Kiến thức y học

Bệnh Glaucoma là gì?

Cập nhật lúc: 3:20:23 CH - 01/06/2019

Glaucoma là một bệnh phức tạp, trong đó tổn hại thần kinh thị giác dẫn đến mất thị lực tiến triển, không phục hồi. Bệnh Glaucoma là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý nhãn khoa. Khi bị Glaucoma, áp lực của dịch nội nhãn tăng cao.



 

Tìm hiểu thêm về cận thiđau mắt đỏ,  phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể, phương pháp mổ mắt cận thị.

 

Căn bệnh này thường ảnh hưởng lên cả hai mắt, mặc dù một bên có thể biểu hiện các triệu chứng nặng hơn.

 

Tiền phòng là một khoang nhỏ ở phần trước của mắt. Thủy dịch, một chất lỏng trong suốt lưu thông liên tục qua tiền phòng nhằm mang các dưỡng chất đến nuôi dưỡng cho các mô lân cận. Thủy dịch chảy vào góc tiền phòng, vùng giữa mống mắt và giác mạc, từ đó thoát ra ngoài qua vùng lưới bè, là tổ chức mô xốp được tạo thành từ các tế bào bè. Tiếp theo thủy dịch chảy vào hệ thống ống dẫn, gọi là kênh Schlemm, cuối cùng đổ vào hệ thống mạch máu chung.

 

Nếu bệnh nhân bị Glaucoma, thủy dịch lưu thông không đúng cách – thoát ra khỏi mắt quá chậm. Điều này dẫn đến ứ dịch và làm áp suất bên trong mắt tăng lên. Nếu áp lực này không được kiểm soát và hạ xuống, thần kinh thị giác và các bộ phận khác của mắt có thể bị hư hại, dẫn đến mất thị lực.

 

Bệnh Glaucoma có hai hình thái chính, Glaucoma góc mở và góc đóng. Bệnh Glaucoma góc đóng (Glaucoma cấp) có thể xảy ra đột ngột,khiến bệnh nhân bị đau nhức và giảm thị lực nhanh chóng. Rất may, những triệu chứng đau và khó chịu làm cho người bệnh đi khám sớm, nhờ vậy có thể điều trị kịp thời và ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn xảy ra.

 

Bệnh Glaucoma góc mở (Glaucoma mãn) - tiến triển rất chậm. Bệnh nhân có thể không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào, thị lực giảm từ từ nên thường bị bỏ qua, không được chú ý. Chính vì vậy, nhiều người chỉ đi khám và điều trị khi đã xảy ra một số tổn thương vĩnh viễn.

 

Bệnh Glaucoma nhãn áp thấp - đây là một hình thái mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết. Mặc dù áp lực trong mắt bình thường, tổn thương thần kinh thị giác vẫn xảy ra. Có thể do thần kinh thị giác quá nhạy cảm với áp lực nội nhãn hoặc do các mạch máu nuôi dưỡng thần kinh thị giác bị xơ vữa.

 

Bệnh Glaucoma sắc tố - hình thái này thường khởi phát ở tuổi thanh niên hoặc trung niên. Những hạt sắc tố, phát sinh từ phía sau của mống mắt, phân tán bên trong mắt. Nếu sắc tố tích tụ ở vùng bè có thể làm nghẽn dòng chảy của thủy dịch trong mắt, dẫn đến tăng áp lực mắt. Chạy và một số môn thể thao khác có thể làm xáo trộn các hạt sắc tố và gây tụ tập tại ở vùng bè.

 

  • Bệnh Glaucoma còn có thể phân thành tiên phát hoặc thứ phát
  • Bệnh Glaucoma tiên phát thường không rõ nguyên nhân gây bệnh
  • Bệnh Glaucoma thứ phát xảy ra như là hậu quả của một bệnh khác, chẳng hạn như khối u, bệnh tiểu đường, đục thủy tinh thể giai đoạn muộn, hoặc tình trạng viêm

 

 

Khoa Mắt Bệnh viện An Sinh

Tầng trệt nhà A, 10 Trần Huy Liệu, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3845 7777 - số máy lẻ: 104