Đục thủy tinh thể là bệnh lý rất thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Đó là hiện tượng mờ đục của một thấu kính nằm sau con ngươi. Khi bị bệnh lý này, thị lực giảm dần theo thời gian, không kèm đau nhức.
Đục thủy tinh thể là bệnh lý rất thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Đó là hiện tượng mờ đục của một thấu kính nằm sau con ngươi. Khi bị bệnh lý này, thị lực giảm dần theo thời gian, không kèm đau nhức. Do đó thường không phát hiện cho đến khi thị lực giảm nhiều hoặc có biến chứng viêm hay đau nhức tại mắt.
Đục thủy tinh thể là một bệnh lý có thể điều trị khỏi và giúp phục hồi thị lực khi can thiệp đúng giai đoạn. Tuy nhiên nếu phát hiện muộn khi đã có những biến chứng thì điều trị sẽ phức tạp mà hiệu quả không cao. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ, theo dõi và phẫu thuật khi có chỉ định là việc vô cùng quan trọng. Trong đó việc lựa chọn các cơ sở khám và phẫu thuật mắt có kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại đóng góp không nhỏ trong thành công của việc điều trị.
Cơ chế hoạt động của thủy tinh thể
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt bên trong nhãn cầu, ngay phía sau con ngươi. Thủy tinh thể giúp ánh sáng hội tụ tại lớp thần kinh cảm nhận và tham gia vào quá trình điều tiết của mắt, giúp chúng ta thấy ảnh rõ nét ở cả gần và xa.
Khi thủy tinh thể bị đục (còn gọi là cườm khô), mắt sẽ gặp tình trạng mờ vì đường đi của ánh sáng bị cản trở khiến chúng ta cảm giác như nhìn qua màng sương hay màng khói. Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa vĩnh viễn nếu không được can thiệp điều trị đúng thời điểm.
Biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể
Ở giai đoạn đầu, người mắc bệnh đục thủy tinh thể không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển gây ra các triệu chứng như:
- Nhìn mờ từ từ nhưng không kèm đau nhức.
- Thấy màu sắc nhạt hơn trước hoặc hơi ngả sang màu vàng.
- Nhạy cảm với ánh sáng và bị lóa mắt.
- Khó nhìn vào ban đêm hoặc khi ở nơi không đủ ánh sáng.
- Thấy các quầng hào quang xung quanh nguồn sáng.
- Nhìn một thành hai ở một mắt nào đó.
- Phải đổi độ kính thường xuyên hơn.
Ngay sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường này, bạn nên nhanh chóng tới gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân nào gây đục thủy tinh thể
Ngoài nguyên nhân di truyền bẩm sinh hay do mẹ bị nhiễm siêu vi trong quá trình mang thai thì đục thủy tinh thể còn do nhiều tác động khác như:
- Tuổi tác, quá trình lão hóa của cơ thể.
- Tiếp xúc nhiều với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.
- Tình trạng mắt: cận thị nặng, chấn thương, viêm màng bồ đào kéo dài, Glaucoma, bong võng mạc...
- Dùng thuốc Corticosteroid kéo dài cả thuốc nhỏ và thuốc uống.
- Bệnh lý nội khoa như tiểu đường, tăng huyết áp, xạ trị vùng đầu...
- Đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi là do quá trình thay đổi thành phần cấu trúc bên trong thủy tinh thể.
Đục thủy tinh thể không chỉ xuất hiện ở người sau tuổi 50
Đục thủy tinh thể có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Có đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em do các bất thường trong quá trình thai kì. Đục thủy tinh thể xuất hiện ở người trẻ trên những người có tiền sử chấn thương mắt, có các bệnh lý tại mắt như viêm màng bồ đào, cận thị nặng, bong võng mạc…, có tiền sử sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian lâu dài hay tình trạng bệnh lý toàn thân, các rối loạn chuyển hóa toàn thân… Trong khi đó, đục thủy tinh thể người già là bệnh lý ai cũng sẽ mắc phải khi từ 50 tuổi trở lên.
Trung tâm Mắt Bệnh viện An Sinh