Kiến thức y học

Tầm soát ung thư vú

Cập nhật lúc: 10:29:49 SA - 01/04/2019

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư vú có tỉ lệ mắc bệnh đứng hàng thứ 4 và chiếm 8.9% tất cả các loại ung thư, chỉ xếp sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày.[3]



 

Tính riêng ở nữ giới ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, nếu tính riêng cho phụ nữ thì ung thư vú là loại ung thư hàng đầu, chiếm 20% tất cả các loại ung thư. Và là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ 3, chiếm 13% nguyên nhân tử vong của tất cả các loại ung thư, chỉ xếp sau ung thư phổi và ung thư gan.[3]

 

 

Nguy cơ ung thư vú và tuổi là 2 yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của tầm soát

 

Trên dân số có nguy cơ ung thư vú càng cao thì tầm soát sẽ càng có giá trị giúp phát hiện sớm ung thư, qua đó giảm gánh nặng điều trị, tăng khả năng chữa khỏi ung thư và giảm gánh nặng bệnh tật. Xác định đúng các nguy cơ ung thư vú sẽ giúp phân nhóm nguy cơ chính xác, qua đó xác định phương thức và thời gian biểu tối ưu cho tầm soát. Mặc dù không có tiêu chuẩn hay đồng thuận về con số phần trăm chính xác về nguy cơ ung thư vú trọn đời cho từng nhóm nguy cơ, tuy nhiên có thể ước lượng chung như sau: nguy cơ bình thường (<15% nguy cơ ung thư trọn đời), nguy cơ vừa (15 – 20%), nguy cơ cao (>20%).

 

Một người phụ nữ không có các yếu tố nguy cơ như tiền căn gia đình bị ung thư vú, đột biến gene hay tiếp xúc với bức xạ i-on hóa... sẽ thuộc nhóm dân số có nguy cơ bình thường đối với ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú trọn đời ước tính trên dân số bình thường khoảng 12,4%. Ngược lại nguy cơ ung thư vú tích lũy đến năm 70 tuổi nếu người phụ nữ mang đột biến BRCA1 là 57%, nếu mang đột biến BRCA2 là 49%.[2],[7],[11],[14]

 

Tuổi là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới lợi ích của tầm soát ung thư vú đối với dân số bình thường (nguy cơ ung thư vú ước tính < 15%).  Tỷ lệ mắc ung thư vú gia tăng theo tuổi. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ dưới 40 tuổi là khá thấp. Ngoài ra nguy cơ ung thư vú ước tính cho 10 năm tiếp theo cũng khá thấp ở phụ nữ trẻ. Nhũ ảnh là phương tiện tầm soát ung thư vú chính hiện nay. Tuy nhiên độ nhạy và độ đặc hiệu của nhũ ảnh thay đổi theo tuổi và khả năng chẩn đoán có độ chính xác thấp hơn ở phụ nữ trẻ so với phụ nữ lớn tuổi. Tầm soát quá mức ở phụ nữ trẻ có thể không mang lại hiệu quả, trong khi gây ra lãng phí tiền và thời gian, tạo ra căng thẳng không cần thiết, thậm chí dẫn đến chẩn đoán và điều trị quá mức cần thiết.

 

 

Khuyến cáo của Hội Ung thư Hoa Kỳ

 

Khuyến cáo về tầm soát ung thư vú năm 2015 của Hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) đối với dân số có nguy cơ bình thường:[10]

  • Phụ nữ cần được tạo cơ hội để bắt đầu tầm soát trong khoảng từ 40 – 44 tuổi.
  • Nên bắt đầu tầm soát thường quy bằng nhũ ảnh từ năm 45 tuổi.
  • Phụ nữ từ 45 – 54 tuổi nên được tầm soát định kỳ mỗi năm 1 lần.
  • Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có thể tầm soát định kỳ mỗi 2 năm 1 lần hoặc tiếp tục chu kỳ tầm soát mỗi năm.
  • Tầm soát bằng nhũ ảnh nên được tiếp tục nếu tình trạng sức khỏe còn tốt và kỳ vọng sống còn lớn hơn 10 năm.

