Thận có chức năng quan trọng trong việc thải độc tố, điều chỉnh lượng nước giúp cơ thể duy trì trạng thái cân bằng nước. Bên cạnh đó, thận đóng vai trò cân bằng kiềm toan, điều hòa điện giải, tham gia vào quá trình tạo máu, điều hòa ổn định huyết áp, giúp chuyển hóa xương…
Phòng ngừa suy thận là phòng ngừa các yếu tố nguy cơ khởi phát như đái tháo đường, tăng huyết áp… Khi thận không thể hoạt động tốt như bình thường có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của một người, bao gồm:
- Những vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch, xương khớp, thần kinh…;
- Mất khả năng vị giác, suy dinh dưỡng;
- Mệt mỏi, khó ngủ, mất tập trung;
Điều trị suy thận không phải là điều dễ dàng. Lọc máu chu kỳ (chạy thận nhân tạo) hay thẩm phân phúc mạc là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Nếu lựa chọn liệu trình điều trị này, bạn sẽ phải gắn chặt với máy chạy thận để duy trì sự sống.
Mặt khác, ghép thận lại là biện pháp mang lại nhiều triển vọng hơn. Tuy vậy, thủ thuật cấy ghép nội tạng đòi hỏi rất nhiều yêu cầu trước và sau khi được thực hiện.
Những điều bạn nên làm để bảo vệ sức khỏe cho chức năng thận:
1. Kiểm soát tốt đường huyết
Theo các chuyên gia y khoa, đái tháo đường là một trong các nguyên nhân gây suy thận hàng đầu. Mức đường huyết tăng cao bất thường khiến mao mạch bị tắc nghẽn, quá trình lưu thông máu bị cản trở. Từ đó, thận không thể nhận đủ chất dinh dưỡng cũng như oxy để tiếp tục hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến suy thận.
2. Cẩn thận với chỉ số huyết áp
Ở người tăng huyết áp, bất kỳ mao mạch nào cũng có nguy cơ chịu thương tổn, bao gồm cả những mạch máu ở thận. Khi tình trạng này phát sinh, thận có thể ngưng công việc lọc thải độc tố và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Sự tích tụ độc tố và nước tiếp tục cản trở máu lưu thông, khiến huyết áp tăng lên.
Để duy trì chỉ số huyết áp ổn định trong phạm vi cho phép, bạn nên:
- Theo dõi chỉ số đo huyết áp thường xuyên;
- Uống thuốc theo đúng chỉ định kê toa của bác sĩ;
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh;
- Tránh xa thức uống có cồn như rượu, bia;
- Bỏ hoặc không hút thuốc lá.
3. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng thừa cân béo phì và nguy cơ phát triển suy thận có liên quan chặt chẽ với nhau. Mặc dù cơ chế gây suy giảm chức năng thận của tình trạng thừa cân béo phì vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Thực tế các chuyên gia y khoa đã chứng minh được rằng thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, hai nguyên nhân suy thận hàng đầu.
Vì vậy, bạn nên thường xuyên để ý đến chỉ số cân nặng của mình. Nếu bạn có xu hướng thừa cân béo phì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có liệu pháp giảm cân an toàn.
4. Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng khoa học có thể trở thành biện pháp phòng ngừa suy thận hiệu quả nếu bạn biết áp dụng hợp lý. Thay đổi thói quen ăn uống chưa bao giờ là điều dễ dàng và không thể đạt hiệu quả ngay lập tức. Cần nhiều thời gian và sự nỗ lực ở bạn. Nếu bạn làm được, bạn sẽ có cơ hội cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của bản thân.
Tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thận thường gặp. Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe thận trước những nguy cơ bị tổn thương.
