Trái tim khỏe mạnh không phải là một lẽ đương nhiên. Trái tim chỉ khỏe mạnh thực sự khi được nâng niu, yêu thương và chăm sóc đúng cách.
Bạn đã biết chăm sóc trái tim đúng cách?
Cơ thể người là một bộ máy hoàn chỉnh và có cách vận hành đặc biệt. Trái tim là cơ quan duy nhất trong cơ thể mà chúng ta có thể nghe và cảm nhận được từng nhịp đập. Nhịp đập của trái tim là dấu hiệu đầu tiên và cũng là dấu hiệu sau cùng của sự sống. Trái tim không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn có sức mạnh tạo nên những điều kỳ diệu vượt ngoài khả năng và tầm kiểm soát của con người.
Chức năng tim mạch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lối sống thiếu lành mạnh và một số bệnh mạn tính không được kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, tiêu hóa, gan thận, ô nhiễm môi trường, ít hoặc không vận động thể chất, chế độ dinh dưỡng, lạm dụng rượu bia, nghiện hút thuốc lá... Stress, căng thẳng và áp lực tinh thần kéo dài làm tăng nguy cơ gấp đôi nhồi máu cơ tim.
Khi trái tim mệt mỏi hoặc bị tổn thương, nó cũng sẽ gửi những tín hiệu cảnh báo sớm. Chỉ có điều là bạn có chú ý lắng nghe hay phớt lờ những tín hiệu ấy mà thôi. Vì vậy, hãy sống chậm lại, dành thời gian lắng nghe nhịp đập trái tim, để hiểu trái tim nhiều hơn và biết cách chăm sóc trái tim khỏe mạnh và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Chắc chắn mỗi người đều có bí quyết riêng để duy trì một trái tim khỏe mạnh và đều nhịp. 10 thói quen đơn giản sau đây sẽ hữu ích cho bạn trong việc thiết lập lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân bằng, thời gian rèn luyện thể chất hợp lý, nghỉ ngơi khoa học… để luôn có một cuộc sống viên mãn, tràn đầy năng lượng, thể chất và tinh thần được nâng cao. Điều quan trọng nhất là luôn có một trái tim khỏe mạnh, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Hãy lấp đầy các bữa ăn của bằng các loại trái cây, rau xanh, củ quả và ngũ cốc nguyên hạt; Nguồn protein lành mạnh từ các loại cá và các loại đậu; Các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa như sữa tươi nguyên chất, sữa chua, phô mai; Chất béo lành mạnh từ thực vật như bơ, ô-liu và các loại hạt; Thay thế muối bằng các loại thảo mộc hoặc gia vị.
Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất rất tốt cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe trái tim. Theo khuyến cáo y khoa, người lớn nên dành ít nhất 150 phút cho hoạt động thể chất vừa sức hoặc 75 phút cho hoạt động gắng sức mỗi tuần, cộng với các bài tập nâng cao sức bền và sức mạnh cơ bắp ít nhất 2 ngày mỗi tuần.
Hãy nói không với thuốc lá
Bắt đầu từ việc phá hỏng các mạch máu đến tắc nghẽn động mạch và giảm lượng oxy trong máu, hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh tim mạch, đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên. Bỏ hút thuốc lá có thể là một thử thách lớn nhưng đó là bước quan trọng đầu tiên để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh.
Giữ cân nặng hợp lý
Béo phì và tim mạch có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thể trạng thừa cân béo phì góp phần làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch. Khi cơ thể béo phì, trái tim phải hoạt động nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim. Giữ cân nặng hợp lý không chỉ nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn bảo vệ trái tim khỏi tổn thương.
Hạn chế thức uống có cồn
Uống nhiều rượu bia nhiều trong thời gian dài sẽ làm tổn thương cơ tim và tăng nguy cơ các bệnh tim mạch. Tại thời điểm uống rượu bia có thể gây rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp tạm thời. Càng hạn chế rượu bia thì nguy cơ tim mạch liên quan đến rượu bia càng thấp. Không uống rượu là lựa chọn an toàn nhất.
Quản lý căng thẳng hiệu quả
Căng thẳng là điều khó tránh khỏi trong thời đại công nghệ 4.0. Căng thẳng tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Chúng tạo nên những thói quen không lành mạnh và ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch. Nhận biết sớm và kiểm soát tốt căng thẳng, cho phép cơ thể được nghỉ ngơi sâu, trái tim được xoa dịu và nhịp tim luôn ổn định.
Kiểm soát tốt cholesterol
Cholesterol cần thiết cho mọi hoạt động sống của cơ thể nhưng mức cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ mắc một loạt các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim. Có 3 cách kiểm soát tốt cholesterol là chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất hợp lý và dùng thuốc bác sĩ kê đơn để cải thiện sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Kiểm soát tốt huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch. Kiểm soát tốt huyết áp là một phần quan trọng để duy trì trái tim luôn khỏe mạnh. Nếu thay đổi lối sống lành mạnh không giúp cải thiện sức khỏe, bạn cần khám tư vấn bác sĩ nội tổng quát hoặc tim mạch để được kiểm tra, đánh giá sức khỏe toàn diện và có hướng điều trị kịp thời.
Kiểm soát tốt đường huyết
Đường trong máu cao là biểu hiện của bệnh tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, cholesterol hoặc tăng huyết áp, hãy chắc chắn rằng bạn thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh về liều lượng, thời gian sử dụng thuốc và tái khám theo lịch hẹn
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát tim mạch là bước quan trọng nhất trong việc duy trì bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh. Dựa vào kết quả, bác sĩ đánh giá được nguy cơ tim mạch, nhồi máu cơ tim từ rất sớm. Từ đó bạn chủ động điều chỉnh nhịp sống phù hợp, nâng cao sức khỏe tổng thể và phòng ngừa hiệu quả bệnh tim mạch trong tương lai.
Bệnh viện An Sinh