"Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Trong lĩnh vực Y tế, hầu hết cán bộ, nhân viên y tế đều trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và thường xuyên tiếp xúc với các bệnh phẩm nguy hiểm, dịch bệnh có khả năng truyền nhiễm cao
"Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
Trong lĩnh vực Y tế, hầu hết cán bộ, nhân viên y tế đều trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và thường xuyên tiếp xúc với các bệnh phẩm nguy hiểm, dịch bệnh có khả năng truyền nhiễm cao. Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ khác tác động đến trong quá trình lao động như bức xạ, điện từ trường, các chất gây mê và hóa chất khử trùng. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế, cũng như phòng ngừa rủi ro và tai nạn nghề nghiệp trong quá trình làm việc luôn được chú trọng.
An toàn, vệ sinh lao động là giải pháp hạn chế người lao động bị các thương tổn, sức khỏe gây ra bởi các yếu tố nguy hiểm khi làm việc. Luật An toàn, vệ sinh lao động chính là hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.
Các quy định pháp luật liên quan:
- Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
- Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động;
- Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động.
Các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động: Trong ngành y tế, an toàn vệ sinh lao động bao gồm các quy định về phòng chống nhiễm khuẩn, xử lý chất thải y tế, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế và bệnh nhân.
- Đào tạo và tập huấn: Tổ chức các buổi huấn luyện, tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các buổi đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động.
- Trang bị bảo hộ cá nhân: Cung cấp đầy đủ găng tay, khẩu trang, quần áo chuyên dụng để bảo vệ nhân viên.
- Quản lý chất thải y tế: Ban hành và tổ chức thực hiện các quy trình xử lý chất thải y tế đúng quy định để ngăn ngừa lây nhiễm.
- Kiểm tra định kỳ: Thực hiện kiểm tra an toàn lao động, kiểm định, kiểm chuẩn các trang thiết bị định kỳ theo quy định.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động:
- Quyền: Được đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, đóng bảo hiểm theo quy định.
- Nghĩa vụ:
+ Tuân thủ các quy định, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động đã ban hành hoặc theo quy định của pháp luật;
+ Nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.
+ Tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
An toàn, vệ sinh lao động là trách nhiệm chung của cả người lao động và người sử dụng lao động trong ngành y tế. Việc tuân thủ các quy định pháp luật không chỉ bảo vệ sức khỏe của nhân viên mà còn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cộng đồng.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn