Kiến thức y học

Tăng huyết áp

Cập nhật lúc: 10:32:08 SA - 22/05/2019

Tăng huyết áp là một bệnh thuờng gặp nhất và tăng theo tuổi. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh mạch vành, bệnh tai biến mạch máu não, bệnh suy tim, suy thận giai đoạn cuối. Do đó điều trị tăng huyết áp là vấn đề cần lưu ý trong cộng đồng.

 

 



 

 

Tăng huyết áp được mệnh danh “Tên giết người thầm lặng” vì bản chất tự nhiên của bệnh, vì bệnh không có triệu chứng. Do đó tốt nhất là thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ đối với những người chưa cao huyết áp. Khi nghi ngờ cao huyết áp nên đo huyết áp nhiều lần và khi bệnh cao huyết áp cần điều trị ngay.

 

 

Phân loại tăng huyết áp

  • Bình thường huyết áp (HA < 120/80 mmHg)
  • Tiền tăng huyết áp (HA 120/80 – 139/89 mmHg)
  • Tăng huyết áp giai đọan 1 (HA 140/90 – 159/99 mmHg)
  • Tăng huyếp áp giai đọan 2 (HA 160/100 hoặc cao hơn)

Mức độ nặng của bệnh tăng huyết áp còn tùy thuộc người bệnh có yếu tố nguy cơ như: bệnh tim mạch, béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường, tăng cholesterol máu, hay có yếu tố gia đình.

 

 

Tăng huyết áp có triệu chứng gì?

  • Tăng huyết thường không có triệu chứng
  • Đôi khi một số người có các triệu chứng sau: nhức đầu, nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói...

 

 

Khi nào bạn đến trung tâm chăm sóc sức khỏe?

  • Khi huyết áp của bạn ≥140/90 mmHg
  • Đau đầu không lý giải được
  • Đột ngột nhìn mờ
  • Cảm thấy hoa mắt, chóng mặt
  • Đau ngực hoặc cảm giác khó thở

 

 

Tại sao phải điều trị tăng huyếp áp?

 

Tăng huyết áp thường gây nhiều biến chứng nghiêm trọng dẫn đến tử vong và giảm chất lượng cuộc sống như tai biến mạch máu não gây liệt nửa người, suy tim, suy thận giai đọan cuối… Mục đích điều trị tăng huyết áp là phòng ngừa các biến chứng này.

 

Tăng huyết áp cần điều trị suốt đời. Vì vậy khi huyết áp trở về bình thường cũng không nên ngưng thuốc vì huyết áp sẽ tăng trở lại. Trong quá trình điều trị nếu huyết áp cao quá hay thấp quá bạn cần đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn

 

Trong quá kiểm tra sức khỏe, dựa vào trị số huyết áp, chúng ta sẽ biết huyết áp có kiểm sóat tốt không, tốt nhất nên đưa huyết áp <140/80 mmHg.

 

 

Điều trị tăng huyết áp

  • Điều trị và kiểm soát cao huyết áp liên quan đến hai yếu tố chính: thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc
  • Thay đổi lối sống bao gồm thay đổi chế độ ăn và họat động thể lực
  • Ngưng hút thuốc lá hoặc bỏ hẳn hút thuốc lá
  • Giảm uống bia, rượu sẽ giúp giữ huyết áp của bạn ở mức tốt (không quá 15 ml rượu ethanol và 360 ml bia mỗi ngày)
  • Giảm ăn mặn (< 6g muối / ngày)
  • Đời sống tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi giải trí hợp lý
  • Uống thuốc hạ áp
  • Duy trì cân nặng lý tưởng

 

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì hãy giảm cân nặng, thậm chí giảm một ít cân nặng có thể có sự khác biệt lớn trong việc giảm huyết áp và phòng ngừa cao huyết áp. Để giảm cân nặng bạn phải đốt cháy năng lương nhiều hơn là hấp thu vào và không nên giảm cân quá nhanh, nó không giúp ích mà còn có thể gây nguy hiểm cho bạn.

 

Một vài lọai thuốc giảm cân cũng có nguy cơ lớn, thậm chí làm tăng huyết áp, hãy cẩn thận khi sử dụng thuốc này. 

 

Chọn thức ăn năng lượng thấp và ít chất béo, chất béo có năng lương cao, bạn nên giảm ăn bơ, chất béo, thịt đỏ, sữa tòan phần, bánh… thay vào đó bạn nên ăn những thức ăn nướng, luộc, kho bỏ da, sữa tách bơ, ăn trái cây rau quả, thức ăn có nhiều chất xơ.

 

Luyện tập thể dục đốt cháy năng lượng giúp bạn giảm cân nặng và giảm stress. Luyện tập thể dục làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol xấu (LDL) và làm tăng cholesterol tốt (HDL). Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, bạn có thể đi bộ, lau nhà, làm vườn, bơi lội…

 

 

BS. CKI. Nguyễn Thị Loan

Khoa Cấp cứu Bệnh viện An Sinh

Tầng trệt nhà C, 10 Trần Huy Liệu Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3845 7777 - số máy lẻ 310, 390