Tăng huyết áp, hoặc huyết áp cao là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận và các bệnh lý khác.
Ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trong độ tuổi từ 30-79 tuổi trên toàn thế giới bị tăng huyết áp, hầu hết (2/3) sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ước tính có khoảng 46% người lớn bị tăng huyết áp không biết rằng họ mắc bệnh.
Gần một nửa số người lớn (42%) bị tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị.
Khoảng 1/5 người lớn (21%) bị tăng huyết áp được kiểm soát.
Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Một trong những mục tiêu toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm là giảm tỷ lệ tăng huyết áp xuống 33% từ năm 2010 đến năm 2030.
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực máu lên thành động mạch cao hơn so với bình thường.
Huyết áp được viết dưới dạng hai số. Số đầu tiên (tâm thu) đại diện cho áp suất trong các mạch máu khi tim co bóp hoặc đập. Số thứ hai (tâm trương) đại diện cho áp suất trong mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.
Tăng huyết áp được chẩn đoán nếu, khi đo vào hai ngày khác nhau, số đo huyết áp tâm thu của cả hai ngày là ≥ 140 mmHg và / hoặc số đo huyết áp tâm trương ở cả hai ngày là ≥90 mmHg.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn quá nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn ít trái cây và rau quả), ít hoặc không vận động thể chất, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thừa cân hoặc béo phì.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi bao gồm bệnh sử gia đình bị tăng huyết áp, trên 65 tuổi và các bệnh đồng mắc như đái tháo đường hoặc bệnh thận.
Dấu hiệu phổ biến chung
Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Hầu hết những người bị tăng huyết áp hoàn toàn không biết vì không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo nào. Vì lý do này, điều cần thiết là phải đo huyết áp thường xuyên.
Khi các triệu chứng xuất hiện, có thể bao gồm đau đầu vào sáng sớm, chảy máu cam, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực và ù tai. Tăng huyết áp nghiêm trọng có thể gây ra mệt mỏi, buồn nôn, nôn, lú lẫn, lo lắng, đau ngực và run cơ.
Cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp là sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm một lần và đo huyết áp huyết áp thường xuyên. Đo huyết áp rất đơn giản, nhanh chóng và không đau. Mỗi người đều có thể tự đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử cá nhân nhưng điều quan trọng vẫn cần được bác sĩ đánh giá nguy cơ và tình trạng sức khỏe có liên quan.
Biến chứng khi không được kiểm soát tốt
Trong số các biến chứng khác, tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, tổn thương nghiêm trọng cho hệ thống tim mạch. Áp lực quá cao có thể làm cứng động mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim. Khi áp lực tăng cao và giảm lưu lượng máu có thể gây ra:
Đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.
Đau tim xảy ra khi máu đến tim bị tắc nghẽn và các tế bào cơ tim không thể hoạt động vì thiếu oxy. Thời gian dòng máu bị tắc nghẽn càng lâu, tổn thương tim càng lớn.
Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể.
Tim đập không đều có thể dẫn đến đột tử.
Tăng huyết áp cũng có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu và oxy cho não, gây ra đột quỵ. Ngoài ra, tăng huyết áp có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng, dẫn đến suy thận.
Phòng ngừa hiệu quả
Phòng ngừa nguy cơ tăng huyết áp là ngăn ngừa đau tim, đột quỵ và tổn thương thận, cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Bằng cách:
Giảm lượng muối ăn xuống dưới 5 gram mỗi ngày.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây và củ quả các loại.
Tập thể dục, vận động thể chất thường xuyên.
Không hoặc bỏ hút thuốc lá.
Hạn chế các thức uống có cồn như rượu, bia.
Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
Bỏ hẳn chất béo chuyển hóa ra khỏi mỗi bữa ăn hàng ngày.
Quản lý tốt tăng huyết áp bằng những thói quen đơn giản
Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Tránh căng thẳng kéo dài, dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.
Tuân thủ điều trị tăng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
Quản lý tốt các bệnh lý khác, đặc biệt các bệnh mạn tính phổ biến.
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo WHO)