Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)
Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là từ để chỉ kỹ thuật điều trị hiếm muộn, trong đó trứng của người vợ sẽ được lấy ra ngoài và kết hợp với tinh trùng của người chồng bên ngoài cơ thể (trong ống nghiệm) để tạo thành phôi.
Sau một thời gian nuôi cấy thành phôi (thường từ 2 - 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người phụ nữ.
Em bé sinh ra từ phương pháp TTTON đầu tiên trên thế giới năm 1978, tại Việt Nam là năm 1998. Từ đó đến nay đã có khoảng hơn 10.000 trẻ tại Việt nam ra đời từ phương pháp này.
Vợ chồng bạn được chỉ định TTTON
TTTON là phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản giúp những cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai. Những người thuộc một trong các nhóm nguyên nhân hiếm muộn dưới đây sẽ được chỉ định thực hiện TTTON:
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ như: tổn thương, tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn sau khi thất bại bơm tinh trùng nhiều lần, lớn tuổi
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng như tinh trùng ít, yếu và dị dạng hoặc không có tinh trùng
- Hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân và đã bơm tinh trùng nhiều lần thất bại
Quy trình thực hiện điều trị TTTON
Sau khi đã được các bác sĩ khám, xét nghiệm và có chỉ định thực hiện TTTON, vợ chồng bạn sẽ được:
- Hướng dẫn bổ sung một số xét nghiệm phục vụ cho việc điều trị TTTON
- Khám tổng quát sức khỏe của chị để đánh giá xem có khả năng làm TTTON và mang thai hay không
Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) sẽ tiến hành thực hiện nếu các kết quả của vợ chồng bạn đều tốt
1. Kích thích buồng trứng (KTBT)
Thông thường trong chu kỳ tự nhiên, chỉ có một nang noãn phát triển trong mỗi tháng. Trong TTTON, Bác sĩ sẽ cho chị dùng thuốc KTBT để tăng số lượng nang noãn phát triển nhằm tạo được nhiều phôi để tăng cơ hội mang thai cho mỗi chu kỳ điều trị.
Ngày bắt đầu điều trị thường là ngày có kinh thứ 2 hay thứ 3 của chu kỳ (phác đồ ngắn). Một số trường hợp đặc biệt có thể tiêm thuốc chuẩn bị vào ngày thứ 21 của vòng kinh trong 2 tuần và sẽ tiêm thuốc kích trứng ngay sau đó (phác đồ dài).
Tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày, thời gian tiêm thuốc phụ thuộc phác đồ và đáp ứng của chị, thường trong khoảng 10 - 12 ngày (phác đồ ngắn), 10 - 14 ngày (phác đồ dài).
Trong thời gian tiêm thuốc, chị sẽ được hẹn đến Đơn vị Hỗ trợ sinh sản (IVFAS) để siêu âm và xét nghiệm máu, nhằm theo dõi sự phát triển nang noãn, số lần tái khám trong một chu kỳ điều trị khoảng 3 - 5 lần.
Khi nang noãn đạt kích thước theo yêu cầu, chị sẽ được hướng dẫn tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành (kích thích rụng trứng). Mũi thuốc này cần tiêm đúng giờ chỉ định, thường tiêm buổi tối.
2. Chọc hút trứng và lấy tinh trùng
Bác sĩ sẽ chọc hút trứng qua đường âm đạo, dưới hướng dẫn siêu âm (kim sẽ được gắn vào đầu dò siêu âm đường âm đạo), vào khoảng 36 giờ sau mũi thuốc tiêm cuối cùng. Chị sẽ được gây mê để không có cảm giác đau lúc lấy trứng, vì vậy chị cần nhịn ăn uống vào buổi sáng hôm đó.
Vào buổi sáng chị được chọc hút trứng, anh sẽ được hướng dẫn lấy tinh trùng hoặc làm thủ tục rã mẫu tinh trùng đông lạnh trước đó. Anh nên kiêng xuất tinh trong khoảng thời gian 2 - 5 ngày để có kết quả tinh trùng tốt nhất cho điều trị.
3. Thụ tinh và tạo phôi
Trứng và tinh trùng sau khi lấy ra, sẽ được chuyển vào phòng labo để tiến hành cấy để tạo phôi.
