Lasik (Laser Assisted in Situ Keratomileusis) là phẫu thuật phổ biến và được thực hiện nhiều nhất trong các phẫu thuật khúc xạ, thứ nhì trong các loại phẫu thuật nhãn khoa. Đây là một phương pháp điều trị ít can thiệp, không đau, không chảy máu, không tiêm chích; thị lực hồi phục nhanh chóng, bạn có thể quay lại với công việc sau khi phẫu thuật 1 ngày, nếu môi trường làm việc sạch sẽ, ít bụi.
Phẫu thuật Lasik được thực hiện lần đầu tiên năm 1989, tại Mỹ, cho tới nay khoảng trên 10 triệu ca LASIK đã được thực hiện trên toàn thế giới.
Phẫu thuật lasik bao gồm 3 bước:
Bước 1: Một dụng cụ tự động có tên là microkeratome sẽ tạo một vạt giác mạc mỏng như tờ giấy (120-160 micron).
Bước 2: Vạt này được lật lên bộc lộ nền giác mạc, sau đó chùm tia lạnh của Laser Excimer sẽ làm bay hơi từng lớp mô siêu mỏng để tạo hình lại giác mạc theo một chương trình nhất định tùy thuộc loại và mức độ tật khúc xạ và phương pháp nâng cao được chọn.
Bước 3: Vạt giác mạc được trải cẩn thận trở lại che phủ nền giác mạc sau khi kết thúc chiếu laser.
Toàn bộ quy trình điều trị mất khoảng 10-15 phút cho 2 mắt, nhưng thực tế thời gian chiếu Laser chỉ trong khoảng vài cho đến vài chục giây.
Trước khi phẫu thuật, mắt của bạn được nhỏ thuốc tê để không có cảm giác đau, sau phẫu thuật chỉ cần nhỏ thuốc, không cần uống thuốc trừ trường hợp có chỉ định. Thời gian phục hồi rất nhanh, một giấc ngủ ngắn sau khi về nhà sẽ nhanh chóng làm giảm cảm giác cộm xốn, chảy nước mắt nếu có.
Đây là phẫu thuật điều trị ngoại trú, không mất thời gian nằm viện. Bạn sẽ ra về sau khi bác sĩ khám và kiểm tra lại vết mổ. Hiện phương pháp này được xem là tương đối hoàn chỉnh và an toàn cao để điều trị các tật cận, viễn và loạn thị.
Laser được sử dụng là Laser Excimer, có bước sóng 193nm, được kích hoạt bởi hỗn hợp khí Argon Fluoride, không sinh nhiệt.
Ngày nay với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, các phương pháp laser đặc biệt được áp dụng để nâng cao chất lượng thị giác. Các chương trình ngày càng phong phú bao gồm: laser theo cá thể, laser phi cầu, laser liên kết bản đồ giác mạc. Để tăng hiệu quả và tính chính xác của các chương trình này, nhiều công nghệ hết sức hiện đại, tiên tiến của chuyên ngành thần kinh, khoa học hàng không vũ trụ, an ninh, được đưa vào ứng dụng phối hợp như các máy đo quang sai bậc cao, nhận dạng mống mắt, hệ thống định vị tâm đồng tử 2 chiều, 3 chiều, định vị trục xoay tĩnh và động, định vị dựa trên nhận thức thần kinh (neurotrack).
Khoa Mắt Bệnh viện An Sinh
*** Thông tin tham khảo, không thay thế việc thăm khám và tư vấn chuyên môn