Hiệp hội các bệnh phổi ở Mỹ (American Lung Association) đã phổ biến những thông tin về việc sống trong nhà có thể phải chịu tác động tiêu cực của những nhân tố gì và cách phòng tránh hệ lụy từ những "sát thủ" ấy.
Bụi và bồ hóng
Nguồn gốc của các "sát thủ" này là các chất thải từ việc sử dụng hơi đốt, các chi tiết làm từ gỗ trong nội thất, đồ gỗ dùng trong nhà, các máy sấy, khói thuốc lá… Bụi tích tụ trong nhà và gây nên khó chịu cho mắt, gây bệnh sổ mũi, viêm đường hô hấp và viêm phế quản… Các chuyên gia cho rằng, trong những căn phòng nhiều bụi, người ta dễ bị mắc bệnh ung thư phổi hơn.
Cách thức để phòng chống những "sát thủ" này: hệ thống thông gió bắt buộc (đặc biệt phải có quạt thông gió ở trên bếp ga), thường xuyên làm vệ sinh nhà và mở toang cửa càng nhiều lần càng tốt.
Những chất bẩn hữu cơ
Nguồn gốc của chúng là từ những đồ vật quen thuộc có trong mọi căn nhà hiện đại như sơn, các chất dung môi, nước rửa bát, các hộp phun hơi, các tuýp hương liệu làm dịu không khí, thuốc đuổi muỗi…
Các chất bẩn hữu cơ cũng gây khó chịu cho mắt, gây bệnh sổ mũi, đau đầu, mất định hướng… Trong trường hợp nghiêm trọng, các chất bẩn hữu cơ còn ảnh hưởng xấu tới gan, thận và hệ thống thần kinh trung ương.
Đã chứng minh được rằng, một số hóa chất, được sử dụng vào công nghiệp hoá học dân dụng, có thể gây nên ở động vật và người các căn bệnh ung thư khác nhau.
Phương thức đấu tranh chính chống lại các "sát thủ" này là tuân thủ nghiêm ngặt cơ chế bảo quản và sử dụng đã được nhà sản xuất đưa ra. Tốt nhất là nên bảo quản các hóa chất ở ngoài các phòng ở, thí dụ như ở ban công hay ở những nơi thoáng gió. Để bảo quản các hóa chất lỏng nên cho vào lọ.
Fomanđêhít
Hợp chất hữu cơ fomanđêhít (formaldehyde) ở điều kiện bình thường là một chất khí có mùi hăng mạnh, có thể được tạo ra từ sự cháy không hoàn toàn của các vật liệu chứa cacbon. Có thể tìm thấy nó có mặt trong khói của các đám cháy rừng, trong khí thải ô tô và trong khói thuốc lá. Nguồn gốc fomanđêhít là các bếp sử dụng răm bào, được dùng khi chế tạo đồ gỗ, chế tạo các chi tiết trang trí, một số loại vải, thảm…
Fomanđêhít có thể làm khó chịu cho mắt, gây nên chứng sổ mũi, ho, ngứa da và hiện tượng dị ứng. Fomanđêhít cũng được coi là chất có thể gây nên căn bệnh ung thư.
Phương thức chống lại fomanđêhít: cố gắng duy trì trong nhà một nhiệt độ trung bình, càng thông gió nhiều càng tốt, đặc biệt sau khi xuất hiện trong nhà những nguồn có thể tạo ra fomanđêhít.
Thuốc trừ dịch hại
Đó là các loại thuốc trừ sâu, hay dùng để diệt gián, ruồi, muỗi… Chúng hay được sử dụng trong nông nghiệp để chống lại các thứ sâu hại và có những thành phần hóa học nhất định.
Chúng có thể gây nên khó chịu cho mắt, mũi, họng, có thể làm tổn thương hệ thống thần kinh và thận, có thể gây nên các căn bệnh ung thư...
Để chống lại những tác hại của các loại thuốc trừ sâu, cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định bảo quản mà nhà sản xuất đã đề ra. Tốt nhất là nên bảo quản các hóa chất ở ngoài các phòng ở, thí dụ như ở ban công hay ở những nơi thoáng gió. Cũng nên bảo quản ở đó những trang phục được sử dụng khi làm vườn vì trên những bộ y phục này có thể còn dính các chất trừ sâu.
Chì
Nguồn gây nên nó là khói ôtô và một số loại sơn. Tỉ lệ chì cao sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới sức khoẻ trẻ em, làm nảy sinh những vấn đề trong phát triển trí tuệ và giảm khả năng định hướng. Chì có thể làm hư thận, hệ thống thần kinh và hồng cầu. Chì cũng có thể làm tăng huyết áp.
Để chống lại ảnh hưởng tiêu cực của chì, không nên sơn những loại sơn có chứa chì vào trong tường nhà hay tường trong các căn hộ, bảo quản các hộp sơn ở ngoài phòng ở, tại nơi thoáng gió và không bao giờ được đốt chúng.
