Kiến thức y học

Khám và phát hiện sai hình răng ở trẻ

Cập nhật lúc: 10:15:17 SA - 29/09/2020

Nói đến chỉnh hình răng mặt là nói đến một hệ thống bao gồm răng – xương hàm trên – xương hàm dưới và nền sọ. Đó là một phức hợp của hệ thống răng – sọ và mặt có liên quan chặt chẽ với nhau...

 

 



 

 

Vì sao phải khám và điều trị sớm?

Nói đến chỉnh hình răng mặt là nói đến một hệ thống bao gồm răng – xương hàm trên – xương hàm dưới và nền sọ. Đó là một phức hợp của hệ thống răng – sọ và mặt có liên quan chặt chẽ với nhau cùng với sự tăng trưởng và phát triển của toàn bộ cơ thể.

Sự tăng trưởng của răng và xương hàm so với nền sọ cho ra những kiểu hình khác nhau của khuôn mặt. Có thể là hô, móm, mặt dài - ngắn, răng thưa kẽ hoặc chen chúc...

Ngoài ra, di truyền cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của hệ thống sọ mặt và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành của răng và khớp cắn.

Phát hiện và điều trị sớm những lệch lạc của răng và xương hàm trong giai đoạn trẻ đang tăng trưởng tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định của bộ răng vĩnh viễn. Đạt được thẫm mỹ khuôn mặt dựa vào sự phát triển của khung xương nền mà không cần phải can thiệp phẫu thuật, hoặc giảm thiểu mức độ trầm trọng của việc phẫu thuật hàm mặt do sai hình mức độ nặng.

Can thiệp sớm vào giai đoạn trẻ đang tăng trưởng nhằm hạn chế những phát triển quá mức, hoặc kích thích những vùng kém phát triển hơn của xương hàm để tạo lại sự cân đối giữa hai hàm trong giới hạn cho phép để điều trị hô - móm đặc biệt rất hiệu quả ở trẻ.

 

Tuổi nào là phù hợp để chỉnh hình răng mặt can thiệp ở trẻ?

Dựa vào tốc độ tăng trưởng của trẻ, theo nhiều nghiên cứu cho thấy giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất của trẻ bắt đầu từ 6-7 tuổi ở bé gái, kéo dài đến 10-11 tuổi (có kinh nguyệt) và 7-8 tuổi ở bé trai, kéo dài đến 12-13 tuổi (bể tiếng).

Đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu điều trị cho trẻ.

 

 

Những biểu hiện sớm cần lưu ý:

 

Xương hàm trên nhô ra nhiều so với xương hàm dưới.

Cắn sâu

Môi trên có thể không khép kín được.

Điều trị sớm hô và cắn sâu bằng việc ức chế sự phát triển xương hàm trên và kích thích sự phát triển xương hàm dưới trong giai đoạn răng hỗn hợp với Activator II, Twin Block đặc biệt hiệu quả.

 

Móm

Xương hàm dưới nhô ra trước nhiều hơn so với xương hàm trên.

Cắn ngược răng cửa

Hẹp hàm trên, cắn chéo răng sau.

 

Điều trị móm

Cần phát hiện càng sớm càng tốt và ngay khi phát hiện phải điều trị ngay kể cả giai đoạn răng sữa nếu trẻ hợp tác tốt. Bằng cách ức chế sự phát triển của xương hàm dưới và kích thích xương hàm trên phát triển về phía trước. Activator III kết hợp nới rộng xương hàm trên bằng ốc nới rộng hoặc sử dụng Face Mask…

 

Thói quen xấu

Tật mút môi, đẩy lưỡi, thói quen đưa hàm dưới ra trước hoặc bú tay... là những nguyên nhân khiến các sai hình trầm trọng thêm. Gây thưa kẽ, cắn hở các răng xô lệch, nghiêng ngả.

Trẻ không tự từ bỏ thói quen được vì lý do tâm lý hoặc chỉ đơn giản là trẻ thấy dễ chịu và không muốn từ bỏ. Do đó, có những khí cụ hỗ trợ để nhắc nhở trẻ dần dần bỏ thói quen xấu, những lệch lạc sẽ được điều chỉnh mà không để lại di chứng về sau.

 

Mất răng sớm

Các răng sữa mất sớm làm cho các răng vĩnh viễn dễ di gần làm mất khoảng trống cho các răng vĩnh viễn tương ứng mọc lên sau này, sẽ gây chen chúc hoặc răng mọc lệch thậm chí không mọc lên được (răng ngầm).

 

 

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

 

Giai đoạn răng hỗn hợp:

Điều trị hô: Activator II, Twin Block, Headgear…

Điều trị móm:  Mặt phẳng nghiêng, Activator III, ốc nới rộng, Face Mask…

Điều trị thói quen xấu: tấm chặn lưỡi, tấm chạn môi, Bluegrass…

Mất răng cối sữa sớm: Bộ giữ khoảng, cung lưỡi/cung khẩu cái…

 

Giai đoạn răng vĩnh viễn:

Niềng răng bằng khí cụ cố định (mắc cài, chỉnh nha bằng máng trong...)

Có thể có hoặc không có nhổ răng.

Có thể kết hợp ốc nới rộng hoặc các khí cụ đi kèm khác nhằm nới rộng, di xa hoặc giữ neo chặn (quadhelix, ốc nới rộng cố định, minivis…)

 

Chi phí, thời gian và kế hoạch theo dõi:

Tất cả các điều trị can thiệp dựa vào sự tăng trưởng chỉ kết thúc khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Do đó quá trình điều trị sẽ kéo dài từ 7-8 tuổi cho đến khi trẻ thành thục.

Cần 1-2 năm với khí cụ chức năng (thường là khí cụ tháo lắp): trẻ em 7-8 tuổi.

Sau giai đoạn này, khi đã đạt được sự cân đối về khung xương, bộ răng vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện cho đến khi thay thế hoàn toàn hết các răng sữa và đạt được khớp cắn ổn định. Tái khám mỗi 4-6 tháng để kịp thời phát hiện những bất thường về mọc răng và thay răng.

Giai đoạn 12-14 tuổi ở bé gái và 13-15 tuổi ở bé trai là giai đoạn bộ răng vĩnh viễn. Giai đoạn này trẻ không còn tăng trưởng nhiều về xương, các can thiệp ở giai đoạn này chỉ nhằm vào bộ răng. Sắp xếp các răng giảm chen chúc, thưa kẽ hoặc điều trị cắn sâu,...Có thể nhổ răng và niềng răng bằng mắc cài vào giai đoạn này. Thời gian cho một ca niềng răng trung bình từ 1,5 - 3 năm. - Duy trì khoảng 6 - 12 tháng sau khi tháo mắc cài là cần thiết để đảm bảo cho sự ổn định của cung răng, tránh sự tái phát sau này.

 

 

 

Bệnh viện An Sinh