Buổi họp chuẩn bị cho ca ghép thận đầu tiên tại Học viện Quân y vào năm 1992. Giáo sư Lê Thế Trung đeo cà vạt màu đen, đang đứng. Ảnh: Học viện Quân y
GS TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y Dược An Sinh nhớ lại ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam diễn ra ngày 4/6/1992. Ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam đã thành công, mở ra một chương mới trong lịch sử y học. Kể từ đó đến nay, hơn 6.500 ca ghép tạng đã được thực hiện, hàng nghìn sinh mạng được cứu sống. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều sinh mạng được cứu sống hơn nữa.
KÝ ỨC VỀ CA GHÉP THẬN ĐẦU TIÊN 30 NĂM TRƯỚC
Trước khi vào phòng mổ, ông Chue Sue Lee, chuyên gia đến từ Đài Loan (Trung Quốc) yêu cầu ê kíp bác sĩ Học viện Quân y rửa chân vào hai chậu cloramin đã pha đặc để đảm bảo vô trùng tuyệt đối.
Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Y tế, nhớ lại ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam diễn ra ngày 4/6/1992, người nhận là quân nhân, 40 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối. Người hiến là em trai ruột, 28 tuổi.
Buổi chiều trước ca mổ, giáo sư Hùng (khi đó công tác tại Học viện Quân y) cùng kíp bác sĩ kiểm tra lại các vật dụng cần thiết. Phát hiện thiếu chiếc đèn gù sử dụng để phẫu thuật lấy thận, ông vội vàng chạy tới Bệnh viện Xanh Pôn để xin mượn. Đêm trước ca ghép thận, giáo sư Hùng nằm ở phòng mổ, nhớ ra địa điểm này có bộ phận để cho sinh viên đứng quan sát, nguy cơ sập nếu quá đông người đến xem. Do đó, ông báo cáo cấp trên để điều động vệ binh gác ở bên ngoài.
Ngày diễn ra ca phẫu thuật, chuyên gia từ Đài Loan (Trung Quốc), ông Chue Sue Lee pha cloramin (hóa chất khử khuẩn) đặc vào hai chậu, yêu cầu y bác sĩ rửa chân trước khi mổ. Khi ca mổ vừa kết thúc, quả thận được lấy ra, ông Hùng hô "tất cả mọi người đứng yên!" vì sợ ai đó sơ sẩy đụng vào khay thận từ phòng mổ của người cho sang phòng của người nhận.
Theo giáo sư Hùng, nhờ sự đoàn kết, hiệp đồng và kỷ luật, ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam đã thành công, mở ra một chương mới trong lịch sử y học. Kể từ đó đến nay, hơn 6.500 ca ghép tạng đã được thực hiện, hàng nghìn sinh mạng được cứu sống.
Giáo sư Hùng cho biết các nhà y khoa Việt Nam mơ ước được ghép tạng từ năm 1969-1970, khởi đầu từ ca ghép tim trên chó của giáo sư Tôn Thất Tùng. Tuy nhiên, ước mơ này bị gác lại do điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đến năm 1990, ông Hùng đề cập lại vấn đề ghép thận với thầy của mình là giáo sư Lê Thế Trung, từ đó thầy và trò quyết tâm ghép thận, chuẩn bị đề tài khoa học về lĩnh vực này và các ngành liên quan khác.
Giáo sư Hùng cho biết thách thức lớn nhất ở thời điểm đó là cơ sở vật chất và trình độ y khoa nước nhà còn non kém. Học viện Quân y khi đó thiếu chuyên gia, phải mời thêm các nhà khoa học từ bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy... đến các buổi hội thảo về chuẩn bị ghép thận. Ông kể các nhà phẫu thuật đi guốc từ ngoài cổng vào phòng mổ, dù được rèn giũa nhiều về yêu cầu phòng mổ. Cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có khái niệm phòng mổ vô trùng, thiếu cả vật dụng cơ bản nhất là hai ống sonde nelaton với foley dùng cho bệnh nhân tiết niệu, phải xin ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Buổi họp chuẩn bị cho ca ghép thận đầu tiên tại Học viện Quân y vào năm 1992. Giáo sư Lê Thế Trung đeo cà vạt màu đen, đang đứng. Ảnh: Học viện Quân y
Vì vậy, nhiều người nghi ngờ, có người coi thường, hỏi thẳng: "Học viện của cậu tận ở trong thị xã Hà Đông xa xôi, cơ sở chả có gì. Công trình khoa học của các cậu, tớ cũng chưa nghe thấy gì, thế vì sao các cậu làm ghép thận?" hoặc "Cái học viện của cậu mà đòi ghép thận?". Thậm chí, có người cho rằng đỉnh cao của ngành ngoại khoa Việt Nam thời gian đó nằm ở miền Nam do vừa thực hiện thành công ca mổ tách hai bé song sinh dính liền đầu tiên. Nhiều đoàn chuyên gia quốc tế lắc đầu, chê phòng mổ bẩn, chưa đủ điều kiện phẫu thuật ghép tạng.
Tuy nhiên, các bác sĩ không ngại những lời chê trách, chỉ một lòng quyết tâm học tập ghép thận. Cơ duyên đến vào đầu năm 1992, giáo sư Hùng được một Việt kiều về từ Pháp ngỏ ý tài trợ cho ca ghép thận, gồm thuốc ức chế miễn dịch và mời chuyên gia từ Đài Loan (Trung Quốc) Chue Sue Lee đến giúp.