 

 

Không nên tầm soát ung thư vú cho phụ nữ có nguy cơ bình thường và dưới 40 tuổi

 

Không nên tầm soát ung thư vú đối với phụ nữ có nguy cơ bình thường và nhỏ hơn 40 tuổi. Theo Yankaskas và cộng sự, phụ nữ trẻ có tỉ lệ mắc ung thư vú thấp nhưng khi tham gia tầm soát bằng nhũ ảnh có tỉ lệ phát hiện bất thường cao trên phim chụp (do sinh lý hoặc bệnh lý). Tỉ lệ phải quay lại tái khám cao dẫn đến tỉ lệ cao phải làm thêm các phương tiện hình ảnh học chẩn đoán khác tuy nhiên tỉ lệ phát hiện ung thư lại thấp. Ước tính cứ 10000 phụ nữ tuổi từ 35 – 39 tham gia tầm soát sẽ có 1266 người phải làm thêm các cận lâm sàng chẩn đoán khác. Trong đó chỉ có 16 trường hợp là ung thư thực sự, còn lại 1250 trường hợp dương tính giả.[20]

 

 

Tầm soát ung thư vú ở phụ nữ trên 40 tuổi

 

Phụ nữ từ 40 – 49 tuổi

 

Phần lớn các chuyên gia và tổ chức khuyến khích bắt đầu tầm soát cho phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 49. Tuy nhiên thời điểm bắt đầu cũng như khoảng cách giữa các chu kì tầm soát còn có sự khác nhau giữa các hiệp hội ung thư. ACS khuyến cáo bắt đầu tầm soát bằng nhũ ảnh từ tuổi 45 với chu kì tầm soát mỗi năm cho đến năm 55 tuổi, sau đó là mỗi 2 năm. Tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia, Anh quốc (National Health Service, United Kingdom) khuyến cáo bắt đầu tầm soát từ năm 47 tuổi với chu kỳ mỗi 3 năm cho đến năm 73 tuổi. Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) khuyến cáo bắt đầu tầm soát từ năm 40 tuổi, chu kỳ mỗi năm.[8],[10],[11]

 

Chọn lựa tầm soát trong khoảng tuổi này cần được cân nhắc dựa vào đặc điểm cũng như lựa chọn  của từng người. Một người phụ nữ 40 tuổi với nguy cơ bình thường nhưng lo lắng về ung thư vú và chấp nhận nguy cơ dương tính giả từ tầm soát cũng như các bất lợi của việc chẩn đoán và điều trị quá mức có thể lựa chọn bắt đầu tầm soát. Trong khi một phụ nữ khác cũng ở tuổi 40 nhưng cân nhắc nhiều hơn đến tỷ lệ mắc bệnh thấp ở phụ nữ cùng lứa tuổi cũng như tỉ lệ dương tính giả và chẩn đoán quá mức của nhũ ảnh có thể lựa chọn trì hoãn thời điểm bắt đầu tầm soát.

 

Tầm soát ung thư vú cho phụ nữ từ 40 – 49 tuổi mang lại lợi ích không rõ ràng trong nhiều nghiên cứu. Theo Nelson và cộng sự, phụ nữ tuổi từ 39 – 49 tham gia tầm soát bằng nhũ ảnh sẽ giảm được 8% tử vong liên quan đến ung thư vú (khoảng tin cậy 95% 0.75 – 1.02). Tính trung bình sẽ có 3 trường hợp tử vong được ngăn chặn nếu 10000 phụ nữ trong độ tuổi từ 39 – 49 tham gia tầm soát trên 10 năm. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư vú tiến xa không thay đổi với tỉ số nguy cơ là 0.98 và khoảng tin cậy 95% từ 0.74 – 1.37. Tương tự, nghiên cứu của Moss và cộng sự cũng cho thấy tầm soát làm giảm tử vong do ung thư vú nếu bắt đầu tầm soát từ 40 tuổi, tuy nhiên lợi ích đạt được không có ý nghĩa về mặt thống kê. Ngoài ra khi so sánh với các nhóm tuổi khác, nhũ ảnh chỉ phát hiện được khoảng 73% ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi 40 so với 80% nếu được thực hiện ở những năm đầu của lứa tuổi 60. Tỉ lệ dương tính giả khi tầm soát ở tuổi 40 – 49 cũng cao hơn so với khi bắt đầu trễ hơn. Theo ACS, nhóm tuổi từ 45 – 49 có nguy cơ xuất hiện ung thư và tử vong do ung thư tương tự với nhóm tuổi từ 50 – 54 và cao hơn nhóm tuổi từ 40 – 44. Tầm soát cho nhóm tuổi 45 – 49 mang lại lợi ích khi so sánh giữa nguy cơ bệnh tật và tử vong ở nhóm tuổi này với tỉ lệ dương tính giả của nhũ ảnh.[5],[9],[11]

