10 trường học tạm đóng cửa
Sáng 15.7, sân trường Mầm non Tuổi Thơ (Bùi Minh Trực, Q.8) vắng vẻ, cổng đóng im ỉm. Đây là một trong 10 trường mầm non trên địa bàn Q.8 tạm đóng cửa, kết thúc khóa học hè sớm hơn so với mọi năm (vừa để chuẩn bị năm học mới, vừa vì bệnh TCM). Một bảo vệ của trường cho hay: “Vì trường có học sinh (HS) mắc TCM nên tạm đóng cửa vì sợ ảnh hưởng đến các cháu. Ở trường cũng đã có mấy HS mắc bệnh rồi”. Trường Mầm non Tuổi Ngọc (Bùi Minh Trực, Q.8) cũng đã tạm đóng cửa từ 13.7. Cô Hoàng Thị Lan, Hiệu trưởng trường cho PV Thanh Niên biết: “Do có một bé ở Q.8 tử vong vì bệnh TCM khiến các phụ huynh lo lắng, nên chúng tôi cho các HS nghỉ. Hơn nữa, trường cũng vừa kết thúc một đợt học hè”.
Nhiều trường mầm non tại Q.8 đều có dán thông báo nghỉ học vì dịch TCM. Trước cổng trường Mầm non Vàng Anh (cơ sở 1 và 3, Hưng Phú, P.9, Q.8) ghi thông báo cho HS nghỉ kể từ 12.7, vì lý do: “Hiện nay bệnh TCM có nguy cơ phát triển thành dịch tại Q.8. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cho cháu nghỉ tại nhà”.
|
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, tính đến hôm qua 15.7, toàn TP đã có 20 trẻ tử vong do bệnh TCM (phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi; chỉ có 1 trường hợp 13 tuổi). Và, số trẻ ở TP mắc TCM có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao (với hơn 400 ca mắc mỗi tuần). Tổng số ca mắc TCM tại TP từ đầu năm đến nay là khoảng 4.800 trường hợp. |
|
Trong khi đó, ngày 14.7, báo cáo của UBND Q.8 cho biết: “Tình hình dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và ngày càng tăng cao tại Q.8. Từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 13.7) toàn quận đã có 440 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 3 ca tử vong. Trên địa bàn Q.8 có 17 trường công lập, trong đó, có 16 trường có tổ chức giữ trẻ trong dịp hè, và 9 trường tư thục - dân lập. Tính đến ngày 13.7, bệnh xảy ra rải rác tại 10 trường mầm non gồm: Sơn Ca, Bông Hồng, Bông Sen, Kim Đồng, Tuổi Ngọc, Thỏ Ngọc, Tuổi Hoa, Tuổi Thơ, Vàng Anh, và 19/5. Để chuẩn bị một số công việc cho ngày khai giảng năm học mới 2011 - 2012, các trường công lập đã thông báo với phụ huynh và thống nhất kết thúc việc giữ trẻ trước tháng 8 hai tuần. Riêng đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập vẫn tổ chức hoạt động bình thường, và có sự kiểm tra, giám sát định kỳ của ngành y tế, giáo dục về công tác vệ sinh phòng dịch.
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay: “Những ngày qua, bệnh TCM xảy ra rải rác tại các trường, nhưng chưa có sự lây lan thành dịch bệnh”.
Bệnh viện quá tải
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 15.7, nơi điều trị cho bệnh nhi mắc TCM của các bệnh viện (BV) nhi tại TP đều quá tải.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 quá tải trầm trọng, phần lớn là trẻ mắc TCM. Nhiều bệnh nhi không có giường nằm, người nhà và các bé phải “tạm trú” ngoài hành lang phòng bệnh. Y, bác sĩ thì làm việc không kịp trở tay… Người thân bệnh nhi B.N (16 tháng tuổi, ngụ Q.12) cho biết: “Ở nhà bé có biểu hiện tay chân co quắp, người run và co giật rồi ngất đi, vào BV được bác sĩ chẩn đoán TCM. Rất may, nhờ đưa cháu đi viện kịp thời nên hôm nay bệnh đã thuyên giảm”. Bên trong buồng bệnh chật kín bệnh nhi, nên người nhà dẫn bé B.N ra hành lang cho đỡ ngột ngạt. Còn bé Su Si (9 tháng tuổi, nhà ở Long An) cũng mắc TCM nhập viện hôm 12.7. Chị Linh mẹ bé cho biết: “Ban đầu bé có biểu hiện nóng sốt, nổi mụn cả tay và chân…”.
Tại BV Nhi đồng 2, tình trạng quá tải bệnh nhi mắc TCM cũng tương tự. Khoa Nhiễm của BV này mỗi ngày tiếp nhận hơn 50 trẻ mắc TCM, còn số bệnh nhi điều trị nội trú cũng luôn có từ 150-170 ca. Sáng 15.7, hai dãy hành lang của khoa chật kín bệnh nhi và người nhà. Nhiều gia đình đưa luôn giường xếp, võng vào BV. Ba của bệnh nhi N.H.T.T lo lắng khi thấy con mình nổi mụn nước khắp người, và quấy khóc liên tục. Còn chị P.T.N, mẹ bệnh nhi T.N.H (tỉnh Đắk Lắk) vừa lo lắng, vừa bức xúc BV tuyến dưới: “Con tôi bị sốt, sưng tấy miệng, tôi đưa cháu đến BV huyện. Họ lưu bệnh lại 4 ngày và tiêm thuốc với kết luận bé bị viêm miệng lưỡi. Sau mấy ngày không bớt bệnh, tôi xin chuyển lên BV tỉnh, tại đây bác sĩ chẩn đoán bé bị TCM, điều trị 3 ngày, nhưng không giảm, nên tôi xin chuyển bé lên BV Nhi đồng 2, may quá, đến hôm nay bé đã hết bệnh rồi”.
Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1) nói: “Những ngày qua, bệnh TCM vẫn còn xảy ra nhiều quá, chưa năm nào bệnh TCM vào thời điểm này lại nhiều như năm nay. Ngày nào khoa cũng tiếp nhận từ 60 đến gần 100 trẻ mắc TCM vô viện. Số nằm điều trị nội trú tại khoa luôn trên 160 ca. Những ca nặng, bị biến chứng vẫn còn xảy ra. Và, gần đây, lượng bệnh nhi mắc TCM ở các tỉnh thành chuyển đến BV Nhi đồng 1 nhiều hơn so với trước, chiếm hơn 50% số mắc TCM nằm viện”.
Dịch có thể tiếp tục tăng cao
Ông Cao Hưng Thái, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin, các chuyên gia đã họp, lấy ý kiến bổ sung cho phác đồ điều trị bệnh TCM ban hành năm 2008. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, các đoàn kiểm tra của Bộ về công tác phòng chống dịch TCM gần đây cho thấy số mắc/chết cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2010 và tập trung tại các tỉnh miền Nam. Đáng lo ngại là dịch có thể tiếp tục tăng cao vì theo giám sát 3 năm gần đây, đỉnh dịch TCM thường vào tháng 9-10. Một số tỉnh miền Bắc hiện số mắc TCM rải rác nhưng không thể chủ quan vì có thể số mắc cũng tăng lên trong các tháng tới. Ông Bình lưu ý: chưa có bằng chứng cho thấy bệnh miễn dịch với trường hợp đã mắc vì vậy không loại trừ khả năng người mắc TCM vẫn bị lại. Ngoài các ca bệnh phần lớn là trẻ em,cũng ghi nhận cá biệt có trường hợp mắc ở người lớn (L.Châu)
|
T.Tùng - Hà Minh - Thanh Thùy