Hiểu về bệnh tự miễn
Hệ miễn dịch là hàng rào quan trọng bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm bệnh. Khi hệ miễn dịch suy yếu, virus có cơ hội tấn công vào các tế bào, gây ra những căn bệnh cho cơ thể.
Trong thời kỳ phôi, hệ miễn dịch có chức năng nhận diện những kháng nguyên của mình, để khi ra đời không chống lại chúng nhờ cơ chế loại trừ Th tự phản ứng. Thông thường, hệ thống miễn dịch chỉ sinh kháng thể chống lại những kháng nguyên không được nhận diện (từ thời kỳ phôi thai), tức là những kháng nguyên không phải của mình hoặc không còn giống mình. Vì lý do nào đó, một số kháng nguyên của cơ thể không được hệ miễn dịch nhận diện trong thời kỳ phôi, hoặc do các yếu tố bên trong hay bên ngoài làm biến đổi cấu trúc kháng nguyên của cơ thể…thì chúng trở thành tự kháng nguyên kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra tự kháng thể, và trong nhiều trường hợp gây nên bệnh tự miễn (khi những tự kháng thể này thật sự có hại cho cơ thể).
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể quay trở lại tấn công vào các mô của cơ thể. Tự miễn khác xa dị ứng. Trong dị ứng, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào những phần tử lạ xâm nhập cơ thể (ví dụ phấn hoa, bụi bặm…), còn tự miễn thì hậu quả sẽ là sự hủy diệt các mô, tế bào của chính cơ thể mà hệ miễn dịch đã tấn công vào dẫn đến gây ra trên 80 tình trạng bệnh khác nhau. Tự miễn có thể tác động vào nhiều mô cùng một lúc hoặc chỉ tác động vào từng cơ quan riêng lẻ.
Tiêu chuẩn xác định bệnh tự miễn:
– Những tiêu chuẩn chính (phải có):
+ Có kháng thể tự miễn, hoặc có tế bào T tự phản ứng, chống lại các tế bào và các kháng nguyên của cơ thể mình.
+ Tự kháng thể, hoặc tế bào T tự phản ứng nói trên, phải có vai trò gây được tổn thương cho mô đích, tế bào đích đặc trưng cho từng bệnh. VD: bệnh lupus ban đỏ hệ thống, có các kháng thể tự miễn chống nhân ở thận, da, khớp…)
Ngoài ra còn một số tiêu chuẩn khác kèm theo, không nhất thiết phải có.
Những nguyên nhân gây bệnh tự miễn:
Các nhà y học đã mạnh mẽ lên tiếng rằng chính môi trường sống hiện đại là thủ phạm gây ra các bệnh tự miễn. Ngoài ra cũng cần phải kể đến yếu tố di truyền. Bạn sẽ có khả năng cao bị bệnh tự miễn nếu người thân của bạn từng mắc, dù không nhất thiết sẽ có cùng chung một tình trạng bệnh. Y học hiện đại đã xác định được một số nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn như sau:
– Ô nhiễm môi trường: Bệnh tự miễn, nhất là bệnh lupus, sẽ nghiêm trọng hơn khi môi trường sống bị ô nhiễm. “Tội phạm” môi trường nổi danh nhất là thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, bao ni lông… Những hóa chất này gây tổn hại một cách trực tiếp lên hệ miễn dịch. Bệnh tự miễn xảy ra trong trường hợp này là do các mô của cơ thể bị tổn hại và bị biến đổi đến nỗi hệ miễn dịch “nhìn không ra”.
– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng sẽ làm ngòi nổ cho một số bệnh tự miễn (chẳng hạn như sốt thấp khớp, viêm cột sống…). Trong sự viêm nhiễm, các tế bào của chính cơ thể lại na ná như vi trùng, vì vậy hệ miễn dịch vô tình rơi vào tình trạng “khôn nhà dại chợ” vì thay vì đánh vi trùng thì lại đi tiêu diệt “người nhà”.
