Kiến thức y học

Đừng bỏ qua thời điểm tốt nhất nếu vợ chồng bạn muốn sinh con khỏe mạnh trong tương lai

Cập nhật lúc: 3:42:50 CH - 17/10/2022

Sinh con có thể là một lựa chọn cá nhân và mang tính riêng tư của các cặp vợ chồng. Thực tế chức năng sinh sản không hoạt động theo ý chúng ta mong muốn. Thời điểm dễ thụ thai và đạt tỷ lệ có thai cao nhất trong độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi. Sau 40 tuổi, trứng và tinh trùng suy giảm rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, có con sẽ khó khăn hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dị tật bẩm sinh hơn.

 



 

Sinh con có thể là một lựa chọn cá nhân và mang tính riêng tư của các cặp vợ chồng. Thực tế khả năng sinh sản không hoạt động theo ý chúng ta mong muốn. Thời điểm dễ thụ thai và đạt tỷ lệ có thai cao nhất trong độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi. Sau tuổi 40, trứng và tinh trùng bắt đầu suy giảm rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, chuyện có con sẽ khó khăn hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dị tật bẩm sinh cho trẻ hơn.

 

Ở thời điểm hiện tại nếu vợ chồng bạn chưa muốn có em bé ngay, muốn dành thời gian cho việc xây dựng sự nghiệp và ổn định cuộc sống, hãy nghĩ đến việc trữ đông trứng, tinh trùng và phôi. Hành động này được xem như của để dành, một giải pháp tối ưu giúp bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai, trứng và tinh trùng luôn được đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất cho việc mang thai và sinh con khỏe mạnh sau này.

 

 

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới

 

Khả năng sinh sản ở nữ giới và nam giới đều suy giảm dần theo độ tuổi. So với nam giới, khả năng sinh sản của nữ giới có thời hạn nhất định. Nữ giới từ lúc sinh ra đã có sẵn một lượng trứng nhất định. Cho đến khi trưởng thành, buồng trứng có khoảng từ 1 đến 2 triệu quả trứng. Theo thời gian, số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần một cách tự nhiên. Trong số lượng trứng còn lại đó cũng không có gì chắc chắn tất cả đều khỏe mạnh, không có bất thường nhiễm sắc thể để có thể thụ thai thành công. Một số nữ giới còn bước vào thời kỳ mãn kinh sớm, buồng trứng suy giảm sớm, viêm nhiễm hoặc mắc các bệnh lý phụ khoa… đều làm giảm cơ hội thụ thai thành công và sinh con khỏe mạnh.

 

Khả năng sinh sản ở nữ giới

Có rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau góp phần ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới gồm:

  • Rối loạn rụng trứng gồm các rối loạn nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), vấn đề về tuyến giáp như suy giáp, cường giáp.
  • Bất thường tử cung, tử cung dị dạng, polype hoặc u xơ tử cung.
  • Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn.
  • Lạc nội mạc cung xảy ra khi các mô bên trong tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung.
  • Suy buồng trứng nguyên phát (mãn kinh sớm), buồng trứng ngừng hoạt động và vô kinh trước 40 tuổi.
  • Viêm nhiễm vùng chậu, di chứng sau phẫu thuật vùng bụng.
  • Bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp và một số bệnh tự miễn.

Tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng thụ thai, tuổi càng lớn số lượng và chất lượng trứng càng suy giảm khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn, ngay cả trước khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như thể trạng béo phì, mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, hội chứng rối loạn trầm cảm... và thậm chí là chưa rõ nguyên nhân.

 

Khả năng sinh sản ở nam giới

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới như bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng như: 

  • Bệnh lý thực thể: tinh hoàn ẩn, chấn thương tinh hoàn.
  • Rối loạn nội tiết, bệnh lý miễn dịch, di truyền: xuất phát từ lối sống, nghề nghiệp hoặc các yếu tố môi trường.
  • Bất thường cấu trúc giải phẫu: tắc nghẽn ống dẫn tinh, thắt ống dẫn tinh...
  • Rối loạn chức năng sinh dục: không xuất tinh, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương...
  • Bất thường sinh tinh: tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm tinh hoàn do quai bị, tinh hoàn lạc chỗ, bất thường sinh tinh...
  • Bất thường khả năng di động: tinh trùng đầu tròn, tinh trùng không có đuôi, có kháng thể kháng tinh trùng...

