Hàng năm, Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Đái tháo đường đang trở thành vấn đề sức khỏe cần quan tâm trong cộng đồng.
Hàng năm, Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Đái tháo đường đang trở thành vấn đề sức khỏe cần quan tâm trong cộng đồng.
Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống người bệnh đái tháo đường vào năm 1922.
Từ đó, hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng. Đến năm 2016, có hơn 230 tổ chức thành viên của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tổ chức và hưởng ứng sự kiện này.
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần số người đã mắc bệnh. Thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng liên quan đến tim, mắt, thận, thần kinh…
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: cơ thể mệt mỏi, ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều lần trong ngày nhất là vào ban đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân... Nếu bệnh đái tháo đường không được điều trị, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc… thậm chí là tử vong.
Trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn có 1 người mắc bệnh. 3/4 người mắc đái tháo đường ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỗi 6 giây có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu.
Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có 2 người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040. Trong đó, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường típ 2 trong vòng 5 - 10 năm sau sinh. Phụ nữ mắc đái tháo đường típ 1 tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh con mang dị tật bẩm sinh. Trong khi, phụ nữ mắc đái tháo đường típ 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cao hơn gần 10 lần so với người bình thường.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần hoặc 1 năm 2 lần, theo dõi tốt lượng đường trong máu, kiểm tra huyết áp thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý, tích cực hoạt động thể chất và tập luyện thể dục thể thao, duy trì chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Bệnh viện An Sinh