Nghiên cứu khoa học

Phổ vi khuẩn và tình hình đề kháng kháng sinh tại bệnh viện An Sinh năm 2018

Cập nhật lúc: 12:03:43 CH - 06/11/2019

Đề kháng kháng sinh đang là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Bộ Y tế khuyến cáo nên thực hiện khảo sát tình hình đề kháng kháng sinh tại từng cơ sở y tế, để giúp bác sĩ chọn lựa kháng sinh phù hợp với thực tế. Hàng năm, bệnh viện An Sinh đã khảo sát phổ vi khuẩn và tình hình đề kháng kháng sinh.



 

 

Đề kháng kháng sinh đang là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Bộ Y tế khuyến cáo nên thực hiện khảo sát tình hình đề kháng kháng sinh tại từng cơ sở y tế, để giúp bác sĩ chọn lựa kháng sinh phù hợp với thực tế. Hàng năm, bệnh viện An Sinh đã khảo sát phổ vi khuẩn và tình hình đề kháng kháng sinh.

 

Khảo sát năm 2018 cho thấy: Trong 620 mẫu bệnh phẩm của 494 bệnh nhân được cấy vi sinh, tỷ lệ cấy dương tính chung là 30.2% (187 mẫu) với 24 loài vi khuẩn được phân lập. Khi so sánh với năm 2016, chỉ có 9 loại vi khuẩn, cho thấy phổ vi khuẩn tại bệnh viện An Sinh ngày càng đa dạng hơn. Vi khuẩn thường gặp nhất vẫn là E. coli (64/187 mẫu, 34.2%), gặp nhiều ở mẫu nước tiểu (34/64, 53.1%) và mẫu mủ (20/64, 31.3%); Staphylococcus aureus (27/187 mẫu, 14.4%) gặp chủ yếu ở mẫu mủ (22/27, 81.5%).

 

Hầu như tất cả các nhóm kháng sinh đều bị đề kháng cao. Tỷ lệ E. coli  sinh men kháng beta-lactamse phổ rộng (ESBL) là 57.8% (37/64 chủng). Các kháng sinh mà nhóm Enterobacteriaceae còn nhạy > 80% gồm Vancomycin, Imipenem, Meropenem, Cefoperazone/Sulbactam, Amikacin, Piperacillin/Tazobactam, Ticarcillin/Clavulanic và Ampicillin/sulbactam. Tỷ lệ Staphylococcus aureus có kháng với Methicillin (MRSA) là 63% (17/27 chủng). Các kháng sinh mà các chủng Staphylococcaceae nhạy > 80% chỉ còn Vancomycin, Linezolid, Amikacin, Ampicillin/sulbactam và Doxycyclin. Trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa (n=17) chỉ còn nhạy với Polymycin B (100%), Amikacin (73.7%), còn với các kháng sinh khác đều nhạy cảm dưới 54%. Nhóm Haemophilus influenzae & parainfluenzae (n=11) có tỷ lệ đề kháng thấp.

 

Đa số bệnh nhân (325/420, 77.2%) được điều trị kháng sinh trước khi cấy vi sinh. Thời gian trung vị từ khi bệnh nhân vào viện và từ khi điều trị kháng sinh đến khi lấy mẫu cấy đều là 21 giờ (0-518 giờ & 0-508 giờ). 67.5% phác đồ kháng sinh không phù hợp kháng sinh đồ. Có 50.6% trường hợp cấy (+) bệnh nhân được đổi phác đồ sau khi có kháng sinh đồ.

 

Phổ vi khuẩn ở bệnh viện An Sinh ngày càng đa dạng. Vi khuẩn thường gặp nhất ở năm 2018 vẫn là E. coli & Staphylococcus aureus với tỷ lệ đa kháng thuốc (ESBL & MRSA dương tính) cao. Nên lấy mẫu cấy vi sinh càng sớm càng tốt và trước khi điều trị kháng sinh để lựa chọn được phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh.

 

 

TS. BS. Nguyễn Thị Bích Yến

Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện An Sinh