 

 

Phụ nữ tuổi từ 50 – 74

 

Phụ nữ tuổi từ 50 – 74 được khuyến cáo tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh. ACS khuyến cáo tầm soát mỗi năm ở độ tuổi từ 50 – 55, sau đó là mỗi 2 năm hoặc tiếp tục mỗi năm. NCCN khuyến cáo tầm soát mỗi năm. Tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia, Anh quốc khuyến cáo tầm soát mỗi 3 năm. Các cơ quan thuộc chính phủ và các tổ chức y khoa khác (US Preventive Services Task Force, Canadian Task Force on Preventive Health Care, Royal Australian College of General Practitioners, American Academy of Family Physicians) phần lớn khuyến cáo tầm soát với chu kỳ mỗi 2 năm cho phụ nữ thuộc độ tuổi này.[8]

 

Tổng hợp dữ liệu từ nhiều nghiên cứu lớn, Nelson và cộng sự cho thấy tầm soát bằng nhũ ảnh cho phụ nữ từ 50 – 74 tuổi làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú. Cụ thể tầm soát giúp giảm 14% nguy cơ tử vong liên quan ung thư vú ở nhóm tuổi từ 50 – 59 (RR = 0.86, khoảng tin cậy 95% từ 0.68 – 0.97). Và giảm 33% nguy cơ tử vong liên quan ung thư ở nhóm tuổi từ 60 – 69 (RR = 0.67, khoảng tin cậy 95% từ 0.54 – 0.83). Tầm soát đồng thời cũng làm giảm 38% nguy cơ ung thư vú tiến xa ở phụ nữ trên 50 tuổi (RR = 0.62, khoảng tin cậy 95% từ 0.46 – 0.83). Lợi ích đạt được là rõ ràng khi so sánh với những tác động bất lợi của tầm soát ở nhóm tuổi 50 – 74.[9]

 

 

Phụ nữ trên 74 tuổi

 

Không có giới hạn tuổi cho việc tầm soát. Các khuyến cáo hiện tại cũng chưa rõ ràng, một số hiệp hội như ACS khuyến cáo tiếp tục tầm soát nếu tình trạng sức khỏe cho phép, nhiều cơ quan, hiệp hội khác khuyến cáo cân nhắc ngưng tầm soát sau 75 tuổi.  nhìn chung cần cân nhắc về lợi ích đạt được và tầm soát chỉ nên tiếp tục nếu tình trạng sức khỏe còn tốt và kỳ vọng sống còn lớn hơn 10 năm. Do tỉ lệ mắc ung thư vú vẫn cao cho tới những năm ở lứa tuổi 80, nhưng lớn tuổi đồng nghĩa với lợi ích đạt được thấp hơn do số năm sống còn tăng thêm từ việc chẩn đoán và điều trị sớm giảm dần khi tuổi càng tăng.[6]

 

Lợi ích của nhũ ảnh tầm soát bị hạn chế ở phụ nữ trên 75 tuổi. Dữ liệu từ 2 nghiên cứu quan sát của Van Dijck và cộng sự cho thấy tầm soát làm giảm tử vong do ung thư vú ở phụ nữ dưới 75 tuổi nhưng không đem lại lợi ích ở nhóm tuổi lớn hơn. Tương tự Schonberg và cộng sự tiến hành phân tích đoàn hệ trên 2011 phụ nữ tuổi từ 80 trở lên. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ ung thư vú, giai đoạn và tử vong giữa những người được hoặc không được tầm soát bằng nhũ ảnh sau tuổi 80.[13],[16],[17]

 

 

Các phương tiện tầm soát ung thư vú

Chụp nhũ ảnh là phương tiện chính trong tầm soát ung thư vú. Các hình ảnh học khác như siêu âm và cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng khi cần thêm thông tin bổ sung cho nhũ ảnh hoặc để tầm soát các trường hợp nguy cơ cao. Khám lâm sàng tuyến vú không được chỉ định cho mục đích tầm soát. Tự khám vú cũng không được khuyến khích. Thay vào đó người phụ nữ cần tập thói quen tự nhận thức về tuyến vú của bản thân và báo cho bác sĩ khi cảm thấy có sự thay đổi.

