Ngày 1-1-2010, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức được áp dụng. Mẫu thẻ mới, quyền lợi mới, mức đóng phí cũng mới, mọi thứ đã ổn định và đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, các quy định về phân tuyến, bệnh mạn tính, danh mục thuốc, kỹ thuật... vẫn còn ngổn ngang, chưa hoặc vẫn đang triển khai.
Chưa áp dụng phân tuyến đăng ký, ban đầu
Luật BHYT quy định từ ngày 1-1, tất cả thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu phải chuyển xuống tuyến quận, huyện hoặc tương đương; trừ một số đối tượng, người mắc bệnh mạn tính sẽ được điều trị tại tuyến chuyên khoa. TP.HCM có khoảng 4 triệu thẻ BHYT, nếu áp dụng theo luật thì từ 1-1, mỗi bệnh viện quận, huyện phải gánh hơn 160.000 thẻ BHYT.
Tuy nhiên, với cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị hạn chế, nhân sự ít, các quận, huyện không thể kham nổi. Vì vậy, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, chờ đến khi nào các quận, huyện có đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhân lực, trình độ mới chuyển từ từ BHYT về tuyến này. “TP.HCM đã xin Bộ Y tế chưa thực hiện đăng ký BHYT từ tuyến quận, huyện hoặc tương đương. Do vậy, những ai đăng ký khám BHYT ở nơi nào thì từ ngày 1-1 được gia hạn ở nơi đó. Trường hợp muốn đăng ký lại, hoặc người mới lần đầu tiên đăng ký thì bắt buộc phải thực hiện theo đúng luật - đăng ký tuyến quận, huyện hoặc tương đương” - ông Sang cho biết.
Bệnh mạn tính và danh mục thuốc điều trị còn bất cập
Đối với bệnh mạn tính, theo quy định của Bộ Y tế, có sáu nhóm bệnh được BHYT thanh toán: Bệnh tâm thần; bệnh sang chấn hệ thần kinh, động kinh, Parkinson; ung thư; suy tim, bệnh động mạch vành, cao huyết áp; thiên đầu thống, Migraine; đái tháo đường, các bệnh nội tiết. Theo đó, bệnh nhân chỉ cần một giấy chuyển BV có giá trị sử dụng trong vòng một năm.
Tuy nhiên, theo BHXH TP.HCM, thực tế có khá nhiều bệnh cần phải điều trị lâu dài ở tuyến trên mà không được xếp vào bệnh mạn tính. Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT, BHXH TP.HCM tạm thời thống nhất các chẩn đoán một số bệnh được hẹn tái khám theo quy định của bệnh mạn tính: Lupus đỏ; xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn; đa hồng cầu; hội chứng tăng sinh tủy, rối loạn tủy, giảm sinh tủy, hemophilia, Thalassemia, suy thận mạn, theo dõi sau ghép thận. Nhưng BHXH TP.HCM chỉ “ưu ái” dành cho BV Chợ Rẫy vì nơi đây có những đặc thù riêng, còn các BV khác chỉ thực hiện khám chữa bệnh, chuyển viện sáu nhóm bệnh như Bộ Y tế quy định.
Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, chuyên khoa nào cũng có bệnh mạn tính như xơ gan, viêm ruột mạn, viêm dạ dày mạn... nhưng chưa được đưa vào danh mục. Do đó, mỗi lần đi khám, người bệnh lại cần một giấy chuyển viện của tuyến dưới, trong khi đó nếu được xem là bệnh mạn tính, mỗi năm bệnh nhân chỉ cần một giấy chuyển BV. Đó là bất cập.
Vấn đề thuốc điều trị cũng tương tự. Theo bác sĩ Vinh, đơn cử chỉ một loại thuốc chống thải ghép gan, thận cho trẻ (mỗi mũi khoảng 10 triệu đồng), nếu BV sử dụng đúng cho hai loại bệnh này thì BHYT sẽ chi trả 50%. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể sử dụng cho nhiều loại bệnh khác nhau chứ không chỉ dành riêng cho gan, thận... mà nếu sử dụng không vào mục đích ghép tạng thì bệnh nhân phải trả 100%.
Linh động giải quyết cho thẻ hết hạn
Theo quy định của Luật BHYT, kể từ ngày 1-1-2010, những thẻ BHYT cũ có thời hạn sử dụng đến 31-12-2009 sẽ không còn giá trị sử dụng, những thẻ có giá trị đến 2010 thì phải đổi thẻ mới được sử dụng.
Theo ông Sang, người có thẻ hạn sử dụng đến 31-12 đi khám sẽ được linh động phát thuốc vài ngày sau 1-1. Sau đó, muốn BHYT chi trả phải có thẻ theo mẫu mới. Người có thẻ BHYT hạn sử dụng đến 2010 sẽ được khám một lần trong tháng 1 không thực hiện đồng chi trả, sau đó họ phải đổi thẻ mới được khám tiếp. “Những đối tượng thuộc diện chính sách như hộ nghèo, hưu trí... nên đến phường, xã nơi sinh sống đổi thẻ mới ngay bây giờ vì thẻ đã được đưa về phường, xã” - ông Sang nói.
Trẻ dưới sáu tuổi hết được “đài thọ”
Đến ngày 1-1, trẻ dưới sáu tuổi phải có thẻ BHYT mới được khám chữa bệnh miễn phí. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó trẻ chưa có thì khi đi khám bệnh, trẻ phải trình giấy khai sinh, chứng sinh... Trước khi có Luật BHYT, trẻ em dưới sáu tuổi được UBND TP.HCM cũng như một số tỉnh chi 100% chi phí khám chữa bệnh. Nhưng giờ áp dụng theo luật, trẻ chỉ hưởng theo danh mục Bộ Y tế đã quy định. Như vậy, đến hết ngày 31-12, nếu UBND TP.HCM không có công văn hướng dẫn thực hiện chi trả phần BHYT không chi trả thì trẻ dưới sáu tuổi phải trả phần đó.
Người dân cần lưu ý
Khi đi khám chữa bệnh cần mang thẻ BHYT, đi đúng tuyến, kèm theo chứng minh nhân dân. Ai có thẻ cũ cấp đến 2010 thì nên đến phường đổi thẻ. Nếu người nào thuộc diện miễn phí 100% hay chi trả 5%, khi khám thấy BV thu đồng chi trả 5%-20% thì nên đi đổi thẻ (chứng minh mình là đối tượng được hưởng), đồng thời kèm theo hóa đơn để bảo hiểm xã hội thanh toán lại. Mã thẻ BHYT có một dãy chia làm nhiều ô, trong đó lưu ý ô thứ hai có số thự từ 1 đến 7, nếu ô thứ hai ghi số 1, hoặc 2, hoặc 3 là mã số chỉ đối tượng không đồng chi trả, nếu ghi số 4, 5 thì đối tượng đồng chi trả 5%, ghi số 6, 7 đồng chi trả 20%.
|
Duy Tính