ĐTĐ chiếm khoảng 7% dân số (ở Hoa Kỳ) nhưng dự đoán có khoảng 6.2 triệu người không được chẩn đoán. ĐTĐ típ 2 là nguyên nhân gây tử vong phổ biến (ở Hoa Kỳ), là bệnh chuyển hóa thường kèm với tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu (tăng mỡ máu), bệnh lý tim mạch (chiếm khoảng 50 % bệnh nhân ĐTĐ lớn tuổi).
ĐTĐ được chia thành các thể lâm sàng là ĐTĐ típ 1 và ĐTĐ típ 2:
Đái tháo đường típ 1:
- Nhóm bệnh nhân thể này thường có rất ít hoặc không có insulin. Do vậy, insulin ngoại sinh đòi hỏi bổ sung để kiểm soát đường máu, phòng ngừa biến chứng nhiễm ceton (ketoacidosis DKA) và kéo dài sự sống.
- Thể này chiếm khoảng <10 % các trường hợp ĐTĐ. Cơ chế là do sự phá hủy tế bào beta tuyến tụy miễn dịch qua trung gian tế bào, sự phá hủy thường xảy ra nhanh ở trẻ em và thiếu niên, xảy ra chậm ở người lớn (được biết như là đái tháo đường típ 1 khởi phát chậm).
Đái tháo đường típ 2:
- Nhóm bệnh nhân thể này thường không thể sử dụng insulin hiệu quả, hầu hết bệnh nhân bị ĐTĐ là thuộc nhóm này.
- Thể này chiếm khoảng > 90 % các trường hợp ĐTĐ. ĐTĐ típ 2 đặc trưng là sự đề kháng insulin theo sau sự suy tế bào beta tuyến tụy.
- ĐTĐ típ 2 thường đi kèm với tuổi (lớn tuổi), béo phì, tiền sử gia đình bị ĐTĐ, tiền sử ĐTĐ thai kỳ, suy giảm chuyển hóa đường, giảm hoạt động thể lực, tôn giáo, sắc tộc (tần số khác nhau ở các nhóm sắc tộc). Thường bệnh nhân là người lớn tuổi. Tuy nhiên, ĐTĐ típ 2 cũng xảy ra ở nhóm người trẻ tuổi.
- Sự tiết insulin trong đái tháo đường típ 2 thường đủ để ngừa biến chứng nhiễm ceton (DKA) trong điều kiện cơ bản. Tuy nhiên DKA có thể xảy ra nếu bị stress hay có bệnh lý nhiễm trùng nặng đi kèm.
ĐTĐ thai kỳ (Gestational Diabetes Mellitus - GDM):
Thể này chiếm khoảng 4% các trường hợp thai kỳ nhưng thường hết sau khi sinh, một số còn tồn tại sau sinh và là nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ típ 2 sau này.
Thể đặc biệt của đái tháo đường:
Bao gồm các trường hợp ĐTĐ do nguyên nhân khiếm khuyết di truyền về sự bài tiết và hoạt động của insulin; bệnh tuyến tuỵ ngoại tiết; cắt bỏ tuỵ; bệnh nội tiết khác như: hội chứng Cushing, bệnh to cực đầu chi, do thuốc và các hội chứng khác…
CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng cổ điển của đái tháo đường típ 1: thường gặp ở người gầy, trẻ tuổi có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân không có nguyên nhân, giảm thị lực, khó thở, mù…
Đối với đái tháo đường típ 2: thường gặp ở người mập cũng có các triệu chứng trên nhưng không rõ ràng… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp triệu chứng thường âm ỉ nên bệnh thường phát hiện muộn, hoặc có thể không có triệu chứng và bệnh chỉ được phát hiện tình cờ sau nhiều năm khởi phát.
Chẩn đoán ĐTĐ dựa theo các tiêu chuẩn sau:
- Đường máu lúc đói ≥ 126 mg/dL. Điều này nên xác định với các xét nghiệm lập lại.