 

 

BS. Đường Hùng Mạnh

Nguồn: https://tamsoat.net/ung-thu/tam-soat-ung-thu-vu

 

Tài liệu tham khảo

1.     Breast Cancer Surveillance Consortium (BCSC) funded by the National Cancer Institute.

. Available from: https://breastscreening.cancer.gov/.

2.     Chen S., Parmigiani G. (2007), "Meta-analysis of BRCA1 and BRCA2 penetrance". J Clin Oncol, 25  (11), pp. 1329-33.

3.     Globocan 2012. Cancer today IARC. [cited 2018]; Available from: http://gco.iarc.fr/today/home.

4.     Lowry K. P., Lee J. M., Kong C. Y., McMahon P. M., Gilmore M. E., et al. (2012), "Annual screening strategies in BRCA1 and BRCA2 gene mutation carriers: a comparative effectiveness analysis". Cancer, 118  (8), pp. 2021-30.

5.     Moss S. M., Cuckle H., Evans A., Johns L., Waller M., et al. (2006), "Effect of mammographic screening from age 40 years on breast cancer mortality at 10 years' follow-up: a randomised controlled trial". Lancet, 368  (9552), pp. 2053-60.

6.     Myers E. R., Moorman P., Gierisch J. M., Havrilesky L. J., Grimm L. J., et al. (2015), "Benefits and Harms of Breast Cancer Screening: A Systematic Review". Jama, 314  (15), pp. 1615-34.

7.     National Cancer Institute. Breast Cancer Risk in American Women. [cited 2018 28/02]; Available from: https://www.cancer.gov/types/breast/risk-fact-sheet.

8.     NCCN (2014), "NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology: Breast Cancer Screening and Diagnosis".

9.     Nelson H. D., Fu R., Cantor A., Pappas M., Daeges M., et al. (2016), "Effectiveness of Breast Cancer Screening: Systematic Review and Meta-analysis to Update the 2009 U.S. Preventive Services Task Force Recommendation". Ann Intern Med, 164  (4), pp. 244-55.

10.  NHS England Department of Health (2013), "Public health functions to be exercised by NHS England". Public Health Policy and Strategy Unit, Department of Health 2013, pp. www.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/192971/S7A_VARIATION_2013-14_FINAL_130417.pdf.

11.  Oeffinger K. C., Fontham E. T., Etzioni R., Herzig A., Michaelson J. S., et al. (2015), "Breast Cancer Screening for Women at Average Risk: 2015 Guideline Update From the American Cancer Society". Jama, 314  (15), pp. 1599-614.

12.  Saslow D., Boetes C., Burke W., Harms S., Leach M. O., et al. (2007), "American Cancer Society guidelines for breast screening with MRI as an adjunct to mammography". CA Cancer J Clin, 57  (2), pp. 75-89.

13.  Schonberg M. A., Silliman R. A., Marcantonio E. R. (2009), "Weighing the benefits and burdens of mammography screening among women age 80 years or older". J Clin Oncol,  27  (11), pp. 1774-80.

14.  Siu A. L. (2016), "Screening for Breast Cancer: U.S. Preventive Services Task Force Recommendation Statement". Ann Intern Med, 164  (4), pp. 279-96.

15.  Tice J.A. Ollendorf D.A., Lee J.M., Pearson S.D., (2013), "The Comparative Clinical Effectiveness and Value of Supplemental Screening Tests Following Negative Mammography in Women with Dense Breast Tissue". Institute for Clinical and Economic Review.

16.  Van Dijck J. A., Verbeek A. L., Beex L. V., Hendriks J. H., Holland R., et al. (1996), "Mammographic screening after the age of 65 years: evidence for a reduction in breast cancer mortality". Int J Cancer, 66  (6), pp. 727-31.

17.  van Dijck J. A., Holland R., Verbeek A. L., Hendriks J. H., Mravunac M. (1994), "Efficacy of mammographic screening of the elderly: a case-referent study in the Nijmegen program in The Netherlands". J Natl Cancer Inst,  86  (12), pp. 934-8.

18.  Wellings E., Vassiliades L., Abdalla R. (2016), "Breast Cancer Screening for High-Risk Patients of Different Ages and Risk - Which Modality Is Most Effective?". Cureus,  8  (12), pp. e945.

19.  World Health Organization (2014), "WHO position paper on mammography screening", pp.

20.  Yankaskas B. C., Haneuse S., Kapp J. M., Kerlikowske K., Geller B., et al. (2010), "Performance of first mammography examination in women younger than 40 years". J Natl Cancer Inst, 102  (10), pp. 692-701.