Dù khoa học công nghệ tiến bộ đến mấy thì nó cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng, vì vậy chúng ta cần phân tích mặt được cũng như mặt chưa được cả về kỹ thuật lẫn xã hội.
Khi một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới được áp dụng vào y tế, thầy thuốc có nhiều cơ hội thành công trong việc cứu sinh mạng người bệnh. Xin lấy một ví dụ: việc tạo ra những tiến bộ trong kỹ thuật thông tim và khai thông tắc mạch vành đã cứu sống rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim do sơ vữa mạch vành, điều mà cách đây 20-30 năm không thể làm được. Thành công trong việc mổ nội soi đã giúp giảm đi rất nhiều sự can thiệp nặng nề vào cơ thể người bệnh... Như vậy, công nghệ cao đã góp phần thể hiện những nét tốt, nét đẹp về đạo đức y tế. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ tiến bộ đến mấy thì nó cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng, vì vậy chúng ta cần phân tích mặt được cũng như mặt chưa được cả về kỹ thuật lẫn xã hội.
GS. TSKH. PHẠM MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện An Sinh
Không ỷ lại vào công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao
Thách thức đầu tiên là người thầy thuốc phải hăng say học tập và chịu học tập suốt đời để có kiến thức và tay nghề phù hợp với trình độ khoa học tiên tiến. Công nghệ càng cao càng đòi hỏi kiến thức đa ngành và chuyên sâu bấy nhiêu. Ngoài kiến thức, còn đòi hỏi tay nghề thành thạo và chính xác. Bởi vậy nếu không có tinh thần say mê học tập và rèn luyện tay nghề thì không thể áp dụng công nghệ cao thành công. Ngược lại, sự dốt nát hay trình độ thấp dẫn đến chỉ định sai hay thao tác không thành thạo, điều này tất yếu mang lại những hậu quả khôn lường... Nhiều khâu thực hành y học sẽ do máy móc nhân tạo và trong tương lai do trí tuệ nhân tạo thực hiện, nhưng không vì thế mà trốn tránh trách nhiệm của thầy thuốc. Trái lại trách nhiệm của thầy thuốc lại được nâng lên ở một tầm cao mới.
Thách thức thứ hai là hoàn toàn ỷ lại vào công nghệ và coi nhẹ mối quan hệ trực tiếp giữa người thầy thuốc với người bệnh. Dù là thiết bị, máy móc hiện đại có thể giúp con người trong nhiều việc của quá trình chẩn đoán và điều trị, thậm chí có thể làm thay con người trong thực hành nhiều khâu đoạn, nhưng chúng chỉ có thể nhận dạng những tiêu chí chung nhất về một loại bệnh mà không thể thay thế những nhận biết mang tính nhạy cảm và tinh tế của thầy thuốc “xương thịt” về thay đổi và diễn biến của cá thể người bệnh. Nói cách khác máy móc và thiết bị không thể thay thế cái mà chúng ta gọi là “nhạy cảm lâm sàng”. Mặt khác sự tiếp xúc đối diện giữa thầy thuốc và người bệnh còn mang lại một tình cảm ấm cúng, gần gũi và tin tưởng giữa thầy thuốc và người bệnh. Một hiện tượng khá phổ biến cần khắc phục hiện nay là do ỷ lại vào công nghệ, nên thời gian tiếp xúc trực tiếp của thầy thuốc với từng bệnh nhân ít đi so với trước đây, các thao tác cơ bản như “nhìn, sờ, gõ, nghe” kinh điển đang giảm bớt và thay vào đó là chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau vài câu hỏi qua loa của thầy thuốc. Vì vậy người bệnh thường có cảm giác khó gặp thầy thuốc hoặc không biết ai là thầy thuốc chính của mình. Quan hệ thầy thuốc - người bệnh từ chỗ quan hệ mẹ hiền trở thành quan hệ xa lạ.
Thách thức thứ ba là lạm dụng kỹ thuật cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trước hết có thể do người thầy thuốc không nắm được nguyên tắc và đặc tính của kỹ thuật cao, do đó không biết chỉ định một cách phù hợp và chính xác, dẫn đến tình trạng “chỉ định cho có chỉ định” hay “chỉ định bao vây”. Hiện tượng này cũng được coi là lạm dụng.
Lý do thường thấy là sự lạm dụng vì mục đích làm tăng doanh thu, nhất là trước sức ép của cơ chế “tự chủ” trong bệnh viện. Giá thành các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ cao thường đắt tiền, vì vậy chỉ định nhiều xét nghiệm, trong đó có cả các xét nghiệm không cần thiết, là cách để tăng doanh thu. Mặt khác người bệnh thường không hiểu biết về giá trị của các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh đó nên không có khả năng phản bác các chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Điều này dẫn đến tai hại về kinh tế cho người bệnh và cả tai hại về sức khỏe. Hành động này của người thầy thuốc không chỉ vi phạm đạo đức thông thường mà còn mang tính lừa bịp với người bệnh, mà sự lừa bịp này lại được núp dưới danh nghĩa của áp dụng công nghệ cao. Xin mạnh dạn nêu lên một ví dụ: Hẹp động mạch vành thì phải thông tim và đặt stent (để thông chỗ tắc). Ai chả biết hẹp thì phải đặt. Nhưng tại các nước tiên tiến, dù cho công nghệ cao phát triển hơn ta, họ lại cân nhắc xem đặt ở chỗ hẹp nào mới là cần thiết chứ không làm như ta là “hẹp đâu đặt đó”.
Không lấy người bệnh làm “thử nghiệm”
Thách thức thứ tư là có nhiều cơ hội dùng cơ thể người bệnh làm thử nghiệm để chứng minh cho tiến bộ của công nghệ mới. Đành rằng, ngoài bằng chứng thực nghiệm trên động vật, những thành quả y học hiện nay đều dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình thực hành y học trên người bệnh. Tuy thế, khi khoa học công nghệ càng phát triển, nhu cầu chứng minh cái mới hơn, cái tốt hơn ngày càng nhiều. Ngoài mục đích khoa học công nghệ thuần túy, động cơ thương mại hóa cũng là một trào lưu xen kẽ rất tinh vi và tế nhị. Điều này dễ đẩy người thầy thuốc vào tình huống “thử nghiệm” ngay trên người bệnh. Có thể nêu lên một ví dụ: Một nguyên tắc của mổ nội soi là người thầy thuốc phải thành thạo trong mổ theo phương pháp kinh điển. Nay mổ nội soi đã phổ biến đến mức tới tuyến huyện. Nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường, vì nôn nóng “thành danh” bằng áp dụng công nghệ mới nên đã không tuân thủ nguyên tắc trên và gây ra những tai biến rất đáng tiếc ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh suốt phần đời còn lại hoặc tử vong. Trong ghép tạng cũng vậy. Đây là một kỹ thuật hiện đại, thành công thì được mọi người tung hô, báo chí loan tin ca tụng trong cả nước; nhưng có khi chỉ vì nôn nóng ghép mà quên đi việc tuân thủ các tiêu chí chọn người ghép hoặc người cho dẫn đến tổn thất không chỉ sinh mạng người được ghép mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người cho tạng ghép trong trường hợp người cho tạng sống.
GS. TSKH. PHẠM MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện An Sinh
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam