Trong những năm gần đây, khoa học dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người và xã hội. Xã hội hiện đại không chỉ cần “ăn ngon mặc đẹp” mà còn ăn sạch, ăn khoa học để đảm bảo cho sức khỏe.
Nhiều vấn đề về sức khỏe có thể được phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu có chế độ ăn uống lành mạnh. Ngược lại, chế độ ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng có thể dẫn đến tác động bất lợi cho sức khỏe, gây ra các bệnh như thiếu hụt vitamin C (scurvy), chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em, các vấn đề về sức khỏe như béo phì, hội chứng trao đổi chất, các bệnh mãn tính có hệ thống như bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương…
Sau đây một số gợi ý giúp bạn cải thiện chế độ dinh dưỡng hợp lý:
1. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
2. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.
3. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.
4. Nên sử dụng muối Iốt, không ăn mặn. Các nhà khoa học cho biết: càng ăn mặn thì tỷ lệ cao huyết áp càng tăng, do đó nên hạn chế muối ăn. Tính bình quân mỗi người nên ăn mỗi tháng dưới 180gam muối (dưới 6g mỗi ngày).
5. Cần ăn rau quả hàng ngày. Các loại rau, củ, quả có nhiều Vitamin và chất khoáng cần thiết, đồng thời có nhiều chất xơ có tác dụng thúc đẩy nhanh việc thải các chất độc và các chất béo thừa ra khỏi cơ thể. Nên ăn rau, củ, quả hằng ngày, đặc biệt các loại rau lá xanh và quả, củ màu vàng (đu đủ, cà rốt, bí ngô…). Những loại thực phẩm này chứa nhiều chất có khả năng phòng chống ung thư. Người lớn cần ăn đủ 300gam rau mỗi người mỗi ngày hoặc 9kg rau mỗi người mỗi tháng. Trẻ em cần ăn 100 - 200 gam/ngày.
6. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm (tham khảo thêm 10 nguyên tắc vàng vệ sinh an toàn thực phẩm của TCYTTG)
7. Uống đủ nước sạch hàng ngày. Nước chiếm khoảng ½ trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành và 70% trọng lượng ở trẻ em. Hàng ngày cơ thể cần khoảng 2,5 lít trong đó qua đường uống là 1,2 -1,8 lít.
8. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
9. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.
10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt. Không nên ăn đường quá mức, đặc biệt đối với người nhiều tuổi vì rất có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Cả trẻ em và người lớn đều không nên ăn bánh kẹo, không được uống đồ ngọt trước bữa ăn. Mỗi tháng chỉ nên ăn bình quân khoảng 500gam đường mỗi người.
Bệnh viện An Sinh