Do đó, với những bằng chứng rõ ràng hiện nay, phụ nữ sau khi chuyển phôi nên đứng dậy và đi lại bình thường sớm. Cả hai bài báo khoa học công bố gần đây trên hai tạp chí nổi tiếng của Mỹ và Châu Âu đều đưa ra quan điểm tương tự về vấn đề này.
Chuyển phôi là động tác hút phôi vào một ống nhựa nhỏ (catheter), sau đó đưa ống nhựa này vào trong lòng tử cung và đặt phôi vào giữa lòng tử cung. Phôi sẽ nằm trong lòng tử cung khoảng 3-4 ngày, sau đó sẽ bám dính vào nội mạc tử cung để làm tổ. Sự làm tổ của phôi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng phôi và nội mạc tử cung tại điểm tiếp xúc với phôi, ít phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài tử cung.
Bản thân phôi có kích thước rất nhỏ (tương đương một hạt bụi) nên gần như không bị tác động của trọng lực sau khi đã đặt vào bên trong buồng tử cung ẩm ướt và có nhiều nếp gấp của nội mạc tử cung. Hơn nữa, đa số phụ nữ có tử cung ngã gập trước. Do đó khi đứng dậy, thân tử cung có tư thế nằm ngang, nhưng khi nằm thì tử cung lại có tư thế đứng nhiều hơn.
Như vậy, nếu thật sự có tác động của trong lực, khi phụ nữ ở tư thế đứng, vị trí của tử cung có tác động giữ phôi tốt hơn tư thế nằm.
Bình thường ở những người có thai tự nhiên, phôi vẫn đến tử cung vài ngày trước khi làm tổ, khi đó, người phụ nữ không thể biết là đã có phôi trong tử cung nên vẫn đi lại, sinh hoạt, vận động bình thường, thậm chí có thể tập thể dục hay vận động mạnh, nhưng phôi vẫn làm tổ và có thai bình thường.
Nằm bất động tại chỗ sau chuyển phôi có thể có hại nhiều hơn là có lợi. Nằm bất động nói chung là một tư thế không tự nhiên của một cơ thể hoạt động nên có thể ảnh hưởng bất lợi. Phụ nữ trong chu kỳ điều trị để chuyển phôi (kích thích buồng trứng hay dùng thuốc nội tiết để chuyển phôi trữ lạnh), hàm lượng nội tiết trong cơ thể thường cao, việc nằm bất động có thể làm tăng nguyên cơ tạo huyết khối và huyết tắc, dẫn đến các biến chứng khác.
Các khảo sát cho thấy, về tâm lý, khi nằm bất động bệnh nhân thường không làm gì mà chỉ tập trung suy nghĩ về kết quả sắp tới và có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực về kết quả. Do đó, việc nằm bất động tại chỗ có thể tạo một stress về tâm lý rất lớn cho phụ nữ. Một số phụ nữ nằm bất động vì động cơ tâm lý, sợ rằng khi thất bại thì người thân hay bác sĩ sẽ cho rằng thất bại là tại bản thân mình không chịu nằm nghỉ. Như vậy, người phụ nữ sẽ bị một ức chế tâm lý kép nếu bị thất bại sau chuyển phôi: (1) do bị thất bại chu kỳ điều trị tốn kém và (2) sự than phiền, chỉ trích của người thân vì không nằm nghỉ. Trong khi đó, bản thân việc nằm nghỉ không giúp ích gì cho việc có thai. Do đó, không nên nằm bất động sau chuyển phôi để tránh các áp lực tâm lý không đáng có lên phụ nữ sau khi làm TTTON.
Do đó, với các bằng chứng về khả năng giảm tỉ lệ có thai khi nằm bất động và các yếu tố bất lợi khác về tâm lý, bác sĩ nên khuyên phụ nữ đứng dậy và đi lại sớm sau chuyển phôi. Người thân nên ủng hộ bệnh nhân đi lại sớm sau chuyển phôi. Bản thân phụ nữ sau chuyển phôi nên thay đổi suy nghĩ và tự tin đứng dậy đi lại sớm, có thể ngay sau khi chuyển phôi. Việc đứng dậy đi lại sớm sau chuyển phôi có thể giúp cải thiện tỉ lệ có thai và giảm bớt những yếu tố bất lợi khác khi làm TTTON.
ThS BS Hồ Mạnh Tường
Tài liệu tham khảo
Gaikwad S, Garrido N, Cobo A, Pellicer A, Remohi J (2013) Bed rest after embryo transfer negatively affects in vitro fertilization: a randomized controlled clinical trial. Fertil Steril. 100(3):729-35.
Küçük M (2013) Bed rest after embryo transfer: Is it harmful? Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol. 167(2):123-6.