Các nhà khoa học cho biết thành phần các chất gây ô nhiễm không khí do đốt rơm, rạ, tác động đến sức khỏe con người là hydrocacbon thơm đa vòng (viết tắt là PAH); dibenzo-p-dioxin clo hoá (PCDDs), và dibenzofuran clo hoá (PCDFs), là các dẫn xuất của dioxin rất độc hại, có thể là tiềm ẩn gây ung thư.
Các thành phần chính của rơm, rạ là những hydratcacbon gồm: licnoxenlulozơ, 37,4%; hemixenlulozơ (44,9%); licnin 4,9% và hàm lượng tro (oxit silic) cao từ 9, đến 14%. Đó là điều gây cản trở việc xử dụng rơm, rạ một cách kinh tế. Thành phần licnoxenlulozơ trong rơm, rạ khó phân hủy sinh học.
Việc đốt rơm, rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng gây bất lợi cho đồng ruộng lớn hơn nhiều lần so với việc làm phân bón như ta tưởng. Các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất biến thành các chất vô cơ do nhiệt độ cao. Đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi do nhiệt độ hun đốt trong quá trình cháy rơm, rạ. Quá trình đốt rơm, rạ ngoài trời không kiểm soát được, lượng dioxit cacbon CO2, phát thải vào khí quyển cùng với cacbon monoxit CO; khí metan CH4; các oxit nitơ NOx; và một ít dioxit sunfua SO2.
Phần rơm, rạ sót này thường được cày lấp vào trong đất làm phân bón cho mùa vụ sau. Việc phân hủy gốc rạ và rơm phụ thuộc vào độ ẩm của đất, nó ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng khí metan CH4 được giải phóng trong khi ủ. Tuy có cung cấp cho đồng ruộng một chút dinh dưỡng cho vụ tiếp theo, nhưng rất có thể chứa chất mầm sâu bệnh cho cây trồng, ảnh hưởng đến sản lượng do tác động bất lợi ngắn hạn bởi bất ổn định hàm lượng nitơ. Cũng có thể vì lý do này mà nông dân đốt hết rơm rạ ngay trên đồng ruộng trước khi vào vụ sau?
Rơm, rạ nên giải quyết như thế nào ?
Hầu hết các nước đã và đang tìm kiếm các phương pháp tận dụng rơm, rạ và xử lý theo cách an toàn, thân thiện với môi trường.
Tận dụng và xử lý
|
Trồng nấm rơm là cách vừa có thể tận dụng được rơm, rạ vừa thân thiện với môi trường - Ảnh: longan.gov.vn |
Ở nước ta, từ lâu đời đã biết trồng nấm rơm ngay ngoài trời tận dụng diện tích trống. Trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những hấp dẫn thị trường trong nước mà thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng. Bởi theo các nhà khoa học, nấm rơm là thực phẩm nhiều dinh dưỡng mà không làm tăng lượng cholesterol trong máu. Hàm lượng protein trong nấm lên tới 5%, đặc biệt có 8 loại axit amin không thay thế trong số 19 axit amin có trong nấm. Nấm rơm có thành phần chất xơ cao và lipit thấp, phòng trừ bệnh huyết áp, chống béo phì, xơ cứng động mạch, chữa bệnh đường ruột,…
Thị trường tiêu thụ nấm rơm lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu.
Cho đến nay việc trồng nấm đã phát triển ở 40 tỉnh thành, song sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng.
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển nghề trồng nấm. Khu vực này có đủ các điều kiện như chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng và tháng lạnh không đáng kể, có thể trồng nấm rơm quanh năm. Trung bình cứ một tấn lúa có 1,2 tấn rơm, rạ, ngoài ra còn mạt cưa, bèo tây, bã mía,… là nguồn nguyên liệu lớn để trồng nấm rơm. Thời kỳ nông nhàn nhiều, nhất là mùa lũ, hơn nữa trồng nấm rơm không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Nấm không chiếm nhiều diện tích, chủ yếu tận dụng diện tích trống. Chi phí thấp. Giải quyết tốt các nguồn thu nhập cho nông dân.
Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm, rạ
|
Nhiều tỉnh trong nước ta áp dụng công nghệ vi sinh, phân hủy rơm, rạ để làm phân bón - Ảnh: vfej.vn. |
Ví dụ tại Bình Giang, huyện trọng điểm lúa của Hải Dương, lượng rơm, rạ sau thu hoạch rất lớn. Người ta dùng men vi sinh tạo ra nguồn phân ủ, giảm được một nửa chi phí đầu vào cho nông dân, cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hướng tới một thương hiệu gạo an toàn, chất lượng.
Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, đã áp dụng thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm, rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh.
Thay vì đổ xuống ruộng đồng phân hóa học, khiến cấu tượng đất bị đổi thay, nhanh chóng mất dần độ phì nhiêu, và gây ô nhiễm ngày một nặng nề, thì nông dân đã có phân từ rơm, rạ của mình, làm cho đất đai thêm phì nhiêu và môi trường an toàn, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội.
Phương pháp xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ như sau: Sau vụ gặt, thu gom rơm, rạ vào một góc ruộng; hòa chế phẩm vi sinh (chế phẩm do Viện Công nghệ sinh học cung cấp) cùng với nước và phân NPK, tưới lên đống rơm, rạ. Sau che phủ bằng nilon, trát bùn kín. Sau 3 tuần rơm, rạ mủn là loại phân bón rất tốt cho cây trồng. Dùng phân này bón lót, sẽ giảm tới 30% lượng phân hóa học, và tăng năng suất cây trồng lên đến 7%.
Ngoài việc dùng làm nấm, sản xuất phân bón hữu cơ, rơm, rạ còn dùng làm vật liệu xây dựng; làm bê tông siêu nhẹ, đệm lót vận chuyển hàng hóa dễ vỡ, vận chuyển hoa quả, v.v…
Việc sử dụng rơm, rạ cho sản xuất năng lượng, gồm nhiên liệu sinh khối rắn; nhiên liệu sinh học; đóng bánh. Sản xuất bột giấy,…là phương pháp tận dụng tối ưu. Song thu gom, vận chuyển là rào cản lớn từ nghiên cứu triển khai đến sản xuất.
Hy vọng rơm, rạ sẽ trở thành nguồn thực phẩm bổ sung, và phân vi sinh, nguyên liệu đưa vào sản xuất mà không còn là gánh nặng gây ô nhiễm môi trường do đốt không kiểm soát được.
Nguyễn Dược (tổng hợp)