Kiến thức y học

WHO khuyến nghị những điều bạn nên biết về tăng huyết áp

Cập nhật lúc: 2:06:31 CH - 19/05/2021

Hưởng ứng ngày phòng chống tăng huyết áp trên toàn thế giới (17/5). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố những nội dung cơ bản và cần thiết về bệnh lý tăng huyết áp. Một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian và ngày càng trẻ hóa.

 



 

 

Hưởng ứng ngày phòng chống tăng huyết áp trên toàn thế giới (17/5). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố những nội dung cơ bản và cần thiết về bệnh lý tăng huyết áp. Một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian và ngày càng trẻ hóa.

 

Tăng huyết áp (hoặc huyết áp cao) là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến chức năng tim mạch, não, thận và các bệnh lý khác.

Ước tính có khoảng 1,13 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp, thường gặp (chiếm 2/3) ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Năm 2015, cứ 4 nam thì có 1, cứ 5 nữ thì có 1 người được chẩn đoán bị tăng huyết áp.

Ít hơn 1/5 số người bị tăng huyết áp dưới mức kiểm soát.

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới.

Một trong những mục tiêu toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm, trong đó có giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp xuống 25% từ năm 2010 đến năm 2025.

 

 

Tăng huyết áp là gì?

 

Huyết áp là lực tác động bằng cách tuần hoàn máu chống lại các thành động mạch của cơ thể, các mạch máu chính trong cơ thể. Tăng huyết áp là khi chỉ số huyết áp tăng cao.
Huyết áp được viết dưới dạng hai số. Số đầu tiên (tâm thu) đại diện cho áp suất trong các mạch máu khi tim co bóp hoặc đập. Số thứ hai (tâm trương) đại diện cho áp suất trong mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.


Tăng huyết áp được chẩn đoán khi chỉ số đo huyết áp được thực hiện vào hai ngày khác nhau, chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương ≥90 mmHg.

 

 

Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp

 

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh (tiêu thụ quá nhiều muối, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn ít trái cây và rau quả), ít hoặc không vận động thể chất, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều và thể trạng thừa cân béo phì.

 

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi bao gồm tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, trên 65 tuổi và đang mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận.

 

 

Các triệu chứng phổ biến của tăng huyết áp

 

Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Hầu hết các trường hợp bị tăng huyết áp không biết bản thân mắc bệnh vì không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Vì vậy, đo huyết áp thường xuyên là điều cần thiết.

 

Khi xuất hiện triệu chứng, gồm đau đầu vào sáng sớm, chảy máu cam, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực và ù tai. Tăng huyết áp diễn biến nghiêm trọng có thể gây ra mệt mỏi, buồn nôn, nôn, lú lẫn, lo lắng, đau ngực và run cơ.

 

Cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp là khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp thường xuyên. Đo huyết áp được thực hiện nhanh và hoàn toàn không gây đau. Thậm chí bạn cũng có thể tự đo huyết áp của bằng các thiết bị tự động, nhưng chẩn đoán của bác sĩ rất quan trọng để đánh giá nguy cơ và tình trạng sức khỏe có liên quan.

 

 

Các biến chứng của tăng huyết áp không thể kiểm soát được

 

Trong số các biến chứng của tăng huyết áp có thể gây tổn thương tim nghiêm trọng. Áp lực quá cao có thể làm cứng động mạch, giảm lưu lượng máu và oxy đến tim. Áp lực tăng cao và giảm lưu lượng máu có thể gây ra:

  • Đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.
  • Đau tim, xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn và các tế bào cơ tim chết vì thiếu oxy. Thời gian càng lâu thì dòng máu bị tắc nghẽn gây tổn thương cho tim càng lớn.
  • Suy tim, xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể.
  • Tim đập không đều có thể dẫn đến đột tử.
  • Tăng huyết áp cũng có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu và oxy cho não, nguyên nhân gây ra đột quỵ.
  • Ngoài ra, tăng huyết áp có thể gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận.

 

 

Tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe quan trọng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình

 

Tỷ lệ tăng huyết áp khác nhau giữa các vùng miền và các nhóm thu nhập của các quốc gia. Khu vực Châu Phi có tỷ lệ tăng huyết áp cao nhất (27%), trong khi khu vực Châu Mỹ có tỷ lệ tăng huyết áp thấp nhất (18%).

 

Số người trưởng thành bị tăng huyết áp tăng từ 594 triệu người năm 1975 lên 1,13 tỷ người vào năm 2015, với sự gia tăng chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Sự gia tăng này chủ yếu là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ trong các nhóm dân số này.

 

 

Làm thế nào để giảm gánh nặng do tăng huyết áp gây ra

 

Giảm nguy cơ tăng huyết áp giúp ngăn ngừa đau tim, đột quỵ và tổn thương thận cũng như các vấn đề sức khỏe khác.

 


Phòng ngừa hiệu quả tăng huyết áp

 

  • Giảm lượng muối trong các bữa ăn, nên ít hơn 5g mỗi ngày.
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây các loại.
  • Tích cực hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Tránh hoặc bỏ hút thuốc lá.
  • Hạn chế sử dụng các loại thức uống có cồn.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
  • Bỏ hoặc giảm dần các loại chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống hàng ngày.

 

 

Quản lý tốt tăng huyết áp

  • Giảm thiểu và xử lý căng thẳng, thay đổi lối sống tích cực.
  • Thường xuyên kiểm tra huyết áp, tốt nhất mỗi ngày.
  • Hãy điều trị nếu bị tăng huyết áp.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính khác.

 

 

Khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẵn sàng hỗ trợ các nước nhằm giảm tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp như một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

 

Hỗ trợ các quốc gia tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch, WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã khởi động chương trình Sáng kiến Trái tim Toàn cầu vào tháng 9 năm 2016, bao gồm bộ các kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch. Bộ các kỹ thuật này bao gồm: (1) Tư vấn lối sống lành mạnh, (2) Quy trình điều trị dựa trên bằng chứng, (3) Tiếp cận các loại thuốc và công nghệ thiết yếu, (4) Quản lý dựa trên rủi ro, (5) Chăm sóc dựa trên nhóm nguy cơ và (6) Có hệ thống theo dõi, tiếp cận các chiến lược để cải thiện sức khỏe tim mạch ở các quốc gia trên thế giới.

 

Vào tháng 9 năm 2017, WHO đã bắt đầu hợp tác với Resolve to Save Lives, một sáng kiến của Vital Strategies nhằm hỗ trợ các quốc gia thực hiện Sáng kiến Trái tim Toàn cầu. Sự đóng góp của các đối tác cho Sáng kiến Trái tim Toàn cầu là Quỹ CDC, Vườn ươm Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) và CDC Hoa Kỳ. Kể từ khi chương trình được triển khai vào năm 2017 tại 18 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, 3 triệu người đã được điều trị tăng huyết áp theo phác đồ thông qua các mô hình chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm. Các chương trình này đã chứng minh được tính khả thi và hiệu quả trong việc chuẩn hóa các chương trình kiểm soát tăng huyết áp. 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn: WHO)