Khảo sát tình trạng ô nhiễm tại hai khu vực này mới thấy, mỗi nơi ô nhiễm theo mỗi... cách, mà tất cả đều bắt nguồn từ sự vô ý thức rất "hồn nhiên" của người dân.
Từ nhếch nhác đô thị…
Dạo quanh những khu phố trung tâm TP.Hà Nội, từng góc phố, thậm chí những địa danh nổi tiếng như đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc... đều thấy vô số rác thải chướng tai gai mắt. Hàng quán vỉa hè khắp nơi, rác thải như bã chè, vỏ bánh kẹo, đồ ăn thừa... theo đó xuất hiện bất cứ chỗ nào.
Một cụ già bán hàng nước tại khu vực Bờ Hồ - vừa rửa xong bộ ấm chén, đã mắt trước mắt sau... đổ ào bã chè, vỏ kẹo xuống mép hồ. Hỏi tại sao không đổ rác vào thùng rác cách đó không xa, bà trả lời hồn nhiên: “Ôi dào, có mỗi mớ bã chè chứ nhiều nhặn gì đâu, đổ mãi thành quen rồi!”. Một thanh niên ngồi đang uống nước, vừa nhả thuốc phì phèo vừa góp chuyện: “Ngày nào chả có lao công dọn rác, ai muốn đổ ở đâu thì đổ thôi!”.
Thói quen đổ rác “vô tội vạ” có thể tìm thấy ở bất kỳ ngõ ngách nào trên phố, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống. Dạo một vòng quanh phố cổ vào sáng cuối tuần, hàng ăn sáng vỉa hè xôm tụ kẻ nói, người ăn. Hồn nhiên thưởng thức món miến trộn tại một cửa hàng bé tẹo, nhưng có tiếng trên phố Phùng Hưng, một khách hàng tên Lan cho biết: “Quán tuy hơi nhếch nhác nhưng chất lượng, nên chủ nhật nào cả nhà cũng tranh thủ lên ăn sáng”.
Vô tư cười, nói, ăn và xả rác ngay dưới chân bàn, gia đình chị Lan tỏ vẻ mãn nguyện với món ăn ngon mà không hề để ý bên cạnh mình là... nhà vệ sinh lổn nhổn bát, chén và nước thải(!). Thực tế trên có thể nhìn thấy bất cứ đâu ở mọi con phố Hà thành. Vấn đề ở chỗ là sống chung với rác thải, bụi và khói đã trở thành thói quen của người dân bao lâu nay. Một loạt các quy định được đặt ra như không hút thuốc lá nơi công cộng, nói “không” với quảng cáo “bẩn”... song tình hình hầu như không cải thiện.
Ông Phạm Ngọc Long - tổ trưởng tổ dân phố nhà tập thể B3, Giảng Võ - bức xúc: “Người dân hoặc hiển nhiên chấp nhận, hoặc buộc phải sống chung với không khí ô nhiễm. Quy định đặt ra khó có thể thực hiện được, nếu tự mỗi người dân không có ý thức bảo vệ môi trường!”.
|
Một cụ già vô tư đổ rác, nước thải trên phố Hà Nội. Ảnh: D.H
|
… đến hãi hùng nông thôn
Có mặt tại làng miến Dương Liễu (huyện Hoài Đức – Hà Nội) vào những ngày này mới thấy mức độ ô nhiễm trầm trọng của làng nghề bún miến lâu đời tại đây. Từ đầu xã đã bốc mùi nồng nặc, hai bên đường là hai cống thoát nước đen ngòm, “toả” mùi xú uế. Tá hoả hơn là những sản phẩm được làm ra gồm phở khô, miến, bánh đa được phơi ngay trên mái nhà hoặc những giàn gỗ được dựng lên ngay trên miệng cống. Đi thẳng ra cánh đồng, ngay đối diện với đồng phơi miến là một con kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Từng đống rác thải to đổ ùn hai bên mép kênh.
Chị Hường - một chủ hộ làm miến đang phơi miến tại đồng - thản nhiên: “Kênh này ô nhiễm từ lâu rồi, nguồn nước thải không chỉ từ các hộ làm miến mà hầu như nhà nào cũng thi nhau đổ thải ra kênh, bãi rác cũng chẳng có nên ở đây trở thành địa điểm tập kết rác luôn”.
Nước thải từ các hộ làm miến chủ yếu thải ra từ việc ngâm và tẩy bột, công đoạn này thực hiện qua nhiều lần, nước tẩy sau đó đổ thẳng ra kênh. Người phụ nữ này còn “thật thà” dặn dò, nếu ăn miến ở làng này thì phải về rửa thật kỹ mới đảm bảo... vệ sinh. Cả ba xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai đều sinh sống chủ yếu bằng nghề làm miến.
Thời điểm cận tết, nhu cầu tăng nên các hộ đều tăng sản lượng. Sống giữa làng nghề, một người dân bán tạp hoá than thở: “Không có cách nào khác, đành phải sống chung với ô nhiễm. Nhiều hộ dân tuy không làm nghề miến song vẫn phải chấp nhận ô nhiễm, mãi cùng đành quen”.
Làng nghề bún miến tại đây chỉ là một trong những thực tế điển hình tại khu vực ngoại thành, nông thôn – nơi những người dân đang xem việc sống chung với ô nhiễm là một thói quen, mà không hề ý thức được những hiểm hoạ khó lường cho sức khoẻ có thể rình rập người dân bất cứ lúc nào...