- Triệu chứng đái tháo đường và đường máu ngẫu nhiên ≥ 200 mg/dL.
- Test dung nạp đường huyết uống (OGTT). Kết quả đường máu sau 2 giờ uống 75gam đường ≥ 200mg / dL.
Chẩn đoán tiền đái tháo đường:
Là sự rối loạn dung nạp đường (Impaired Glucose Tolerance - IGT) hay rối loạn đường lúc đói (impaired fasting glucose- IFG). Là giai đoạn trung gian giữa dung nạp đường bình thường và đái tháo đường type 2. IFG và IGT là yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2 và các biến chứng mạch máu (lớn và nhỏ).
- IGT: Đường máu sau 2 giờ sau uống 75gam đường: 140 - 199mg/dL
- IFG: Đường máu lúc đói: 100 - 125 mg/dL
Thay đổi lối sống được đề nghị cho nhóm bệnh nhân có IFG và IGT.
ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Mục tiêu điều trị:
- Cải thiện triệu chứng, đạt được việc kiểm soát đường máu, phòng ngừa được các biến chứng cấp tính và lâu dài của đái tháo đường.
- Kiểm soát đường máu được bắt đầu giống nhau với típ 1 và típ 2. Đường máu mao mạch trước ăn: 90- 130 mg/dL, đường máu mao mạch sau ăn:< 180 mg/dL và HbA1C < 7% hoặc trở về bình thường (<6.5%) nếu có thể, trong khi cần tránh biến chứng hạ đường máu.
- Với mức đường huyết này sẽ làm giảm các biến chứng lâu dài cho típ 1 và típ 2.
Đánh giá việc kiểm soát đường máu:
- Dụng cụ tự theo dõi đường mao mạch (SMBG - Self Monitoring of capillary Blood Glucose): là dụng cụ quan trọng trong việc phòng ngừa hạ đường máu và việc cho thuốc để đạt đường máu mục tiêu. Nó được đề nghị dùng cho tất cả bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân điều trị bằng insulin. SMBG nên làm ≥ 3 lần / ngày cho bệnh nhân dùng insulin chích.
- HbA1C là dạng glucose kết hợp, đánh giá tình trạng đường máu 2 - 3 tháng về trước, nên được làm mỗi 3 tháng hoặc ít nhất 2 lần/năm cho những bệnh nhân ổn định.
- Ceton niệu (phản ánh tình trạng ceton máu): Tất cả bệnh nhân nên được theo dõi ceton niệu bằng que thử Ketostix hoặc bằng viên Acetest khi bệnh nhân đái tháo đường có triệu chứng sốt hoặc đường máu cao thường trực (>300 mg/dL) hoặc có dấu hiệu của nhiễm ceton (DKA: nôn, ói, đau bụng…).
- Truyền thông cho người bệnh: là cần thiết cho sự thành công trong điều trị đái tháo đường. Người bệnh nên thực hiện cho mỗi trường hợp đặc biệt và các trường hợp nhập viện.
- Thay đổi chế độ ăn: Cung cấp chế độ ăn cân bằng để đạt được dinh dưỡng đầy đủ mà vẫn đạt được cân nặng lý tưởng.
- Năng lượng trung bình 1000 - 1200 kcal/ngày cho nữ, 1200 -1600 kcal/ ngày cho nam. Tổng năng lượng được phân bố như sau: 45 - 65 % là carbohydrates, 10 - 30% là protein, <30 % là lipid (< 7 % mỡ bảo hòa, < 300mg/ngày cholesterol).
- Bệnh nhân với LDL > 100mg /dL, lipid chỉ chiếm 25 % năng lượng toàn thể, mỡ bảo hòa < 7% và < 200 mg/ngày cholesterol.
- Bệnh nhân có bệnh thận đái tháo đường thường hạn chế lượng protein nhận vào khoảng 0.6g/kg/ngày - 0.8g/kg/ngày.
- Luyện tập thể dục: Cải thiện sự nhạy cảm insulin, giảm chỉ số đường máu lúc đói và sau ăn.
