Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hậu Covid-19 có liên quan đến những triệu chứng sức khỏe tinh thần kéo dài dai dẳng. Phổ biến nhất vẫn là các triệu chứng hô hấp và tim mạch. Các triệu chứng lâu dài liên quan đến hậu Covid-19 đang trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng.
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy hậu Covid-19 có liên quan đến những triệu chứng sức khỏe tinh thần kéo dài dai dẳng. Phổ biến nhất vẫn là các triệu chứng hô hấp và tim mạch.
Trầm cảm, sang chấn tâm lý (PTSD) và lo lắng xuất hiện khoảng 16 - 18% bệnh nhân sau khi nhiễm trùng cấp tính. Khoảng 20% bệnh nhân phát triển các triệu chứng suy giảm trí nhớ dài lâu.
Thay đổi khứu giác và vị giác thường xuất hiện khoảng 17% bệnh nhân mắc Covid-19 kéo dài trong khoảng 6 đến 12 tháng sau đó.
Di chứng lâu dài của hậu Covid-19 đang trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít dữ liệu được đề cập đến tần suất, đặc điểm và thời gian của các triệu chứng vẫn còn tồn tại sau khi phục hồi từ giai đoạn cấp tính của Covid-19.
Một đánh giá có hệ thống gần đây cung cấp những thông tin quan trọng về chủ đề này. Các nhà khoa học đã tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu đánh giá khả năng phục hồi từ Covid-19 được xuất bản trước ngày 30/9/2021. Họ đã tìm thấy 151 nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí cụ thể và kết hợp các dữ liệu đó bằng kỹ thuật phân tích tổng hợp. Các phân tích liên quan đến dữ liệu từ hơn 1,2 triệu bệnh nhân từ 32 quốc gia.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hậu Covid-19 có thể gây ra hậu quả lâu dài liên quan đến chức năng hô hấp và tim mạch. Hơn 25% bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp chủ quan (tự báo cáo) sau khi điều trị khỏi Covid-19 cấp tính. Hơn 45% có xét nghiệm chức năng phổi bất thường. Mệt mỏi là hậu quả phổ biến tiếp theo, với hơn 28% gặp phải triệu chứng này sau khi mắc Covid-19.
Cả hai di chứng tâm thần và thần kinh đều rất phổ biến sau khi bệnh nhiễm trùng cấp tính thuyên giảm. Khoảng 20% bệnh nhân phát triển các di chứng tâm thần, gần 19% bệnh nhân phát triển các di chứng thần kinh. Đối với các triệu chứng tâm thần, hơn 18% bệnh nhân bị trầm cảm, gần 18% bệnh nhân mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn thương tâm lý (PTSD) và hơn 16% mắc phải hội chứng lo âu. Ngoài ra, hơn 13% bị rối loạn giấc ngủ. Đối với các triệu chứng thần kinh, hơn 19% bệnh nhân có các triệu chứng suy giảm nhận thức và hơn 17% bệnh nhân có những thay đổi về trí nhớ. Khoảng 15 % bị mất khứu giác và vị giác. Hơn nữa, hơn 12% bệnh nhân được ghi nhận khó khăn trong việc tập trung và hơn 11% bị đau đầu.
Các nhà khoa học tìm kiếm các dữ liệu về thời gian của các triệu chứng và báo cáo các triệu chứng phổ biến trong 3 tháng đầu, 3 đến 6 tháng và 6 đến 12 tháng sau khi mắc Covid-19 cấp tính. Lo lắng và trầm cảm xuất hiện ở 12 - 15% bệnh nhân khoảng từ 6-12 tháng, suy giảm chức năng nhận thức hoặc trí nhớ hơn 20% bệnh nhân vào thời điểm đó. Mất vị giác hoặc khứu giác đã được ghi nhận ở khoảng 17% bệnh nhân từ 6 đến 12 tháng sau khi bị nhiễm trùng cấp tính. Các triệu chứng sang chấn tâm lý (PTSD) giảm 2/3 theo thời gian, với khoảng 7,4% là có triệu chứng từ 6 đến 12 tháng sau khi giảm nhiễm trùng cấp tính.
Bằng cách kết hợp thông tin từ hơn 150 nghiên cứu, các nhà khoa học cung cấp các phân tích quan trọng chứng minh rằng hậu Covid-19 có liên quan đáng kể về thể chất và tinh thần sau khi mắc Covid-19 cấp tính. Những hậu quả này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của một lượng lớn dân số trên toàn thế giới.
Một số câu hỏi được đặt ra vẫn đang được các nhà nghiên cứu khoa học tiếp tục tìm kiếm lời giải đáp cho những di chứng hậu Covid-19 kéo dài. Hậu Covid-19 có điều trị được không? Các triệu chứng có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị không? Có thể phát triển các chiến lược phòng ngừa hiệu quả không? Cơ chế nào làm nền tảng cho các triệu chứng lâu dài này? Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này.
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo Psychologytoday)