Lasik là phẫu thuật khúc xạ phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Mỗi năm toàn cầu có khoảng 4 triệu trường hợp lasik được thực hiện.
Bạn có thể thắc mắc, sao phẫu thuật này lại được ưa chuộng như vậy? Đó là vì Lasik có những ưu điểm vượt trội so với các phẫu thuật khác, trong đó phải kể đến: không đau, can thiệp tối thiểu, thị lực phục hồi ngay sau mổ một ngày, biên độ điều trị rộng, các công nghệ mới không ngừng được phát triển và ứng dụng nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao.
Phẫu thuật Lasik có hai bước quan trọng:
Bước 1: Cắt một lớp mô mỏng khoảng 110 - 120 micron trên bề mặt để bảo toàn lớp biểu mô, không đau và giảm thiểu các phản ứng lành sẹo ở mức tế bào.
Bước 2: Lấy bớt đị một phần mô ở giữa, nhờ đó điều chỉnh hình dạng giác mạc theo mong muốn để điều trị tật cận, viễn, loạn thị. Khi độ cong của giác mạc thay đổi, công suất khúc xạ của mắt giảm hoặc tăng tương ứng làm cho hình ảnh sự vật rơi đúng trên võng mạc và chúng ta có được một thị lực rõ ràng, sắc nét. Nguyên lý này cũng tương tự như khi chúng ta chỉnh ống kính của máy ảnh sao cho hình ảnh thu được sắc nét nhất.
Trong phẫu thuật Lasik kinh điển, bước 1 được thực hiện sử dụng lưỡi dao cơ học, điều khiển bởi một mô tơ tự động, nói một cách đơn giản là máy bào giác mạc. Qua nhiều thập kỷ, các loại máy bào này đã được cải tiến rất nhiều và hiện nay tỷ lệ xảy ra biến chứng liên quan đến máy bào giác mạc tự động rất thấp, khoảng 0.3%. Các biến chứng này có thể do đặc điểm giải phẫu của mắt và hốc mắt, đôi khi do máy bào hoạt động chưa chuẩn hoặc bị cản trở cơ học trong quá trình mô tơ chuyển động, cũng có trường hợp do phẫu thuật viên chưa nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong các trường hợp khó.
Khi xảy ra các sự cố liên quan đến biến chứng trong lúc tạo vạt, hầu hết phải hoãn phẫu thuật. Nếu thị lực và khúc xạ không ảnh hưởng, cuộc phẫu thuật sẽ được thực hiện lại sau 3 tháng. Nếu có các hậu quả đi kèm, trường hợp xấu có thể bị sẹo, gây loạn thị không đều, giảm thị lực tối đa và không thể điều trị LASIK trở lại.
Để tránh những biến chứng kể trên phương pháp tạo vạt bằng Laser Femtosecond ra đời.
Những xung laser siêu ngắn được chiếu trực tiếp lên giác mạc tại mặt phẳng hội tụ có tác dụng tách mô, tạo một mặt cắt nhẵn, mịn và đều đặn. Chiều dày của vạt được kiểm soát chính xác đến từng micron. Nhờ vậy, khâu tạo vạt giác mạc trở nên an toàn tuyệt đối và tỷ lệ biến chứng vạt giác mạc trong khi phẫu thuật hạ xuống 0%.
Giờ đây bạn không còn phải lo lắng về các nguy cơ biến chứng dù rất nhỏ có thể xảy ra trong cuộc phẫu thuật. Không những vậy, việc dùng tia Laser thay cho dao bào giác mạc tự động còn giảm thiểu các chấn thương lên mô giác mạc. Những hiện tượng lỏng lẻo, tróc biểu mô, trợt biểu mô không còn nữa. Các lớp mô tinh tế trên bề mặt và trong nhãn cầu được bảo vệ tối đa.
Áp lực nội nhãn trong lúc tạo vạt cũng giảm đi 1/3 so với tạo dao vạt cơ học nên sự lưu thông máu nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, võng mạc không bị đình trệ dù chỉ vài giây. Vì áp lực nội nhãn trong lúc tạo vạt thấp, trong khi tia laser tác động bệnh nhân vẫn thấy rõ đèn định vị thay vì bị một khoảng tối hoàn toàn như đối với dao cơ học. Điều này giúp ổn định tâm lý, giảm bớt căng thẳng, lo âu, duy trì tốt sự giao tiếp, hợp tác giữa bác sĩ và bạn làm cho cuộc phẫu thuật trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn bao giờ hết.
Các bước phẫu thuật bằng phương pháp Femtosecond laser:
Bước 1: Tạo vạt giác mạc bằng Femtosecond Laser.
Bước 2: Bóc bay mô bằng Excimer Laser.
Bước 3: Trải vạt giác mạc lại vị trí cũ.
Khoa Mắt Bệnh viện An Sinh
*** Thông tin tham khảo, không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên môn