Tin tức và sự kiện

10 vấn đề sức khỏe toàn cầu cần được quan tâm trong năm 2021

Cập nhật lúc: 11:31:55 SA - 02/01/2021

Đại dịch COVID-19 đe dọa sẽ cản trở những tiến bộ về sức khỏe trên phạm vi toàn cầu đã đạt được trong hai thập kỷ qua - như việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm và cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Do đó, bước vào năm 2021, các quốc gia trên toàn thế giới cần phải tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19.



 

Đại dịch COVID-19 đe dọa sẽ cản trở những tiến bộ về sức khỏe trên phạm vi toàn cầu đã đạt được trong hai thập kỷ qua - như việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm và cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Do đó, bước vào năm 2021, các quốc gia trên toàn thế giới cần phải tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19.

 

Năm 2020 là một năm tàn phá sức khỏe toàn cầu. Một loại vi-rút chưa từng được biết đến trước đây đã gây bệnh khắp thế giới, nhanh chóng nổi lên như một trong những kẻ giết người hàng đầu, gây ra sự thiếu hụt của hệ thống y tế. Ngày nay, dịch vụ y tế ở tất cả các khu vực đang phải vật lộn để giải quyết vấn đề COVID-19 và cung cấp dịch vụ chăm sóc cứu sống mọi người.

 

Cho dù biết rằng các công cụ phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả đang được phát triển. Mỗi quốc gia đều cần phải nhanh chóng củng cố lại hệ thống y tế của mình để có thể cung cấp những công cụ hiệu quả này, đồng thời phải giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường khiến cho một số bộ phận dân cư phải chịu đựng nhiều hơn những bộ phận khác.

 

WHO cam kết sẽ làm việc nhiều hơn để giúp các quốc gia tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với đại dịch và các trường hợp khẩn cấp khác. WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết các quốc gia lại với nhau và sự tham gia của cả chính phủ của mỗi quốc gia, không chỉ riêng ngành y tế. WHO cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng hệ thống y tế mạnh mẽ và dân số khỏe mạnh.

 

Dưới đây là 10 vấn đề sức khỏe toàn cầu cần được quan tâm trong năm 2021:

 

 

Xây dựng tình đoàn kết trên phạm vi toàn cầu vì an ninh y tế trên toàn thế giới

 

WHO sẽ làm việc với các quốc gia để cải thiện khả năng sẵn sàng đối phó với đại dịch và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe. Nhưng để điều này có hiệu quả, cần đảm bảo rằng các quốc gia phải làm việc cùng nhau. Hơn hết, đại dịch này đã cho chúng ta thấy rằng không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.

 

WHO hướng đến mục tiêu hỗ trợ để bảo vệ tốt hơn các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước các rủi ro khẩn cấp về sức khỏe, bao gồm cả các khu vực đô thị, các quốc đảo nhỏ, các bối cảnh xung đột.

 

WHO sẽ tận dụng các quan hệ đối tác hiện có và tạo ra các quan hệ đối tác mới để xây dựng lực lượng lao động trong các trường hợp khẩn cấp về y tế toàn cầu nhằm mở rộng, đào tạo và chuẩn hóa các hỗ trợ y tế và xây dựng y tế công cộng chất lượng cao. WHO cũng có kế hoạch thành lập Ngân hàng sinh học thống nhất trên toàn cầu để chia sẻ các tài liệu về mầm bệnh và các mẫu lâm sàng để tạo điều kiện phát triển nhanh chóng các loại vắc xin và thuốc một cách an toàn và hiệu quả. WHO sẽ duy trì sự tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác, xây dựng công việc dựa trên các đối tác quan trọng để bảo vệ người dân không bị mắc các bệnh truyền nhiễm.

 

 

Tăng tốc để người dân được tiếp cận xét nghiệm, thuốc và vắc xin phòng chống COVID-19

 

Ưu tiên hàng đầu của WHO trong năm 2021 sẽ là tiếp tục công việc dựa trên bốn trụ cột của ACT-Accelerator (Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator), nhằm đạt được quyền tiếp cận công bằng với vắc xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, đồng thời đảm bảo rằng hệ thống y tế đủ mạnh để cung cấp các giải pháp này. Nhận được các công cụ chống dịch COVID-19 hữu hiệu cho tất cả những người cần chúng sẽ là chìa khóa để chấm dứt giai đoạn đầu tiên của đại dịch và giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do nó gây ra.

 

Ở thời điểm cuối năm 2020, đã có một số công cụ đầy hứa hẹn sẽ được tung ra thị trường, nhờ vào tốc độ đổi mới công nghệ chưa từng có. Thách thức trước mắt là tìm nguồn kinh phí cần thiết để có được những công cụ này ở mọi nơi cần chúng.