Amiăng
Nguồn chính tạo ra amiăng trong nhà là những vật liệu thông gió, phòng hỏa… không được sử dụng đúng cách. Việc nhiễm độc amiăng không gây nên những triệu chứng tức thì. Tuy nhiên, nếu ở lâu trong một căn phòng đã bị nhiễm độc amiăng, rất dễ mắc các bệnh ung thư và phổi.
Để đề phòng nhiễm độc amiăng, cần nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về sử dụng các vật liệu có chứa chất amiăng.
Các chất bẩn sinh học
Nguồn gốc là nững bức tường, trần nhà, sàn nhà, thảm, đồ gỗ… bị ẩm ướt; những chất làm mát không khí không được sử dụng đúng cách; những chất hút mùi; máy lạnh; các loại vật nuôi trong nhà và thảm lót cho chúng nằm…
Tại những nơi ẩm ướt và ấm áp, các loài vi sinh vật nảy nở rất nhanh, nhiều loại trong số chúng có thể gây nên những tác hại khôn lường cho con người. Thường thì chúng hay gây nên những căn bệnh thuộc về đường hô hấp.
Phương thức phòng chống tốt nhất: thông gió, sấy khô những bức tường ướt, phơi khô thảm…
Điôxít nitơ và điôxít cácbon
Nguồn: các sản phẩm cháy và khói thuốc lá. Hệ lụy - những cơn đau đầu triền miên, sổ mũi, các vấn đề về thị lực, nhịp tim, đuối sức… Cách phòng chống: thông gió, thông gió và thông gió!
Khí trơ Radon
Radon nguy hiểm đối với cư dân ở các tầng dưới. Đó là loại khí được tạo thành trong các mỏ phóng xạ và khoáng chất, dần dà chui lên khỏi lòng đất. Đôi khi radon tụ lại trong các vật liệu xây dựng. Radon độc vì có những tính chất phóng xạ. Việc nhiễm độc radon không tạo ra những triệu chứng rõ rệt. Các nghiên cứu cho thấy, ngộ độc radon là nguyên dân dẫn tới 10% các trường hợp bị ung thư phổi.
Các tổ chức y tế dự phòng có thể tiến hành thử test về nhiễm độc radon. Cần phải thông gió thích đáng cho các tầng hầm và các căn nhà. Nếu radon nhiễm vào nước thì có thể loại bỏ nó bằng các phin lọc cácbon.
Ngoài những "sát thủ" trên, sức khoẻ của con người về lý thuyết còn có thể bị hại bởi ảnh hưởng tiêu cực của sóng điện từ mà nguồn gốc gây ra là các dụng cụ gia dụng như lò vi sóng, điện thoại di động, máy tính, máy thu hình… Tuy nhiên, cho tới hiện nay vẫn chưa có những tư liệu khoa học về tác hại này…
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi toàn quốc của Mỹ (Center for Injury Research and Policy of The Research Institute at Nationwide Children's Hospital), trong giai đoạn từ năm 1990 tới năm 2007, tại Mỹ đã có tới hơn 260 nghìn trẻ em buộc phải nhập viện vì chúng bị rơi vào người một đồ gia dụng bằng gỗ nào đó. Khoảng 300 trẻ em đã bị tử thương vì lý do này.
Phần lớn các nạn nhân của đồ gỗ trẻ em ở độ tuổi dưới 7 tuổi. Một điều cần chú ý là, trẻ em ở lứa tuổi khác nhau thì thường bị đe dọa bởi những loại đồ gỗ khác nhau. Những đứa bé nhỏ nhất (dưới 7 tuổi) hay bị thương vì máy thu hình rơi vào chúng. Những đứa trẻ tuổi từ 10 tới 17 hay bị bàn, tủ hoặc giá sách đổ vào người. Những em bé nhất hay bị thương ở đầu, còn những em ở độ tuổi thiếu niên hay bị thương ở chân.
Những nghiên cứu tương tự được tiến hành thường xuyên ở Mỹ. Thí dụ như năm 2004, Hội đồng An toàn ở nhà (Home Safety Council) đã công bố bản báo cáo về những chấn thương mà người dân Mỹ hay bị khi ở trong nhà.
Theo số liệu có trong bản báo cáo này, mỗi năm vì lý do ngã, bị ngộ độc hay bị cháy ở nhà mà có tới gần 20.000 người Mỹ bị chết, 7 triệu người bị thương nặng… Thiệt hại tổng cộng vì lý do đó lên tới 387 triệu USD một năm.
Tổ chức bảo vệ an toàn cho trẻ em SAFE KIDS ở Mỹ cũng dẫn ra nhiều tư liệu thuộc dạng này và đã thường xuyên công bố những số liệu hãi hùng. Thí dụ, theo số liệu của SAFE KIDS, những chấn thương tình cờ là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của trẻ em dưới 14 tuổi.
Năm 2007 vì những chấn thương như thế mà đã có hơn 5.500 công dân trẻ của Mỹ bị chết. Gần một nửa số ca chấn thương là trong lúc ở nhà hoặc rất gần nhà. Có khoảng 4,5 triệu trẻ em Mỹ bị chấn thương nghiêm trọng ở nhà và phải chạy chữa rất lâu.
Theo An Ninh Thế Giới cuối tháng