– Xáo trộn vi khuẩn đường ruột: Có hàng tỉ tỉ vi khuẩn sống ở trong ruột có vai trò điều hòa hệ miễn dịch. Trong vài thập kỷ gần đây, màng nhầy ruột của chúng ta la làng vì việc sử dụng kháng sinh bừa bãi và sử dụng thuốc ngừa thai vô tội vạ. Sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột sẽ dẫn đến các chứng tự miễn và các rối loạn miễn dịch. Phong trào làm ốm cũng là kẻ tòng phạm.
– Thiếu hụt vitamin D: Vitamin D là một “biên tập viên” của hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư, ngăn ngừa sự nhóm họp của những thành phần chống lại hệ miễn dịch. Vitamin D được cơ thể tổng hợp nhờ vào ánh sáng mặt trời. Đó cũng là lý do vì sao những quốc gia ở vĩ độ cao nhưCanada và New Zealand lại có tần suất người mắc bệnh tự miễn cao nhất thế giới. Để chắc ăn rằng không bị thiếu vitamin D, khi đi kiểm tra sức khỏe, bạn cần lưu ý lượng vitamin D có trong máu phải đạt ở con số 100-150 pg/ml.
– Hội chứng rò ruột: Một khi hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, sự tiêu hóa sẽ trở nên kém hiệu quả, màng nhầy ruột sẽ bị tổn hại. Hàng rào phân cách ruột và máu bị hóa giải. Các phần tử thức ăn sẽ thừa cơ hội từ ruột ngao du vào máu và tạo gánh nặng cho hệ miễn dịch làm cho hệ miễn dịch “nổi quạu”, dẫn đến sự tự miễn.
Nơi đáng thương nhất chính là tuyến giáp vì chúng phải hứng chịu độc chất môi trường nhiều nhất, từ đó gây nên những rối loạn về tuyến giáp. Hiện có khoảng 30.000 hóa chất độc hại đang được sử dụng và chưa bao giờ được thử nghiệm xem tác hại như thế nào, nếu sử dụng lâu dài.
Một số bệnh tự miễn thường gặp:
I. Các bệnh thấp:
1. Viêm khớp dạng thấp
2. Viêm khớp mãn tính thiếu niên
3. Viêm đốt sống huyết thanh âm tính
4. Lupus ban đỏ hệ thống
5. Xơ hóa hệ thống
6. Hội chứng Sj ogren
7. Viêm đa cơ/viêm da cơ
8. Viêm mạch
9. Viêm đa động mạch mới
10. Bệnh u hạt Wegener
II. Bệnh tiêu hóa gan mật
1. Viêm đại tràng loét
2. Viêm gan mãn tính tiến triển
3. Xơ gan mật tiên phát
III. Bệnh máu
1. Thiếu máu tự miễn
2. Ban giảm tiểu cầu vô căn
3. Thiếu máu ác tính
IV. Bệnh nội tiết
1. Bệnh Basedow
2. Viêm tuyến giáp Hashimoto
3. Đái đường tự miễn.
4. Bệnh Addison
V. Bệnh Da:
1. Pemphigus
2. Bạch biến
VI. Bệnh các cơ quan khác
1. Nhược cơ nặng
2. Hội chứng Goodpasture
3. Bệnh vô sinh tự miễn đàn ông
Kết luận:
Xã hội càng phát triển, số người mắc các bệnh tự miễn ngày càng gia tăng và có xu hướng nặng hơn. Vì vậy, để phòng tránh các bệnh tự miễn nguy hiểm, bảo vệ hệ miễn dịch, thì một chế độ ăn uống phù hợp, nghỉ ngơi điều độ và hạn chế những thói quen không tốt là điều rất quan trọng.
Hiện nay, mặc dù đã có nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới ra đời để điều trị các bệnh tự miễn song trên thực tế, các bác sỹ cũng mới chỉ điều trị được triệu chứng của bệnh chứ chưa thể khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, mọi người cần tìm hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bằng những phương pháp đơn giản hàng ngày và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường, tránh tự ý sử dụng các lọai thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ càng khiến các tổn thương này nặng hơn.