Kiến thức y học

Bác sĩ chỉ định điều trị thụ tinh trong ống nghiệm đối với trường hợp nào?

Cập nhật lúc: 1:48:19 CH - 26/02/2022

Y học hiện đại có thể làm nên điều kỳ diệu, đặc biệt với những đôi vợ chồng hiếm muộn. Người vợ có khả năng mang thai. Gia đình bạn hoàn toàn có thể tận hưởng niềm hạnh phúc với “mẹ tròn con vuông”. Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trứng và tinh trùng được kết hợp trong labo để tạo thành phôi

 



 

Y học hiện đại có thể làm nên điều kỳ diệu, đặc biệt với những đôi vợ chồng hiếm muộn. Người vợ có khả năng mang thai. Gia đình bạn hoàn toàn có thể tận hưởng niềm hạnh phúc vớimẹ tròn con vuông. Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trứng và tinh trùng được kết hợp trong môi trường bên ngoài cơ thể, cụ thể là trong labo để tạo thành phôi.

 

Vợ chồng bạn sẽ được khám sức khỏe tổng quát, thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm chuyên sâu về khả năng sinh sản để xác định nguyên nhân vì sao khó có con. Kết quả khám sẽ cho biết chất lượng tinh trùng của người chồng thế nào, người vợ có đủ khả năng để thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hay không.

 

 

Thụ tinh trong ống nghiệm được bác sĩ chỉ định khi:

 

Người vợ bị tổn thương, tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn, lớn tuổi. Người chồng tinh trùng ít, yếu, dị dạng hoặc không có tinh trùng. Một số trường hợp chưa xác định nguyên nhân rõ ràng và đã bơm tinh trùng nhiều lần nhưng không thành công.

 

 

Các bước thụ tinh trong ống nghiệm được đơn giản hóa như sau:

 

Người vợ được tiêm thuốc kích trứng tăng số lượng trứng phát triển bên trong buồng tử cung để tạo được nhiều phôi hơn, tăng cơ hội có thai. Thường bắt đầu vào ngày thứ 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh. Thuốc kích trứng được tiêm liên tục mỗi ngày. Thời gian tiêm thuốc phụ thuộc vào phác đồ điều trị và khả năng đáp ứng của cơ thể người vợ. Trong một chu kỳ điều trị, số lần bạn cần tái khám từ 3 đến 5 lần để theo dõi sự phát triển của trứng (nang noãn) thông qua thực hiện siêu âm và xét nghiệm máu.

 

Khi trứng đã sẵn sàng, đạt kích thước tiêu chuẩn, người vợ được tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích rụng trứng. Mũi thuốc này cần tiêm đúng giờ chỉ định, thường vào buổi tối. Bác sĩ tiến hành chọc hút trứng qua ngả âm đạo dưới hướng dẫn siêu âm trong khoảng 36 giờ. Khi người vợ được chọc hút trứng, người chồng sẽ được hướng dẫn lấy tinh trùng hoặc làm thủ tục rã mẫu tinh trùng đông lạnh trước đó.

 

Trứng và tinh trùng được đưa vào phòng labo tiến hành nuôi cấy để tạo phôi. Trứng sẽ kết hợp với tinh trùng bằng cách tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng (ICSI) hoặc nuôi cấy trong môi trường có mật độ tinh trùng vừa đủ (IVF).

 

Sau khi thụ tinh, các tế bào trứng được quan sát thụ tinh trong khoảng 16 đến 18 giờ và tiếp tục tạo điều kiện phát triển thành phôi. Thời gian nuôi cấy phôi từ 3 đến 5 ngày. Chất lượng phôi được xếp loại dựa vào đặc điểm như số lượng phôi, sự đồng đều giữa các phôi và những mảnh vỡ bao quanh các phôi.

 

Khi trứng đã phát triển thành phôi, bác sĩ sẽ chuyển đặt phôi vào buồng tử cung của người vợ bằng một catheter nhỏ đi qua ống cổ tử cung dưới hướng dẫn siêu âm đường bụng để phát triển thành thai nhi. Số phôi chuyển phụ thuộc vào độ tuổi người vợ, thể trạng, chất lượng của phôi, phôi ngày mấy, tiên lượng đậu thai và tình huống cụ thể của vợ chồng bạn.

 

Sau khi chuyển phôi, người vợ sẽ nằm nghỉ theo dõi tại bệnh viện khoảng từ 1 đến 2 giờ. Bác sĩ tiếp tục cho thuốc nội tiết để chờ đến ngày thử thai sau 2 tuần. Thời gian này, bạn nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, uống đủ nước và tránh nằm bất động. Nếu xét nghiệm máu có thai, bạn sẽ được cho thuốc nội tiết dưỡng thai trong 3 tuần và siêu âm lúc thai được 6 tuần để xác định thai làm tổ có đúng vị trí hay không.

 

Tỷ lệ có thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng tăng cao. Cũng như mang thai tự nhiên, một số yếu tố có thể gây trở ngại cho quá trình thụ thai dẫn đến không được kết quả như mong đợi, chẳng hạn như chất lượng phôi thai kém, buồng trứng không phản ứng tốt, bất thường di truyền của phôi, rối loạn tự miễn dịch, thiếu hụt các hormone tuyến giáp, có vấn đề với nội mạc tử cung hoặc do sự bất thường về giải phẫu tử cung của người phụ nữ…

 

Hành trình điều trị hiếm muộn rất cần nhiều một chút, một chút thử thách, một chút nỗ lực, một chút kiên nhẫn, một chút niềm tin để có thể biến những điều không thể thành có thể.

 

Chúc vợ chồng bạn thành công.

 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên khoa