Lúc đó, giáo sư Hùng chưa tin tưởng lắm, nhiều lần hỏi "Chúng tôi ghép thận được chưa?". Ông Lee lấy ra một tấm ảnh từ những năm 1970, chụp một bà mẹ ở Đài Bắc gánh con đi bán, nói: "Chúng tôi ghép thận từ lúc ấy. Bây giờ đất nước các ông như thế này, tại sao không tiến hành?". Vị chuyên gia này còn khẳng định sẽ quay lại Việt Nam để ghép thận sau hai tháng. Câu nói này tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm ghép thận của nhóm bác sĩ quân y. Nhưng hai tháng quá ngắn nên họ xin 4 tháng chuẩn bị, dời lịch mổ vào tháng 6 năm 1992.
Sau ca ghép đầu tiên, đến ca ghép thận thứ ba vào ngày 20/7/1993, kíp phẫu thuật hoàn toàn là bác sĩ người Việt Nam, bệnh nhân còn sống đến nay và chuẩn bị phẫu thuật ghép thận lần hai.
Chuyên gia người Đài Loan Chue Sue Lee (áo trắng) cùng kíp phẫu thuật sau ca ghép thận đầu tiên vào ngày 4/6/1992. Ảnh: Học viện Quân y
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, Việt Nam xuất phát sau thế giới 50 năm về lĩnh vực ghép tạng nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp các nước. Tính đến tháng 5 năm nay, Việt Nam có 21 trung tâm ghép tạng, trong đó Bệnh viện Quân y 103 thực hiện hơn 1.100 ca. Nhiều tiến bộ kỹ thuật ngoại khoa, các kỹ thuật mới và thuốc được áp dụng như ghép ruột non, ghép tim...
Tuy nhiên, giáo sư Hùng cho rằng bác sĩ cần tuân thủ chặt luật về hiến, ghép tạng, trong bối cảnh Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng. Bài học này rút ra từ ca ghép thận thứ ba vào năm 1992. Ông cho biết gia đình người bệnh đó phải trả tiền cho họ hàng xa để được nhận tạng hiến, khi đó chưa quy định cấm mua, bán nội tạng. Ban đầu, các bác sĩ không hề chú ý vấn đề này, sau đó họ lần lượt bị người lạ đến hỏi: "Bác có mua thận không? Bác giúp cháu xem có ai mua thận?".
Theo giáo sư Hùng, ghép nội tạng rất dễ bị "thương mại hóa", những câu chuyện mua bán thận xuất hiện ở nước ngoài và cả trong ngành ghép tạng Việt Nam. Vì vậy, bác sĩ phải kiên quyết chống buôn bán nội tạng.
Bên cạnh đó, bác sĩ phải quan tâm tới người hiến tạng. Bài học này do ông Chue Shue Lee đưa ra, trong đó 80% thời gian nên dùng để quan tâm đến người hiến, 20% dành cho người nhận. Giáo sư Hùng giải thích người hiến tạng là người bình thường, họ hy sinh cơ thể hiến nội tạng, nên cần được tôn trọng. Nếu không quan tâm, đến phút 89 họ không hiến tạng nữa thì không có tạng để ghép. Ngoài ra, phần lớn nguồn hiến tạng đến từ người cho sống, bác sĩ không được để những người này chết trên bàn mổ.
Trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật y khoa ngày càng hiện đại, bác sĩ ghép tạng càng cần tỷ mỉ hơn nữa. Giáo sư Hùng kể bài học kinh nghiệm từ ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2001, khi ông tháp tùng giáo sư Lê Thế Trung vào thực hiện ghép tạng. Hôm đó, phẫu thuật viên ở phòng mổ cho người hiến, nói không ra hơi: "Hùng ơi, cắt vào động mạch chủ rồi".
"Lúc đấy chân tôi như sụt xuống, không vững nữa. Một là người bệnh gặp nguy, thứ hai lúc đó tôi ở cương vị thứ trưởng, nếu xảy ra ca tai biến này thì chắc tôi mất chức, cho nên chân đứng không vững", ông nói.
Khi trấn tĩnh sang phòng mổ của người hiến, giáo sư Hùng nhận ra sai lầm của phẫu thuật viên. Đáng lẽ trước khi cắt thận và sau khi ngắt tĩnh mạch, mao mạch, người phẫu thuật phải lật quả thận lên để xem động mạch chủ ở đâu để tránh cắt nhầm. Nhưng người đó đã không lật, vô tình lẹm vào động mạch chủ khiến người bệnh mất máu.
Lúc đó, giáo sư Hùng chỉ nghĩ làm thế nào lấy thận mà bệnh nhân vẫn sống và mang thận sang bên kia ghép lại, bèn hô tất cả đứng yên, thay kíp phẫu thuật mới, đề nghị khâu lại động mạch chủ. 30 phút sau, phẫu thuật viên báo cáo khâu xong, giáo sư Hùng và giáo sư Trung ngồi sụp xuống đất, người hiến đã được cứu.
Nhưng quả thận lấy ra đã thiếu máu gần một giờ nên họ rất lo rằng liệu ca ghép có thành công hay không. "Cho đến giọt nước tiểu đầu tiên chảy ra, chúng tôi bật khóc. Như thế là chúng tôi đã cứu được mạng sống bệnh nhân".
"Công nghệ càng cao thì đòi hỏi bác sĩ càng phải học tập để nắm bắt, không nên mải đuổi theo chuyên ngành sâu rồi quên kiến thức cơ bản của các chuyên ngành khác", giáo sư Hùng tổng kết, nói thêm mong muốn bác sĩ trẻ ngày nay học được những kinh nghiệm này để tránh sai lầm.
Chi Lê (Nguồn VnExpress)