Trứng sẽ được xử lý kết hợp với tinh trùng bằng cách tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng (ICSI) hoặc có thể bỏ vào môi trường nuôi cấy có mật độ tinh trùng vừa đủ (IVF). Sau 16 - 18 giờ sẽ kiểm tra hiện tượng thụ tinh. Những trứng thụ tinh sẽ được nuôi cấy tiếp để phát triển thành phôi. Thông thường thời gian nuôi cấy phôi bên ngoài cơ thể từ 2 - 5 ngày. Chất lượng phôi được xếp loại dựa vào những đặc điểm sau: số lượng phôi bào, sự đồng đều giữa các phôi bào và những mảnh vở bao quanh các phôi bào.
4. Chuyển phôi
Trong thời gian nuôi cấy phôi, chị sẽ được sử dụng thuốc nội tiết (thường là progesterone) để chuẩn bị nội mạc tốt cho phôi làm tổ. Nếu nội mạc quá mỏng không thuận lợi cho việc làm tổ của phôi, việc chuyển phôi sẽ bị hủy và các phôi sẽ được trữ lạnh.
Vào ngày chuyển phôi, anh chị sẽ được thông báo số phôi (số phôi chuyển vào buồng tử cung, cũng như số phôi dư có thể trữ lạnh), và chất lượng phôi của mình. Nếu phôi ngày 5, thường chuyển 1 - 2 phôi vào buồng tử cung của người phụ nữ.
Để giảm nguy cơ đa thai, không nên chuyển nhiều hơn 3 phôi. Số phôi chuyển phụ thuộc vào tuổi của người phụ nữ, chất lượng của phôi, phôi ngày mấy, tiên lượng có thai của anh chị và tình huống cụ thể của anh chị.
Phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung bằng một catheter nhỏ đi qua ống cổ tử cung. Chuyển phôi sẽ được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm đường bụng.
Sau chuyển phôi, chị sẽ nằm nghỉ tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản An Sinh (IVFAS) khoảng 1 -2 giờ.
Chị sẽ tiếp tục sử dụng thuốc nội tiết theo hướng dẫn của bác sĩ cho đến ngày thử thai. Trong giai đoạn chờ thử thai, chị nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, uống đủ nước và tránh nằm bất động.
Khi đến hẹn thử thai (thường khoảng 2 tuần), chị sẽ đến Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS) để thử máu. Nếu kết quả có thai, chị sẽ được cho thuốc nội tiết dưỡng thai trong khoảng 3 tuần.
Với thai sau điều trị TTTON, chị nên siêu âm lúc thai khoảng 6 tuần (2 tuần sau thử thai) để xác định thai làm tổ đúng vị trí hay không.
5. Điều trị lặp lại
Nếu còn phôi dư để trữ lạnh, anh chị sẽ sử dụng những phôi này trong thời gian tới.
Trường hợp chuyển phôi chu kỳ này chưa thành công, chị có thể tiếp tục chuyển phôi trữ lạnh vào chu kỳ tiếp theo hoặc bất cứ tháng nào chị muốn điều trị trở lại.
Trường hợp chuyển phôi thành công, những phôi trữ lạnh sẽ được sử dụng khi nào chị muốn sinh thêm con. Thông thường sau 1 năm có thể chuyển phôi trữ được cho dù cách sinh đợt này là sinh thường hay sinh mổ.
