượt trội hơn bởi:
+ Cơ thể người mẹ có thời gian hồi phục, ổn định tinh thần, giảm căng thẳng, lo lắng sau quá trình kích trứng và chọc hút trứng.
+ Có thêm thời gian chuẩn bị lớp niêm mạc tử cung đạt độ dày hoàn hảo, tạo môi trường tốt nhất để đón nhận phôi thai làm tổ an toàn.
+ Tăng cơ hội có thai cho các trường hợp có yếu tố nguy cơ cao như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng quá kích buồng trứng, dịch trong lòng tử cung…
+ Có thêm thời gian nâng cao sức khỏe tổng thể, sắp xếp công việc và cuộc sống để tập trung cho việc điều trị.
+ Hạn chế tối đa nguy cơ đa thai vì bác sĩ chỉ chuyển tối đa từ 1 đến 2 phôi chất lượng tốt nhất cho mỗi lần chuyển.
+ Tiết kiệm chi phí điều trị vì giảm số lần kích thích buồng trứng, sức khỏe của người mẹ được đảm bảo hơn.
+ Vợ chồng bạn có thêm cơ hội mang thai trong tương lai bởi số phôi trữ đông còn dư.
Chuyển phôi tươi hay chuyển phôi trữ đông hiệu quả là như nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng được chuyên viên phôi học theo dõi liên tục trong labo chuyên dụng. Những phôi khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất sẽ được lựa chọn cho việc chuyển phôi.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho vợ chồng bạn kỹ thuật điều trị phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể hiện có của vợ chồng bạn, kết quả nuôi phôi, số lượng và chất lượng phôi nuôi ngày 3 hoặc ngày 5… để đạt kết quả như mong muốn, có thai và thai nhi phát triển khỏe mạnh cho đến khi chào đời.
Hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là kỹ thuật y khoa hiện đại, chuyển phôi trữ đông đang dần trở thành xu hướng ưu tiên của các bác sĩ lâm sàng bởi tỷ lệ đậu thai cao ngay trong một chu kỳ điều trị. Chuyển phôi trữ đông không chỉ giảm nguy cơ đa thai, hội chứng quá kích buồng trứng, tạo được nhiều chu kỳ chuyển phôi hơn mà còn được bác sĩ chỉ định cho các cặp vợ chồng chuyển phôi tươi nhiều lần không thành công, có thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, có nguy cơ quá kích buồng trứng, tăng progesterone sớm và có nhu cầu bảo tồn khả năng sinh sản.
Hành trình mong con là một hành trình cần nhiều một chút niềm tin, nhiều một chút kiên nhẫn, quan trọng nhất là luôn giữ tinh thần lạc quan, chuẩn bị sức khỏe tổng thể thật tốt, đừng bỏ qua “thời gian vàng” khi có thể mang thai tự nhiên cũng như điều trị hỗ trợ sinh sản. Vợ chồng cần thăm khám bác sĩ ngay khi không thể có em bé sau 1 năm quan hệ vợ chồng đều đặn mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, 6 tháng với người mẹ trên 35 tuổi.
Chúc vợ chồng bạn thật nhiều may mắn và sớm đón con yêu!
Bệnh viện An Sinh
Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