 

Các mục tiêu của “ACT-Accelerator” vào năm 2021 bao gồm: phân phối 2 tỷ vắc xin; 245 triệu đợt điều trị; xét nghiệm cho 500 triệu người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình; và củng cố lại các hệ thống y tế cần thiết để hỗ trợ triển khai các hoạt động này.

 

 

Nâng cao sức khỏe cho mọi người

 

Một trong những bài học rõ ràng nhất mà đại dịch chỉ ra đó là hậu quả của việc bỏ bê hệ thống y tế ở một số quốc gia. Vào năm 2021, WHO sẽ làm việc trên cả ba cấp của Tổ chức và với các đối tác trên toàn thế giới để giúp các quốc gia củng cố lại hệ thống y tế để họ có thể đáp ứng với đại dịch COVID-19 và cung cấp tất cả các dịch vụ y tế thiết yếu cần thiết để giữ cho mọi người ở mọi lứa tuổi khỏe mạnh ngay gần nhà và mà không bị rơi vào cảnh nghèo đói do chi phí y tế.

 

Hai sáng kiến quan trọng sẽ làm nền tảng cho công việc này: thực hiện và triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu mới của WHO ở các quốc gia và bản tóm tắt độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC) - một công cụ giúp các quốc gia xác định các dịch vụ y tế thiết yếu mà họ cần, như đảm bảo cho phụ nữ sinh an toàn, trẻ em được chủng ngừa và mọi người có thể được xét nghiệm và điều trị bệnh.

 

Để thúc đẩy thực hiện công việc này, WHO sẽ phát động một chiến dịch nhằm tăng cường lực lượng lao động y tế trên phạm vi toàn cầu trong năm 2021, năm của Nhân viên y tế (“Year of the Health and Care Worker”).

 

 

Giải quyết bất bình đẳng về sức khỏe

 

Đại dịch COVID-19 đã thu hút sự chú ý đến sự chênh lệch sâu sắc kéo dài giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia, một số trong số đó đang trở nên trầm trọng hơn và có nguy cơ mở rộng hơn nữa.

 

Bước vào năm 2021, dựa trên dữ liệu mới nhất và các cam kết quốc tế, WHO thúc đẩy lộ trình bao phủ sức khỏe toàn dân và giải quyết các yếu tố mang tính quyết định đến sức khỏe ở phạm vi rộng hơn. WHO sẽ làm việc với các quốc gia để giám sát và giải quyết các bất bình đẳng về sức khỏe liên quan đến các vấn đề quan trọng như thu nhập, giới tính, dân tộc, sống ở các vùng nông thôn hẻo lánh hoặc các vùng đô thị khó khăn, giáo dục, nghề nghiệp và điều kiện việc làm và khuyết tật.

 

WHO sẽ tập trung vào các bước mà ngành y tế có thể thực hiện để đảm bảo tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình chăm sóc liên tục, cũng như tham gia với các ngành khác để giải quyết các yếu tố xã hội và môi trường quyết định đến sức khỏe.

Vào Ngày Sức khỏe Thế giới, ngày 7 tháng 4 năm 2021, WHO sẽ kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết bất bình đẳng về sức khỏe.

 

 

Cung cấp sự lãnh đạo toàn cầu về khoa học và dữ liệu sức khoẻ

 

WHO sẽ theo dõi và đánh giá những phát triển khoa học mới nhất về COVID-19 và hơn thế nữa, xác định các cơ hội để khai thác những tiến bộ đó nhằm cải thiện sức khỏe toàn cầu.

 

WHO sẽ duy trì và củng cố các chức năng kỹ thuật cốt lõi, phù hợp và hiệu quả để cung cấp cho thế giới các khuyến nghị dựa trên bằng chứng tốt nhất cho sức khỏe cộng đồng về các vấn đề từ Alzheimers đến Zika.

 

Và thông qua những nỗ lực như Gói kỹ thuật SCORE đã được cải tiến, WHO sẽ hỗ trợ các quốc gia tăng cường năng lực của hệ thống thông tin và dữ liệu y tế để báo cáo về tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến y tế.

 

 

Hồi sinh những nỗ lực giải quyết các bệnh truyền nhiễm

 

Trong những thập kỷ gần đây, WHO và các đối tác đã làm việc kiên quyết để chấm dứt tai họa của bệnh bại liệt, HIV, bệnh lao và sốt rét, và ngăn chặn dịch bệnh như sởi và sốt vàng da. COVID-19 đã đặt lại phần lớn công việc này vào năm 2020. Vì vậy, vào năm 2021, chúng tôi sẽ giúp các quốc gia tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt và các bệnh khác cho những người đã bỏ lỡ trong đại dịch. Là một phần của sự thúc đẩy này, WHO  sẽ nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận với vắc-xin HPV như một phần của nỗ lực toàn cầu mới nhằm chấm dứt bệnh ung thư cổ tử cung như đã tuyên bố trong năm 2020.

