Kiến thức y học

20 lý do khiến glucose trong máu không ổn định (phần 1)

Cập nhật lúc: 10:43:50 SA - 25/06/2020

Bệnh tiểu đường, y khoa gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính đang gia tăng tại Việt Nam. Bệnh tiểu đường với biểu hiện glucose (đường) trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu... 

 



 

 

Bệnh tiểu đường, y khoa gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính đang gia tăng tại Việt Nam. Bệnh tiểu đường với biểu hiện glucose (đường) trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

 

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không thể chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm dung nạp hàng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây tổn thương các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

 

 

Sau đây là 20 lý do khiến glucose (đường) trong máu không ổn định:

 

 

1. Đường huyết tăng khi uống trà và cà phê

 

Cà phê là thức uống ưa thích của nhiều người. Buổi sáng uống cà phê giúp bạn tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Nhưng bạn có biết, đường huyết sẽ tăng lên sau khi bạn uống cà phê. Ngay cả khi đó chỉ là một lỳ cà phê đen không đường.

 

Nguyên nhân tăng đường huyết không phải là cà phê, mà là chất caffeine. Caffeine có trong các thức uống khác như trà đen, trà xanh... Cơ thể mỗi người phản ứng với caffeine khác nhau. Tốt nhất bạn nên theo dõi phản ứng cơ thể mình và điều chỉnh cho phù hợp.

 

 

2. Đường huyết tăng khi sử dụng thực phẩm không đường

 

Thực phẩm không chứa đường nhưng vẫn làm đường huyết tăng. Tại sao vậy? Vì trong số đó vẫn chứa một hàm lượng carbohydrate từ tinh bột. Ngoài lượng đường, bạn cần chú ý đến tổng lượng carbohydrate trên nhãn thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.

 

Các loại đường ăn kiêng như sorbitol, xylitol… vẫn cung cấp đủ năng lượng làm cơ thể tăng đường huyết.

 

 

3. Đường huyết tăng sau một bữa ăn kiểu Hoa

 

Bạn vừa dùng một đĩa bò nấu vừng hoặc gà sốt chua ngọt? Đường huyết tăng lên không chỉ do tinh bột từ chén cơm trắng mà còn bởi lượng dầu mỡ và chất béo của món ăn. Các món chứa nhiều dầu mỡ, chất béo… thậm chí còn làm đường huyết tăng lâu hơn.

 

Pizza, khoai tây chiên kiểu Pháp hoặc các thực phẩm giàu carbohydrate khác đều có thể làm tăng đường huyết, khiến đường huyết không ổn định. Bạn nên kiểm tra đường huyết sau 2 giờ khi ăn để kiểm soát chế độ ăn uống tốt hơn.

 

 

4. Đường huyết tăng khi bị cảm nặng

 

Đường huyết tăng khi cơ thể chống chọi với bệnh tật. Bạn nên uống nhiều nước hoặc các loại nước ép trái cây giữ cơ thể bạn không bị mất nước. Nếu bị tiêu chảy hoặc nôn ói kéo dài từ 2 tiếng hoặc 2 ngày trở nên mà không khỏi, bạn nên gặp bác sĩ để được khám và tư vấn sức khỏe.

 

Một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống nghẹt mũi có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Nếu bạn đang điều trị bệnh tiểu đường (y khoa gọi là đái tháo đường), bạn nên trao đổi với bác sĩ để dùng thuốc theo đúng chỉ định và kiểm tra đường máu thường xuyên.

 

 

5. Đường huyết không ổn định do căng thẳng

 

Bạn có đang cảm thấy quá áp lực với công việc? Đừng coi thường nhé!

 

Khi căng thẳng (stress), cơ thể sẽ sản sinh ra các chất làm đường huyết tăng lên. Tình trạng này cũng thường gặp ở người bị đái tháo đường típ 2 hơn. Hãy học cách thư giãn, hít thở sâu và tích cực luyện tập thể thao để giải phóng những năng lượng tiêu cực.

 

 

6. Đường huyết tăng do các loại bánh mì

 

Không phải tất cả các loại bánh mì đều làm tăng đường huyết. Chẳng hạn như bánh mì trắng chứa lượng carbohydrate nhiều hơn bánh mì lúa mạch hoặc ngũ cốc. Để đảm bảo lượng đường không quá cao, bạn nên kiểm tra lượng carbohydrate của từng loại trước khi chọn dùng.

 

 

7. Đường huyết tăng do các loại nước uống thể thao

 

Nước uống dùng trong thể thao không chỉ cung cấp đủ nước mà còn giúp tăng lực cho cơ thể. Chính vì vậy, một vài trong số đó có chứa một lượng đường nhất định. Thực ra, nước lọc (nước tinh khiết) cũng đủ để bạn duy trì với cường độ tập luyện trung bình trong khoảng 1 tiếng. Nước uống thể thao sẽ phù hợp hơn khi tập luyện trong thời gian dài với cường độ nặng hơn.

 

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại nước uống, vì mỗi loại có mức năng lượng, lượng đường và nồng độ chất khoáng khác nhau.

 

 

8. Đường huyết tăng bởi trái cây sấy khô

 

Trái cây là một loại thức ăn lành mạnh nhưng trái cây sấy khô thì ngược lại. Một phần trái cây sấy khô, dù rất nhỏ, cũng chứa một lượng lớn đường. Ví dụ 3 quả chà là đã cung cấp đến 15 gram đường. 

 

 

9. Đường huyết tăng do thuốc lợi tiểu hoặc steroids

 

Một số loại corticoid như prednisone điều trị nổi ban, viêm khớp, hen suyễn và nhiều bệnh lý khác có thể làm tăng đường trong máu. Thậm chí, bệnh tiểu đường còn xuất hiện ở một số người không bị tiểu đường trước đó.

 

Thuốc lợi tiểu và thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm tăng đường huyết. Quan trọng là bạn không nên tự ý dùng thuốc mà phải có chỉ định của bác sĩ. Khi đi khám sức khỏe, bạn cần cho bác sĩ biết về tình trạng đái tháo đường của bạn.

 

 

10. Đường huyết tăng do thuốc điều trị cảm cúm

 

Thuốc điều trị nghẹt mũi có thể có một số chất dễ làm tăng đường huyết bởi bên trong thành phần có chứ một lượng đường. Trong quá trình điều trị cảm cúm, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp và thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu.

 

 

Đường có thực sự là "kẻ thù số 1" với người bệnh đái tháo đường?

 

Nếu bạn ưu thích các món ngọt mà lại mắc bệnh đái tháo đường? Điều đáng mừng là bạn sẽ không phải kiêng đường tuyệt đối. Hiện nay, các chuyên gia đái tháo đường cho rằng tổng lượng carbohydrate mới là quan trọng nhất.

 

Điều chỉnh một chút trong thói quen ăn uống, chẳng hạn như chia 3 bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến tổng lượng carbohydrate và calo, đặc biệt nhất vẫn là khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường huyết thường xuyên, tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. 

 

 

 

 20 lý do khiến glucose (đường) trong máu không ổn định (phần 2)

 

Bệnh viện An Sinh