Tin tức và sự kiện

Bệnh viện An Sinh hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS ngày 1 tháng 12

Cập nhật lúc: 4:07:49 CH - 10/12/2024

Chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS là mục triêu chiến lược Quốc gia vào năm 2030, mục tiêu gồm: Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân; Số người nhiễm HIV được phát hiện mới ít hơn 1.000 người mỗi năm; Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con thấp hơn 2%; Người nhiễm HIV tham gia BHYT là 100%. Phòng chống HIV/AIDS không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức y tế, của mỗi gia đình và từng cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội

 



 

Bệnh viện An Sinh hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS ngày 1 tháng 12

 

Người đầu tiên phát hiện ra virus HIV vào năm 1981 là Luc Montagnier, một nhà virus học người Pháp.

 

HIV viết tắt là Human Immunodeficiency Virus, một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Khi HIV xâm nhập khiến cơ thể người mất dần sức đề kháng, không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tạo điều kiện phát triển bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

 

Có sự khác nhau giữa HIV và AIDS, có thể hiểu và phân biệt là: HIV là virus, AIDS là tình trạng virus có thể gây ra, thường gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Nhiễm HIV không được điều trị có thể phát triển thành AIDS. AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV.

 

Tính đến hết năm 2023, thế giới có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV, khoảng 1,3 triệu người nhiễm HIV mới, trong đó có 120.000 trẻ em dưới 15 tuổi và 630.000 người nhiễm HIV đã tử vong. 

Tại Việt Nam, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính hiện nay có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận có 11.421 người nhiễm HIV mới, 1.263 người nhiễm HIV đã tử vong. Trong đó, nam giới chiếm 82,9%, độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi chiếm 40% và 30 đến 39 tuổi chiếm 27,3%. Đối tượng chiếm tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 42,2%. 

 

Cách thức lây nhiễm HIV/AIDS có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây. Trước đây, HIV chủ yếu lây nhiễm qua đường máu, dùng chung kim tiêm, đến nay tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng lên đáng kể và trở thành nguồn lây nhiễm chính.

 

Thời gian ủ bệnh của virus HIV ở người trưởng thành khoảng từ 1 đến 6 tháng, tùy thuộc vào cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người. Người có hệ miễn dịch kém, thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

 

HIV/AIDS lây nhiễm qua 3 đường chính:

Quan hệ tình dục: do tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng.
Đường máu: do dùng chung kim tiêm, tiếp xúc qua các vật sắc nhọn có dính máu, vết thương hở của người nhiễm HIV.
Từ mẹ sang con: do mẹ bị nhiễm HIV có thể lây truyền virus sang con trong quá trình mang thai, sinh con và cho con bú.

 

Các giai đoạn nhiễm virus HIV/AIDS

Người nhiễm HIV/AIDS có thể lây truyền cho người khỏe mạnh trong bất kỳ giai đoạn nào.

Giai đoạn nhiễm cấp tính: sau khoảng từ 2 đến 4 tuần nhiễm virus HIV. Triệu chứng giống với bệnh cảm cúm thông thường như sốt, phát ban, đau cơ, đau khớp, đau đầu, suy nhược, sưng hạch ở cổ và bẹn... Trong thời gian này các triệu chứng thường nhẹ, không gây chú ý nhưng virus HIV vẫn đang tiếp tục sinh sôi và lây lan khắp cơ thể. Đây là thời điểm dễ lây truyền HIV nhất vì tải lượng virus trong máu tăng cao.

Giai đoạn ẩn bệnh: triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thường kéo dài trong nhiều năm. Virus HIV vẫn tồn tại bên trong cơ thể nhưng không tấn công hệ miễn dịch. Khả năng phát hiện và điều trị virus HIV ở giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng. Triệu chứng có thể mắc phải như sụt cân nhiều, nấm miệng, sốt kéo dài, tiêu chảy kéo dài, viêm phổi, lao phổi, viêm da, viêm mũi, viêm màng não, loét miệng nặng, thiếu máu... Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến suy kiệt, nấm thực quản, các bệnh nhiễm trùng cơ hội mức độ nặng, suy giảm trí nhớ, ung thư... Bởi vì giai đoạn này tải lượng virus tăng lên rất nhanh, chúng tấn công và tiêu diệt các tế bào miễn dịch của cơ thể. Cơ thể phản ứng miễn dịch suy yếu, mất khả năng kháng nhiễm.

 

Các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS

Chủ động tìm hiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS: là bước đầu tiên để phòng ngừa HIV/AIDS hiệu quả.

Quan hệ tình dục an toàn: sử dụng các biện pháp phòng tránh có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Tốt nhất nên chung thủy một vợ một chồng trong hôn nhân để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.

Không dùng chung kim tiêm, đồ dùng cá nhân: để tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV. Dùng chung kim tiêm còn tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm khác qua đường máu như viêm gan siêu vi B và C, virus HPV gây ung thư cổ tử cung.

Chủ động sàng lọc HIV/AIDS: biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus HIV, giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con: nếu người mẹ bị nhiễm HIV nên được điều trị bằng ARV theo chỉ định của bác sĩ để giảm tải lượng virus trong suốt thai kỳ và sau sinh. Điều trị đúng cách thì cả mẹ và bé đều được an toàn, khả năng lây truyền có thể giảm xuống dưới 1%.

Sinh mổ chủ động: thường được khuyến nghị để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Sau sinh, người mẹ nên nuôi con bằng sữa công thức vì virus HIV có thể lây truyền cho con qua bú mẹ trực tiếp. Với giải pháp này, người mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh mà không lo ngại về nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ngăn ngừa HIV sau khi phơi nhiễm: Post-exposure prophylaxis (PrEP) là cách phòng tránh HIV hiệu quả dành cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu âm tính với HIV hoặc không rõ tình trạng HIV sau khi quan hệ tình dục, tiếp xúc với máu và dịch tiết của người nhiễm HIV, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức để được điều trị PrEP trong vòng 72 giờ để giảm nguy cơ lây nhiễm.

 

Chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS là mục triêu chiến lược Quốc gia vào năm 2030. Một số chỉ tiêu chính bao gồm: Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân; Số người nhiễm HIV được phát hiện mới ít hơn 1.000 người mỗi năm; Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con thấp hơn 2%; Người nhiễm HIV tham gia BHYT là 100%.

 

Phòng chống HIV/AIDS không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức y tế, của mỗi gia đình và từng cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi người cần tự nâng cao ý thức, sự hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và những người xung quanh. Duy trì thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm, khám sức khỏe trước khi kết hôn hoặc dự định mang thai để được bác sĩ tư vấn tầm soát HIV giúp phát hiện sớm, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh HIV an toàn và hiệu quả.

 

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]