Trái tim là cơ quan duy nhất trong cơ thể mà chúng ta có thể nghe và cảm nhận được từng nhịp đập. Là dấu hiệu đầu tiên và cũng là dấu hiệu sau cùng của sự sống. Trái tim có khả năng gắn kết mọi người lại với nhau, có sức ảnh hưởng sâu rộng và còn tạo nên sự khác biệt kỳ diệu.
Bạn có biết hôm nay là Ngày Tim mạch Thế giới?
Ngày Tim mạch Thế giới (World Heart Day) được Liên đoàn Tim mạch Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 29/9 để tổ chức kỷ niệm hàng năm. Mục đích của hoạt động này nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng và ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. Năm nay, Ngày Tim mạch Thế giới có chủ đề “Trái tim chữa lành những trái tim” (Use heart for every heart).
Trái tim là cơ quan duy nhất trong cơ thể mà chúng ta có thể nghe và cảm nhận được từng nhịp đập. Là dấu hiệu đầu tiên và cũng là dấu hiệu sau cùng của sự sống. Trái tim có khả năng gắn kết mọi người lại với nhau, có sức ảnh hưởng sâu rộng và còn tạo nên sự khác biệt kỳ diệu. Vì vậy, Ngày Tim mạch Thế giới là cơ hội để chúng ta sống chậm lại và cân nhắc sử dụng trái tim vào những việc ý nghĩa nhất cho mọi người, cho thiên nhiên và cho cả chính mình. Dành thời gian lắng nghe nhịp đập trái tim, để hiểu trái tim và biết cách chăm sóc trái tim khỏe mạnh hơn mỗi ngày. Mỗi chúng ta đều có thể đóng góp phần nhỏ bé nhưng quan trọng vì một thế giới khỏe mạnh hơn theo cách của riêng mình.
Bệnh tim mạch là bệnh lý có ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng. Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, có khoảng 18,6 triệu người tử vong vì các bệnh lý tim mạch, chiếm 33% tổng số người tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Nhận biết sớm các dấu hiệu và các vấn đề liên quan đến tim mạch góp phần quan trọng trong việc xử lý kịp thời, phòng ngừa biến chứng và tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Một số yếu tố sức khỏe có liên quan mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tim mạch. Kiểm soát tốt giúp chúng ta phòng ngừa hiệu quả và đẩy lùi bệnh lý nguy hiểm này.
Tăng huyết áp
Đái tháo đường
Rối loạn mỡ máu
Thừa cân béo phì
Suy thận
Ô nhiễm môi trường
Ít hoặc không vận động thể chất
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh
Sử dụng nhiều rượu bia, nghiện hút thuốc lá...
Ngoài ra, căng thẳng và áp lực tinh thần kéo dài làm tăng nguy cơ gấp đôi nhồi máu cơ tim. Vì vậy, hãy luôn duy trì những thói quen lành mạnh để luôn có một trái tim khỏe mạnh, hạnh phúc, tràn đầy yêu thương và để “trái tim chữa lành những trái tim”.
Bệnh viện An Sinh