Điều trị bằng thuốc:
- Nhóm thuốc uống: Sulfonylureas, Metformin, Thiazolinediones, Glucosidase inhibitors.
- Nhóm thuốc chích: Insulin.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh đái tháo đường?
Hiện nay chưa rõ nguyên nhân chích xác gây ra bệnh đái tháo đường. Người ta có ghi nhận đái tháo đường có liên quan đến yếu tố di truyền (tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường) và yếu tố xã hội(mập phì, chế độ ăn uống, ít vận động thể lực).
Ai là nhóm nguy cơ bệnh đái tháo đường?
- Người mập phì.
- Tiền sử gia đình: người có cha,mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường.
- Sắc tộc: liên quan nhóm người da đen, da đỏ, châu Á.
- Phụ nữ sinh con > 4kg, hoặc có tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
- Bệnh tăng huyết áp, hoặc rối lọan mỡ máu.
- Có tiền sử rối lọan dung nạp đường (impaired glucose tolerance IGT), học rối lọan đường lúc đói (impaired fasting glucose IFG).
Bệnh đái tháo đường và béo phì
Béo phì gia tăng nhanh chóng ở cả nước phát triển và nước đang phát triển. Điều này phản ánh tình trạng ít họat động thể lực và một chế độ ăn nhiều đường và mỡ. Béo phì và đái tháo đường típ 2 có liên quan với nhau. Béo phì và thừa cân đưa đến sự đề kháng insulin là nhóm nguy cơ của bệnh đái tháo đường.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là bệnh mạn tính mà có thể gây biến chứng lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể nhất:
- Tim mạch: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành cấp và mãn, vữa xơ động mạch, đột quỵ
- Thận: Vi đạm niệu, đạm niệu, suy thận.
- Mắt: Bệnh mắt do đái tháo đường như đục thủy tinh thể, mù mắt.
- Thần kinh: Dị cảm, tê tay chân.
- Nhiễm trùng: Da, viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng bàn chân.
- Tử vong.
Làm sao để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường?
- Tất cả người > 45 tuổi nên khám và làm xét nghiệm đường huyết, nếu kết quả bình thường nên kiểm tra mỗi 3 năm/lần.
- Cho người > 30 tuổi nên khám và làm xét nghiệm đường huyết, nên kiểm tra mỗi năm/lần nếu là các đối tượng sau: Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, mập phì, ít họat động thể lực, bị rối lọan dung nạp đường, tăng huyết áp, rối lọan mỡ máu.
- Trẻ béo phì > 10 tuổi cần kiểm tra đường máu mỗi 2 năm/lần nếu có các yếu tố sau: tiền sử gia đình, cao huyết áp, rối lọan mỡ/máu.
Điều trị bệnh đái tháo đường như thế nào?
- Để điều trị bệnh đái tháo đường có hiệu quả cần phối hợp với nhiều chuyên khoa (nội khoa, nội tiết,chuyên gia dinh dưỡng, điều dưỡng). Phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân người thân gia đình bạn bè…
- Điều trị bệnh đái tháo đường cần phải có chế độ ăn hợp lý, rèn luyện cơ thể, chương trình huấn luyện bệnh nhân, điều trị bằng thuốc khi cần thiết.
Phòng bệnh đái tháo đường như thế nào?
- Phòng tránh thừa cân béo phì dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể). BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao (m2). Nên giữ BMI trong khoảng 18-23 và vòng eo của nam < 90 cm, nữ < 80 cm.
- Tăng cường họat động thể lực.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
BS. CKI. Lê Hoàng Linh
Trưởng khoa Cấp Cứu Bệnh viện An Sinh
Tài liệu tham khảo:
1. The Washington manual of theuraphy.
2. ADA. org (American Diabetes Association).
3. IDF.org (International Diabetes Federation).
4. Bài giảng nội tiết học đại cương trường Đại học Y Dược TPHCM