Tỷ lệ thành công
Tỷ lệ thành công của TTTON phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố nguyên nhân và tuổi người phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất. Tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS), tỷ lệ thành công của TTTON trong năm 2015 theo nhóm tuổi như sau:
Để tăng cơ hội có thai của mình chị cần:
- Duy trì tình trạng sức khỏe tốt, nếu bạn thừa cân hay béo phì cần có chế độ sinh hoạt, tập luyện giảm cân trước khi tiến hành điều trị
- Không sử dụng rượu bia, nếu có thì không nên sử dụng nhiều hơn 1 đơn vị / một ngày. Khi sử dụng nhiều bia rượu sẽ làm giảm cơ hội thành công của mình
- Ngừng hút thuốc, hoặc tránh xa những người hút thuốc, vì hút thuốc thụ động tác hại cũng như mình hút thuốc vậy
- Giảm uống cà phê, nếu ngưng uống sẽ có lợi cho kết quả điều trị của bạn. Với mức tiêu thụ từ 2 - 50mg cũng làm giảm tỷ lệ thành công của điều trị
Nguy cơ có thể xảy ra
Nhìn chung, TTTON là một kỹ thuật điều trị an toàn và hiệu quả. Một số rủi ro có thể gặp trong điều trị TTTON gồm:
Quá kích buồng trứng (QKBT): thường xuất hiện với tỷ lệ khoảng 1,3 %, phần lớn ở mức độ nhẹ với triệu chứng: buồn nôn, chướng bụng hay căng tức bụng nhẹ. Một ít ở mức độ trung bình hoặc nặng cần nhập viện theo dõi và điều trị với những biểu hiện như đau, chướng bụng nhiều, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi gây khó thở, tiểu ít. Trước đây, đã có một số báo cáo trên thế giới về khả năng tử vong.
Xuất huyết nội (buồng trứng không tự cầm máu sau lấy trứng), cần nhập viện theo dõi và có thể phẫu thuật nội soi để cầm máu. Tỷ lệ xuất hiện rất thấp 0,01%.
Đa thai (có từ 2 thai sống trở lên trong tử cung) có thể xuất hiện với tỷ lệ 25%. Trong đó những trường hợp từ 3 thai trở lên nên được thực hiện giảm thai (hút bớt thai ra ngoài), để giảm nguy cơ cho mẹ và thai nhi chỉ để trong tử cung từ 1 - 2 thai phát triển.
Một số rủi ro khác có thể gặp khác như:
- Dị ứng, sốc phản vệ trong quá trình tiêm thuốc kích thích buồng trứng, gây mê
- Buồng trứng đáp ứng kém, dẫn đến ít phôi ảnh hưởng cơ hội thành công, một số ít trường hợp có thể không có trứng
- Rụng trứng sớm trước khi chọc hút, có thể không còn trứng hay giảm số trứng chọc hút được
- Không thụ tinh, không có phôi
Sức khỏe của trẻ sinh ra từ TTTON
Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học để kết luận TTTON làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính, cũng như sự phát triển tâm thần, vận động của các trẻ TTTON so với các trẻ được sinh ra từ có thai tự nhiên.
Đối với nguy cơ mắc bệnh về bất thường bộ nhiễm sắc thể như Down, Trisomy 13, Trisomy 18 của trẻ TTTON, người ta nhận thấy nguy cơ này cao hơn dân số bình thường, do những trường hợp TTTON thường người vợ lớn tuổi. Do đó, khả năng bất thường ở trẻ TTTON có thể tăng hơn bình thường, tuy nhiên sự khác biệt không lớn.
Chi phí cho một chu kỳ điều trị TTTON
Chi phí cho một chu kỳ điều trị TTTON thường gồm 2 khoản chính là chi phí thuốc để kích thích buồng trứng và chi phí bệnh viện. Hiện nay, tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS) chi phí thủ thuật TTTON là 28,5 triệu đồng (có thể thay đổi theo biểu giá bệnh viện bao gồm thủ thuật chọc hút trứng, nuôi cấy phôi, hỗ trợ phôi thoát màng, chuyển phôi).
Ngoài ra, còn có các chi phí khác như tư vấn, siêu âm, xét nghiệm máu theo dõi sự đáp ứng của nang trứng. Trong trường hợp có phôi thừa đủ điều kiện lưu trữ lạnh sẽ phát sinh chi phí lưu trữ. Chi phí điều trị sẽ được thông báo khi anh chị đến thăm khám và có phương án điều trị cụ thể.
Các chi phí liên quan đến việc xử trí hoặc điều trị các rủi ro nói trên nếu có, anh chị sẽ chi trả theo viện phí thực tế.
TTTON là một kỹ thuật y học tuyệt vời. Kỹ thuật này đã giúp đỡ cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn có được niềm hạnh phúc được có đứa con của riêng mình. Tuy vẫn có những hạn chế nhất định, nhưng niềm vui được ôm trong tay đứa con do chính mình sinh ra là niềm động viên lớn nhất cho các cặp vợ chồng quyết định tìm đến Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS).
ThS. BS. Vương Đình Hoàng Dũng
Phó Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh