Tin tức và sự kiện

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo tác hại nguy hiểm của rượu, bia

Cập nhật lúc: 4:32:53 CH - 16/11/2018

Ngày 21/9/2018, TCYTTG đã công bố tình trạng tiêu thụ rượu, bia trên toàn thế giới, cho thấy một bức tranh toàn diện về sử dụng rượu, bia và gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới, đồng thời kêu gọi các nước cần hành động mạnh hơn nữa để giảm gánh nặng bệnh tật do rượu, bia gây ra.



 

Gánh nặng bệnh tật do rượu, bia:

Hơn 3 triệu người đã chết do uống rượu, bia trong năm 2016, tương ứng cứ 20 người tử vong thì có 1 người tử vong vì tác hại của rượu, bia. Hơn 3/4 số tử vong này là nam giới. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại đã gây ra hơn 5% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu. 

 

Trong số tất cả các trường hợp tử vong do rượu, 28% là do chấn thương như tai nạn giao thông, tự gây hại và bạo lực giữa các cá nhân; 21% do bệnh lý đường tiêu hóa; 19% do bệnh tim mạch, còn lại do các bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn tâm thần và các bệnh lý khác.

 

Trên toàn thế giới, ước tính có 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ nghiện rượu, tỷ lệ nghiện rượu cao nhất ở khu vực Châu Âu (14,8% và 3,5%) và khu vực Châu Mỹ (11,5% và 5,1%). Chứng nghiện rượu phổ biến hơn ở các nước có thu nhập cao.

 

 

Dự báo mức tiêu thụ rượu, bia trên toàn cầu tiếp tục gia tăng trong 10 năm tới:

 

Ước tính, thế giới có khoảng 2,3 tỷ người đang uống rượu. Rượu, bia được tiêu thụ bởi hơn một nửa dân số trong ba khu vực: Châu Mỹ, Châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Châu Âu vẫn là khu vực có mức tiêu thụ rượubình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù đã giảm hơn 10% kể từ năm 2010. Dự báo cho thấy mức tiêu thụ rượu, bia  trên toàn cầu tiếp tục tăng trong 10 năm tới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và Châu Mỹ.

 

 

Con người đang sử dụng bao nhiêu rượu?

 

Mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của những người uống rượu là 33 gram cồn nguyên chất mỗi ngày, tương đương với 2 ly rượu vang (mỗi ly 150 ml), một chai lớn bia (750 ml), hoặc hai ngụm rượu mạnh (mỗi ngụm 40 ml). 

 

Trên toàn thế giới, có hơn một phần tư (27%) trẻ vị thành niên 15–19 tuổi trong nhóm người đang sử dụng rượu, bia, cao nhất là ở Châu Âu (44%), tiếp theo là Châu Mỹ (38%) và Tây Thái Bình Dương (38%), khảo sát những người bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong độ tuổi này.

 

 

45% tổng số rượu được tiêu thụ trên toàn thế giới được ghi nhận dưới dạng rượu mạnh. Bia đứng hàng thứ hai (34%), sau đó là rượu vang (12%).

 

Có hơn một nửa dân số toàn cầu từ 15 tuổi trở lên (57%, hay 3,1 tỷ người) đã không uống rượu trong 12 tháng trước đó.

 

 

Cần hành động mạnh hơn để giảm tiêu thụ rượu, bia:

 

Tất cả các nước trên thế giới có thể làm được nhiều hơn nữa để giảm chi phí xã hội và y tế cho việc sử dụng quá mức rượu, bia. Các hoạt động đã được chứng minh về chi phí - hiệu quả như tăng thuế đối với đồ uống có cồn, cấm hoặc hạn chế về quảng cáo rượu và hạn chế tính sẵn có của rượu.

 

Hầu hết các quốc gia (95%) đều có thuế tiêu thụ đặc biệt về rượu, nhưng chỉ có ít hơn một nửa các quốc giasử dụng các chiến lược giá khác như: cấm bán giảm giá hoặc giảm giá theo khối lượng. Phần lớn các quốc gia có hạn chế về quảng cáo rượu, bia, nhưng lệnh cấm quảng cáo phổ biến nhất là đối với truyền hình và radio, ít phổ biến hơn đối với internet và các mạng truyền thông xã hội.

 

 

TCYTTG mong muốn các nước trên thế giới triển khai các giải pháp sáng tạo như đánh thuế mạnh vào rượu, bia và hạn chế quảng cáo. Cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm 10% mức tiêu thụ rượu, bia trên toàn cầu từ năm 2010 đến năm 2025. Giảm sử dụng quá mức rượu, bia sẽ giúp đạt được một số mục tiêu liên quan đến sức khỏe của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bao gồm các mục tiêu về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần, thương tích và ngộ độc.

 

 

 

SỞ Y TẾ TP. HCM