Người bị lên cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim thường có những triệu chứng sau:
- Cơn đau chèn ép, đau nhói hoặc cảm thấy áp lực ở giữa ngực
- Cơn đau lan ra từ ngực đến vai, cổ, quai hàm, răng, tay, thân trên
- Hụt hơi
- Choáng, chóng mặt, ngất xỉu
- Đổ mồ hôi
- Nôn mửa
Một cơn đau tim thường gây ra cơn đau ở ngực kéo dài khoảng hơn 15 phút, nhưng nó cũng có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Rất nhiều người bị đau tim đã có triệu chứng trước đó hàng giờ, vài ngày hoặc vài tuần.
Phải làm gì khi bạn hoặc người khác có thể đang bị lên cơn đau tim?
Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc hotline của cơ sở y tế gần nhất. Đừng chủ quan bỏ qua các triệu chứng hoặc cố chịu đau hơn 5 phút. Nếu bạn không ở gần trạm xá nào, hãy nhờ người quen chở đến bệnh viện gần nhất. Chỉ tự đi khi không có lựa chọn nào khác, vì lái xe trong tình trạng này sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Nhai và nuốt một viên Aspirin, trừ khi bạn bị dị ứng với Aspirin hoặc có chỉ định từ bác sĩ không được uống. Nhưng nhớ cần gọi cho cấp cứu trước đó.
Uống Nitroglycerin nếu được kê toa. Nếu bạn nghĩ mình có thể đang lên cơn đau tim và bác sĩ đã kê toa trước đó cho bạn, hãy uống thuốc như chỉ dẫn. Lưu ý không dùng thuốc của người khác, vì như thế sẽ có nguy cơ khiến tình trạng của bạn xấu đi.
Thực hiện CPR (hô hấp nhân tạo) nếu như nạn nhân đã bất tỉnh. Nếu bạn ở gần một người bị lên cơn đau tim và đã bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau đó thực hiện CPR theo như chỉ dẫn của nhân viên y tế, nếu không có kinh nghiệm, hãy bỏ qua phần thổi ngạt và chỉ tập trung dùng tay ép tim. Nhân viên y tế có thể hướng dẫn bạn thực hiện CPR cho đến khi đội cấp cứu có mặt.
Sử dụng máy trợ tim rời nếu có ở đó. Đầu tiên thực hiện CPR và khởi động máy. Sau đó, nối máy vào người bị đau tim, rồi làm theo hướng dẫn trên máy sau khi đã chẩn đoán được tình trạng của nạn nhân.
Lối sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tim mạch của bạn. Sau đây là một số bước giúp bạn phòng tránh nhồi máu cơ tim:
Tránh hút thuốc. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe tim mạch là tránh hút thuốc. Đồng thời tránh tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc. Nếu bạn cần cai thuốc, hãy nhờ sự trợ giúp của bác sĩ.
Chú ý huyết áp và lượng cholesterol trong cơ thể. Nếu một trong hai chỉ số này cao hơn bình thường, hãy đi khám bác sĩ và thay đổi cách ăn uống. Bạn cũng nên tư vấn để thường xuyên được theo dõi huyết áp và cholesterol.
Khám sức khỏe tổng quát thường xuyên. Một số những nguyên nhân chính dẫn đến đau tim như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường đều không có những dấu hiệu sớm. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể khám và cho chỉ định xét nghiệm và giúp bạn kiểm tra tình trạng sức khỏe kỹ lưỡng hơn để dễ dàng phòng bệnh.
Tập thể dục đều đặn. Thể dục đều giúp cải thiện cơ tim sau một cơn đau tim và giúp phòng tránh đau tim thông qua việc giúp bạn kiểm soát được trọng lượng cơ thể, tiểu đường, cholesterol và huyết áp. Thể dục không cần quá sức. Chỉ đi bộ 30 phút mỗi ngày cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe rất nhiều.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân ảnh hưởng đến tim và dẫn đến tăng cao cholesterol, huyết áp cao và tiểu đường.
Có chế độ ăn hợp lý. Các loại mỡ thừa và cholesterol có trong thức ăn có thể làm hẹp van tim, thức ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp. Một chế độ dinh dưỡng tốt bao gồm protein nguyên chất có trong cá và đậu, rau củ quả và ngũ cốc.
Kiểm soát tiểu đường. Đường huyết cao sẽ làm tổn hại đến sức khỏe của tim. Tập thể dục đều đặn, ăn uống hợp lý và giảm cân là những cách giúp duy trì đường huyết ổn định. Nhiều bệnh nhân cũng cần dùng thêm thuốc để điều trị tiểu đường.
Tránh căng thẳng. Hãy giảm thiểu căng thẳng trong các hoạt động hàng ngày. Sắp xếp lại các công việc một cách khoa học và tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh để giảm stress.
Giới hạn sử dụng đồ uống có cồn. Với người lớn khỏe mạnh, mức tiêu thụ cồn hợp lý là một ly một ngày cho phụ nữ và đàn ông trên 65 tuổi, và 2 ly cho đàn ông từ 65 tuổi trở xuống.