Hội chứng trầm cảm sau sinh (Postpartum Major Depression)
Cập nhật lúc: 2:55:43 CH - 04/03/2019
Hội chứng trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 10% ở các bà mẹ mới sinh, hội chứng này có xu hướng phát triển sau 3 tuần và thường có xu hướng kéo dài hơn. Trong đó, rối loạn cảm xúc (Mood Disorders) thể hiện rõ nét và kéo dài nhất.
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.
Các triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đó trong năm đầu sau sinh như:
- Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé
- Sao nhãng trong việc chăm sóc con
- Không còn thích thú với những thứ, hoạt động mình ưu thích trước kia
- Giảm thiểu giao tiếp với người khác
- Rối loạn giấc ngủ (thường là mất ngủ)
- An ủi không đem lại kết quả
- Cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực
- Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục
- Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh ở phụ nữ:
- Bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai
- Từng bị trầm cảm sau sinh trước kia
- Khó khăn kinh tế, nghề nghiệp không ổn định
- Sinh con so (con đầu lòng) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Trẻ thiếu vắng tình cảm của người bố
- Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân
- Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy
- Sinh con ở độ tuổi vị thành niên
- Không có người hỗ trợ chăm sóc
So sánh khả năng mắc với yếu tố tiền sử bệnh
Chẩn đoán
|
Nguy cơ
|
Không có tiền sử bệnh tâm thần, buồn sau sinh, trầm cảm nặng
|
Thấp
|
Đã từng mắc trầm cảm sau sinh, rối loạn khí sắc chu kỳ, trầm cảm nặng tái diễn
|
Trung bình
|
Đã từng mắc trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm tái diễn, trầm cảm nặng tái diễn
|
Cao
|
Trầm cảm trong thai kỳ, đã từng mắc rối loạn lưỡng cực, trầm cảm sau sinh
|
Cao nhất
|
Một số mẹo nhỏ giúp bạn phòng hội chứng trầm cảm sau sinh:
- Tham gia các lớp học dành cho những người làm cha làm mẹ
- Lên kế hoạch tài chính với chuyện em bé sắp ra đời
- Quan tâm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc khi em bé chào đời
- Quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề quan hệ gia đình trước khi em bé chào đời
- Nhờ người thân trong gia đình hoặc thuê người giúp việc để trông em bé
- Hiểu rằng đời sống tình dục sẽ thay đổi sau khi sinh và có thể không trở lại bình thường trong vòng một năm hoặc lâu hơn
- Tham gia các nhóm sinh hoạt cộng đồng dành cho những người mới làm bố làm mẹ, hoặc tìm hiểu thêm các thông tin về trầm cảm sau sinh
Bệnh viện An Sinh
*** Thông tin tham khảo, không thay thế việc thăm khám chuyên môn