Một số thực phẩm có khả năng tăng cường sức khỏe lâu dài cho tim mạch cũng như cho thận, bao gồm:
- Ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần, đặc biệt là loại cá béo giàu Omega-3;
- Tránh xa các thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường;
- Cắt giảm lượng muối tiêu thụ trong mỗi bữa ăn hàng ngay;
- Lượng rau xanh, củ quả và trái cây nên chiếm một nửa khẩu phần ăn;
5. Giảm lượng muối hấp thụ trong mỗi bữa ăn
Muối là gia vị vô cùng quen thuộc với mọi gia đình. Sự góp mặt của muối làm cho món ăn thêm đậm đà và tạo cảm thấy ngon miệng. Hấp thụ quá nhiều muối khiến nước bị tích tụ trong cơ thể, gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ phát sinh những vấn đề liên quan đến tim mạch cũng như thận. Vì vậy, phòng ngừa suy thận chính là giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
6. Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể
Toàn bộ các tế bào đều cần nước để hoạt động trơn tru, trong đó bao gồm cả tế bào thận. Nước là yếu tố thiết yếu để duy trì sự sống cho cơ thể, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động hiệu quả của thận. Nhưng có một điều nghịch lý là uống nước quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ gây tổn thương thận, thậm chí là dẫn đến suy giảm chức năng của cơ quan này.
Lượng nước cần thiết được xác định dựa trên những yếu tố như: Giới tính; Tuổi tác; mức độ hoạt động hàng ngày; Một số điều kiện đặc biệt khác như phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người trưởng thành…
7. Bỏ thuốc lá hoặc không hút thuốc lá
Mọi người thường nghe về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe tim mạch, hô hấp, gan… mà rất ít người biết rằng thận cũng có nguy cơ chịu thương tổn bởi thói quen hút thuốc lá. Nguyên nhân có thể xuất phát từ: Khả năng tương tác với thuốc điều trị tăng huyết áp; Cản trở lưu lượng máu đến thận khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn; Tác động tiêu cực của bệnh đái tháo đường là một nguyên nhân phổ biến khác gây suy giảm chức năng thận. Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng, bạn hãy bỏ hoặc không hút thuốc lá.
8. Hạn chế thức uống chứa cồn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của rượu vang đỏ đối với sức khỏe hơn bất kỳ đồ uống có cồn nào. Chỉ cần một lượng khoảng 150ml rượu vang đỏ mỗi ngày dường như nguy cơ mắc bệnh thấp hơn khoảng 32% so với người không uống. Nhưng nếu so với ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, các lợi ích trên rất nhỏ bé. Lượng calo của rượu chỉ đứng thứ hai sau chất béo và lượng calo của bia tương tự nước ngọt chứa rất nhiều đường. Nếu uống bia rượu liên tục trong thời gian ngắn rất dễ gây nên các bệnh tim mạch, yếu tố nguy cơ kéo theo tình trạng suy giảm chức năng thận.
9. Không lạm dụng thuốc không kê đơn
Lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo chỉ định kê toa của bác sĩ là tác nhân điển hình gây tổn hại cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt, uống thuốc quá nhiều sẽ tổn thương nghiêm trọng đến chức năng thận và gây ra các bệnh lý thận. Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp... Nên để bảo vệ cho sức khỏe bản thân, việc sử dụng thuốc cần phải được kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ.
10. Kiểm soát tốt stress, tránh căng thẳng
Stress, căng thẳng kéo dài là nguyên nhân phổ biến ở người bệnh tăng huyết áp. Trong khi đó, tăng huyết áp rất dễ gây tổn thương các tế bào ở thận, từ đó gây suy giảm chức năng.
Một số biện pháp phòng ngừa suy thận đơn giản bạn dễ dàng áp dụng:
- Tích cực hoạt động thể chất;
- Giảm lượng caffeine hàng ngày;
- Dành thời gian cho người thân và bạn bè;
- Tham gia các khóa tập yoga.
11. Tập thể dục thường xuyên
Chăm chỉ rèn luyện thể chất không chỉ nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn tăng cường tuần hoàn máu và các chức năng hoạt động khác. Mọi cơ quan trong cơ thể khỏe mạnh cũng sẽ tăng cường sức khỏe cho chức năng thận.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không nên tập thể dục quá sức vì điều này có thể phản tác dụng. Nếu chưa biết tập luyện thế nào cho đúng cách, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia về những bài tập phù hợp với thể trạng hiện tại.
Bệnh viện An Sinh