Kiến thức y học

Ung thư vòm mũi họng

Cập nhật lúc: 4:10:04 CH - 24/06/2020

Ung thư vòm mũi họng là loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam và đứng hàng đầu trong các bệnh lý u ác tính vùng đầu cổ. Theo thống kê của bệnh viện Ung thư Hà Nội, ung thư vòm mũi họng đứng hàng thứ 5 trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam...

 

 



 

 

Ung thư vòm mũi họng là loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam và đứng hàng đầu trong các bệnh lý u ác tính vùng đầu cổ. Theo thống kê của bệnh viện Ung thư Hà Nội, ung thư vòm mũi họng đứng hàng thứ 5 trong 10 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu từ 20 tuổi trở lên, thường gặp trong khoảng 40 - 59 tuổi.

 

Bệnh có đặc điểm phân bố theo địa lý và dân tộc. Hiện nay trên thế giới, khu vực có tỷ lệ mắc cao nhất là miền nam Trung Quốc và các nước Đông Nam châu Á.

 

Gần đây người ta phát hiện ra nhân DNA của Esptein-Barr virus trong tế bào ung thư, điều này cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa ung thư và virus. Sự phát hiện thú vị này rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán sớm trong cộng đồng, đồng thời theo dõi và tiên lượng bệnh chính xác hơn.

 

 

Triệu chứng

 

Vòm mũi họng có vị trí khá kín đáo nên các biểu hiện ung thư thường xuất hiện muộn và đa dạng, dễ gây nhằm lẫn với các bệnh lý khác. Các dấu hiệu thường gặp là:

  • Khối hạch cổ vùng góc hàm
  • Đau đầu
  • Chảy máu mũi
  • Nghẹt mũi
  • Ù tai
  • Nghe kém

 

 

Tại sao cần phải tầm soát ung thư vòm mũi họng sớm?

 

Trên thực tế bệnh nhân thường được phát hiện trễ dẫn đến bệnh đã trầm trọng nên việc điều trị dễ tái phát và di căn khá cao. Các nghiên cứu của bác sĩ trên thế giới cho thấy khoảng 60% bệnh nhân đến khám và phát hiện ung thư ở giai đoạn 4, tức là giai đoạn muộn khi khối u đã xâm lấn rộng ra cơ quan lân cận ngoài vòm mũi họng. Ở giai đoạn này, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn 1 và điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống sau 5 năm hơn 90%.

 

 

Phát hiện ung thư sớm vòm mũi họng bằng cách nào?

 

Hiện nay việc phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng đã không còn khó khăn nữa, chúng ta có thể tiến hành tầm soát cho tất cả mọi người một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng với các kỹ thuật:

  • Nội soi vòm mũi họng
  • Sinh thiết giải phẫu bệnh
  • Xét nghiệm huyết thanh Epstein-Barr virus (EBV)

 

 

Ưu điểm của các phương pháp tầm soát ung thư vòm mũi họng

 

Nội soi: là sử dụng nguồn ánh sáng soi rõ, ghi lại và phóng to hình ảnh vòm của chúng ta lên màn hình. Đây là phương pháp không xâm lấn nên sẽ không gây đau hay khó chịu cho bệnh nhân. Phát hiện các khối u bất thường dù rất nhỏ với chi phí thấp, rất tiện lợi và phù hợp với việc tầm soát ung thư cho tất cả mọi người.

 

Sinh thiết giải phẫu bệnh: là lấy 1 mẫu nhỏ của vòm đem quan sát dưới kính hiển vi tìm tế bào ung thư. Đây là phương pháp chính xác nhưng tốn thời gian chờ đợi.

 

Xét nghiệm huyết thanh Epstein-Barr virus (EBV): do có sự hiện diện của virus này trong tế bào ung thư,  vì vậy những năm gần người ta bắt đầu xét nghiệm huyết thanh máu để tầm soát ung thư vòm hoặc để đánh giá kỹ hơn những bất thường mà kết quả nội soi và sinh thiết không rõ ràng. Thông qua lượng giá kháng thể sẽ giúp chúng ta phát hiện được ung thư. Phương pháp này cho kết quả nhanh chóng với độ nhạy cảm và đặc hiệu cao.

 

 

Hiện nay, với lợi ích trong việc phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng, mọi người nên thực hiện nội soi vòm mũi họng và thử huyết thanh máu trong các đợt khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, uống rượu…

 

Tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện An Sinh được đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện đại và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay. Chúng tôi thực hiện được tất cả các phương pháp trên và sẵn sàng phục vụ cho mọi bệnh nhân.

 

 

Thạc sĩ Bác sĩ Trần Duy Phong

Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện An Sinh