Cách sơ cứu phản khoa học
Chị C.T., ở Q.Tân Phú (TP.HCM), kể mẹ chị tham gia một câu lạc bộ gồm 100 người thì mọi thành viên trong câu lạc bộ đều chuyền cho nhau bài viết này. Người nào cũng coi đây như một “bí quyết” để sơ cứu người thân khi lỡ gặp phải cơn đột quỵ. Mẹ chị T. đã gửi bài viết này qua email cho chị T. với lời dặn: “Mẹ gửi cho con tài liệu này, con giữ lại, in ra hoặc ghi nhớ vì tai biến như thế này là chuyện người già rất dễ mắc phải. Nếu con có được kinh nghiệm như tác giả của bài viết này thì con sẽ giúp được cho ba mẹ rất nhiều”.
Bài viết này có đoạn: “Hãy giữ bệnh nhân ngồi yên một chỗ rồi lấy kim chích cho máu ở mười đầu ngón tay chảy ra. Khi chích kim vào mà máu không chảy ra hãy dùng các ngón tay của bạn để nặn ra. Khi tất cả mười đầu ngón tay đều có máu chảy ra, hãy chờ vài phút người bệnh sẽ hồi tỉnh. Trong trường hợp người bệnh bị méo miệng, hãy kéo hai tai của người bệnh đến khi cả hai tai đều đỏ lên. Sau đó chích vào dái tai đến khi mỗi dái tai chảy ra hai giọt máu, sau đó vài phút bệnh nhân sẽ hồi tỉnh”.
Bài viết còn phân tích sự nguy hiểm của bệnh đột quỵ và khuyên mọi người hãy giữ một cây kim thật sạch cất ở chỗ thuận tiện nhất trong nhà để cứu người bị đột quỵ. Khi có người bị đột quỵ thì dù người bệnh đang ở đâu cũng không được di chuyển vì nếu bị di chuyển các mạch máu sẽ bị vỡ ra. Bài viết còn dặn người nhà phải chờ người bệnh ở trạng thái bình thường mới chở người bệnh đến bệnh viện vì nếu đưa đi cấp cứu ngay, xe chạy bị xóc sẽ làm các mạch máu của người bệnh vỡ ra...
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, phó khoa bệnh lý mạch máu Bệnh viện Nhân Dân 115, nhận xét cách sơ cứu bệnh nhân bị đột quỵ như trên là hoàn toàn phản khoa học. Khi có người thân bị đột quỵ mà sơ cứu như vậy là vô tình lấy mất đi thời gian vàng điều trị bệnh đột quỵ. Trong khi khoảng thời gian vàng này liên quan mật thiết đến tính mạng và sự phục hồi của bệnh nhân sau này vì một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não của người bệnh mất đi.
Mất thời gian vàng!
Theo thống kê của Bệnh viện Nhân Dân 115, mỗi năm tại bệnh viện này tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện khi đã qua thời gian vàng được tính là ba giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Nguyên nhân do bệnh nhân không nhận biết được bệnh đột quỵ, điều trị bằng những biện pháp dân gian ở nhà trước, đưa đến bệnh viện ngay nhưng bệnh viện ban đầu lại không có khả năng điều trị... Khi đến bệnh viện điều trị muộn, bệnh nhân sẽ bị liệt vận động, sống cuộc sống thực vật, thậm chí tử vong...
Trường hợp của anh N.N.T., 37 tuổi, ở Q.7, TP.HCM, là một ví dụ. Ngày 17-1, anh T. nhập viện Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng hôn mê. Vợ anh T. kể lại tối hôm trước khi xảy ra cơn đột quỵ, anh T. đi đánh quần vợt về và đi ngủ bình thường. Đến khoảng 3g sáng anh gọi vợ đưa anh đến bệnh viện và không nói được nữa.
Vợ anh T. trước đó cũng đã đọc tài liệu hướng dẫn cách sơ cứu người bị đột quỵ bằng cây kim nên đã lấy kim châm mười đầu ngón tay cho chồng. Sau đó, chị mới đưa anh đến cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà. Do không có khả năng điều trị nên bệnh viện này lại chuyển anh T. đến Bệnh viện Nhân Dân 115. Tại đây, các bác sĩ đã xác định do người bệnh đến muộn nên vùng não đã bị chết. Bệnh nhân sẽ phải sống đời sống thực vật trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời.
Trong dân gian hay lan truyền nhiều phương pháp điều trị bệnh đột quỵ như cạo gió, cắt lể... được nhiều người tin dùng. Bác sĩ Huy Thắng lý giải trước khi có cơn đột quỵ thật sự, một số bệnh nhân có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là những cơn thiếu máu thoáng qua. Cơn thiếu máu thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các triệu chứng xảy ra nhanh chóng và chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Sau đó, bệnh nhân trở lại bình thường. Nếu áp dụng các phương pháp dân gian để điều trị cho những trường hợp này, người thân và bệnh nhân lại lầm tưởng là phương pháp dân gian này đã cứu sống được bệnh nhân. Tuy nhiên, cơn thiếu máu thoáng qua chính là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ thật sự sẽ xảy ra ngay sau đó. Do vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Bác sĩ Huy Thắng cho biết những năm gần đây y học hiện đại đã có thể điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị đột quỵ. Nếu được điều trị sớm, kịp thời ngay sau khi khởi phát triệu chứng, những bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi chức năng vận động. Vì vậy, khi thấy người thân có những dấu hiệu bị đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh tới ngay bệnh viện có khả năng điều trị, không nên sơ cứu tại nhà hay áp dụng bất kỳ một phương pháp dân gian nào điều trị, làm mất thời gian vàng của bệnh nhân.
Những dấu hiệu của đột quỵ
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra một bên cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân trái).
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội.
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt khi chóng mặt đi kèm với bất kỳ triệu chứng trên).
Cách phòng ngừa đột quỵ là phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ. Đó là những người mắc bệnh cao huyết áp, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, sử dụng thuốc ngừa thai (chỉ nên uống khi có chỉ định của bác sĩ), tình trạng căng thẳng, stress.
Một số bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ:
- Bệnh viện Nhân Dân 115
- Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
- Bệnh viện Chợ Rẫy
- Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương...
|
Theo Tuổi Trẻ