 

WHO sẽ làm việc với các đối tác để thực hiện lộ trình 10 năm mới cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs), với các mục tiêu và cột mốc toàn cầu nhằm ngăn ngừa, kiểm soát, loại bỏ và loại trừ 20 loại bệnh NTDs. Và WHO sẽ tăng cường nỗ lực để chấm dứt bệnh AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét và loại bỏ bệnh viêm gan vi-rút vào năm 2030.

 

 

Chống kháng thuốc

 

Những nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt các bệnh truyền nhiễm chỉ thành công nếu chúng ta có các loại thuốc hiệu quả để điều trị chúng. Vì vậy, điều quan trọng là phải xây dựng dựa trên công việc mà WHO thực hiện với các đối tác chương trình “Một sức khỏe” (Tổ chức Nông lương Thế giới và Tổ chức Thú y Thế giới) và với các bên liên quan trong tất cả các lĩnh vực để giữ gìn kháng sinh. Nhóm lãnh đạo toàn cầu về kháng thuốc sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 1/2021 để thảo luận về các cách thúc đẩy tăng tốc cho vấn đề quan trọng này. Đồng thời, WHO sẽ cải thiện hơn nữa việc giám sát toàn cầu và tiếp tục hỗ trợ các kế hoạch hành động quốc gia, đảm bảo rằng chủ đề “kháng kháng sinh” sẽ được đưa vào các kế hoạch tăng cường hệ thống y tế và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về y tế.

 

 

Ngăn ngừa và điều trị các bệnh mạn tính không lây (NCDs) và các tình trạng sức khỏe tâm thần

 

Ước tính mới nhất của WHO cho thấy các bệnh không lây nhiễm (NCDs) là nguyên nhân gây ra 7 trong số 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu vào năm 2019. Năm 2020, đã cho thấy những người NCDs dễ bị tổn thương như thế nào khi mắc COVID-19 và tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả những ai cần đến đều có thể tiếp cận các chương trình tầm soát và điều trị các bệnh như ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch. Đây sẽ là trọng tâm chính vào năm 2021, cùng với Hiệp định Đái tháo đường toàn cầu mới và chiến dịch giúp 100 triệu người bỏ thuốc lá.

 

WHO cũng đã thấy tác động tàn khốc của đại dịch và hậu quả là đóng cửa, an ninh kinh tế, nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn đối với sức khỏe tâm thần của mọi người trên toàn thế giới. Vào năm 2021, WHO sẽ hỗ trợ các nỗ lực mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng và cho những người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc thiên tai.

 

 

Xây dựng lại tốt hơn

 

COVID-19 là một thời điểm quan trọng trên nhiều phương diện và mang đến cơ hội duy nhất để xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn, xanh hơn, lành mạnh hơn. Tuyên ngôn Phục hồi Khỏe mạnh từ COVID-19 (Manifesto for a Healthy Recovery from COVID-19), với mục tiêu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe, giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện điều này.

 

Một hội nghị vào tháng 6/2021 sẽ tập trung vào việc hỗ trợ y tế ở các nước đang phát triển có đảo nhỏ. Trong khi đó, WHO sẽ tiếp nhận các khuyến nghị từ “2020 WHO/UNICEF/Lancet Commission” để đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh hơn cho trẻ em và tiếp tục công việc cải thiện hệ thống dinh dưỡng và thực phẩm trên toàn thế giới - bao gồm cả thông qua chiến lược toàn cầu về an toàn thực phẩm.

 

 

Đoàn kết để hành động

 

Một trong những nguyên tắc quan trọng mà WHO đã nhấn mạnh trong suốt cuộc chiến chống lại COVID-19 là sự cần thiết phải thể hiện sự đoàn kết hơn nữa - giữa các quốc gia, thể chế, cộng đồng và cá nhân, khép lại các vết nứt trong hệ thống phòng thủ của chúng ta đã để vi-rút phát triển.

 

Vào năm 2021, WHO sẽ ưu tiên xây dựng năng lực quốc gia thông qua công việc của WHO với các quốc gia  thành viên với các sáng kiến mới, như làm việc với các nhóm thanh niên, tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác với xã hội dân sự và khu vực tư nhân, đồng thời hợp tác với tổ chức WHO mới.

 

 

 

Nguồn: “10 global health issues to track in 2021”- https://www.who.int