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như hút thuốc lá, rượu bia, stress, bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, đã từng phẫu thuật niệu khoa, thậm chí là sang chấn tâm lý. 

 

Tuổi 25 có khoảng 90% số lượng trứng có nhiễm sắc thể bình thường nên khả năng thụ thai cao nhất. Trước 35 tuổi vẫn được xem là thời điểm tốt để thụ thai. Nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học cho thấy tỷ lệ thụ thai thành công ở độ tuổi này lên đến 78%. Sau tuổi 40, trứng và tinh trùng đều suy giảm rất nhanh cả về chất lượng và số lượng. Có thể cơ thể nữ giới vẫn còn nhiều trứng nhưng chất lượng trứng không còn tốt. Ngay cả khi thụ thai thành công thì nguy cơ sảy thai, sinh non và biến chứng thai kỳ cũng tăng lên đáng kể. Có đến 90% trứng và tinh trùng có bất thường nhiễm sắc thể trong giai đoạn này.

 

Trữ đông trứng, tinh trùng và phôi thường được bác sĩ chỉ định cho các cặp vợ chồng chưa muốn có con ngay, nữ giới và nam giới khỏe mạnh chưa lập gia đình muốn duy trì khả năng sinh sản để sử dụng sau này. Độ tuổi phù hợp nhất là dưới 35 tuổi. Trữ đông trứng, tinh trùng và phôi mang lại 2 lợi ích quan trọng, một là khả năng làm cha mẹ khi đã lớn tuổi và hai là giảm nguy cơ sinh con do bất thường nhiễm sắc thể.

 

 

Trữ đông trứng, tinh trùng và phôi cần thực hiện những gì?

 

Trữ đông trứng, tinh trùng và phôi cũng phải trải qua các bước thăm khám cơ bản như khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm:

 

Nữ giới muốn trữ đông trứng

Kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Kiểm tra sức khỏe sinh sản.

Bác sĩ thực hiện kích trứng, chọc hút trứng.

Thực hiện trữ đông trứng.

 

Nam giới muốn trữ đông tinh trùng

Kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Kiểm tra sức khỏe sinh sản.

Thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ.

Thực hiện trữ đông tinh trùng.

 

Vợ chồng bạn muốn trữ đông phôi

Kiểm tra sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản của 2 vợ chồng.

Bác sĩ thực hiện kích trứng và chọc hút trứng.

Kết hợp trứng của người vợ với tinh trùng của người chồng trong phòng thí nghiệm tạo thành phôi.

Phôi được nuôi cấy đến ngày 3 hoặc ngày 5 tùy vào chất lượng phôi sau sàng lọc.

Thực hiện trữ đông phôi.

 

Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc liệu việc trữ và rã đông trứng, tinh trùng và phôi có làm giảm chất lượng và ảnh hưởng đến việc mang thai sau này không?

 

Hiện nay, mang thai thành công và sinh con khỏe mạnh từ trứng, tinh trùng và phôi trữ đông bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm đều đạt tỷ lệ rất cao. Chuyển phôi trữ đông với nhiều ưu điểm vượt trội như cơ thể người mẹ có thời gian được chuẩn bị tốt hơn cả về thể chất và tinh thần, bác sĩ kiểm soát được nguy cơ đa thai do số lượng mỗi lần chuyển phôi chỉ tối đa từ 1 đến 2 phôi, có thai ngay cả với những người mẹ có vấn đề về sức khỏe như có nguy cơ cao hội chứng buồng chứng đa nang (PCOS), quá kích buồng trứng, dịch buồng tử cung…

 

Thụ tinh ống nghiệm là một kỹ thuật nền tảng trong hỗ trợ sinh sản, một giải pháp y khoa hiện đại, đã và đang mang đến biết bao niềm hạnh phúc cho các gia đình ngày đêm mong mỏi tiếng khóc cười trẻ thơ. Ngày nay, kỹ thuật này đã vượt qua giới hạn ban đầu trong điều trị hỗ trợ sinh sản, không còn là “độc quyền” dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, không thể thụ thai hoặc mang thai tự nhiên. Thụ tinh ống nghiệm đang dần trở thành xu hướng mới, giải pháp đầy tiềm năng và an toàn cho những người trẻ chưa lập gia đình đang trong độ tuổi sinh sản tốt nhất, cho các cặp vợ chồng muốn bảo tồn khả năng sinh sản, chủ động thời điểm mang thai và sinh con khỏe mạnh trong tương lai.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên khoa

 

 

 

  

 

Các tin tức khác:
[Trở về]