Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hải Yến - Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, không phải ai cận thị cũng đều có thể điều trị bằng laser. Mọi phương pháp laser hiện đại nhất đều không có hiệu quả với người cận thị nặng, giác mạc mỏng hoặc nghi ngờ bệnh lý giác mạc chóp. Thay vào đó, giới chuyên môn sử dụng kỹ thuật ICL.
Phương pháp ICL điều trị cận thị thế nào, thưa bác sĩ?
ICL (Implantable Collamer Lens) là loại kính nội nhãn cấu tạo từ chất collamer, được đặt trước thủy tinh thể tự nhiên của mắt để điều trị cận thị nặng, giúp người cận nhìn rõ nét mà không phải phụ thuộc vào kính cận.
ICL còn xa lạ ở Việt Nam, do tỷ lệ người cận thị cao không nhiều. Còn trên thế giới, nó đã có lịch sử hơn 20 năm. Trên thế giới, cứ mỗi 5-6 phút là có một ca đặt kính ICL, khoảng 800.000 chiếc đã được sử dụng.
ICL có điểm gì khác với các phương pháp phẫu thuật bằng laser?
Phẫu thuật bằng laser (PRK, Smart Surface, Lasik, FemtoLasik, Smile) phụ thuộc nhiều vào chiều dày giác mạc và mức độ cận thị. Người có giác mạc mỏng không đủ tiêu chuẩn mổ bằng laser, nếu cố làm sẽ dễ dãn phình, gây ra tình trạng đe dọa thị lực không hồi phục được. Còn người có giác mạc dày nhưng độ cận quá cao, mổ bằng laser sẽ lấy đi quá nhiều mô, làm cho giác mạc yếu đi và trở nên quá dẹt, ảnh hưởng đến chất lượng thị giác sau phẫu thuật.
Với phẫu thuật ICL, bác sĩ sẽ đặt thấu kính nhỏ, trong suốt, mềm dẻo và mỏng như sợi tóc vào trong mắt, không làm thay đổi độ cong, chiều dày, sự bền vững của giác mạc. ICL can thiệp vào nội nhãn, không tác động vào giác mạc, nên phù hợp với mắt không thể laser giác mạc.
Bệnh nhân nào có thể đặt kính ICL?
ICL có dải điều trị cận thị đến 18 độ, viễn tối đa 10 độ, loạn 6 độ. Đối tượng áp dụng là người từ 18 tuổi trở lên có độ khúc xạ ổn định và thoả mãn các tiêu chuẩn chuyên môn.
Phẫu thuật laser chỉ mất chừng 10 phút, còn ICL thì sao?
Thời gian làm phẫu thuật ICL cũng khoảng 10 phút. ICL là loại kính chuyên biệt cho từng cá thể, được sản xuất tại Thuỵ Sĩ. Hai kính cùng có công suất điều trị 10 độ cận, song không thể dùng chung một loại cho hai bệnh nhân. Thậm chí có những bệnh nhân hai mắt có cùng độ cận, vẫn phải dùng hai kính khác nhau, vì các thông số của hai mắt không giống nhau.
Khi nào có thể nhìn rõ sau mổ ICL?
Một ngày sau phẫu thuật, 80-90% bệnh nhận đã có thể nhìn rõ, nhiều trường hợp đạt ngay thị lực tối đa. Nếu môi trường sạch, không bụi bặm như văn phòng, bạn có thể đi làm bình thường. Sau 6 tháng, thị lực và khúc xạ sẽ ổn định.
Kính ICL có tác dụng bao lâu?
Kính đặt vào mắt có tác dụng điều chỉnh cận, viễn, loạn vĩnh viễn. Nếu không có vấn đề phát sinh, kính sẽ nằm trong mắt cho tới khi già, bị đục thủy tinh thể.
Khi lớn tuổi, mắt lão hóa, thủy tinh thể tự nhiên sẽ đục (dân gian gọi là cườm khô). Môi trường quang học mất đi tính trong suốt, thấu kính trong mắt không còn phát huy tác dụng, do đã bị vùng đục chắn ánh sáng đi vào mắt. Khi đó, kể cả với người chưa từng phẫu thuật, việc đeo kính gọng bên ngoài cũng không thể giúp cải thiện thị lực. Giải pháp cần thiết ở giai đoạn đó sẽ là phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể.
Với đặc tính mềm dẻo của ICL, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên biệt để lấy kính ra nhẹ nhàng qua đường mổ cũ, sau đó can thiệp lên thuỷ tinh thể làm phẫu thuật Phaco.
Tỷ lệ gây khô mắt và tái cận của ICL là bao nhiêu?
ICL chỉ tác động lên giác mạc đường mổ nhỏ khoảng 3mm như Smile, không cắt qua các sợi thần kinh, nên ít gây khô mắt. ICL không tác động lên giác mạc, nên không gây tái cận như các phương pháp điều trị cận bằng laser.
An San | Vnexpress Online