Tin tức và sự kiện

Làm thế nào để phân biệt cơn đau tim với cơn hoảng loạn?

Cập nhật lúc: 9:44:32 SA - 14/08/2018

Tôi bị hoảng loạn hay là bị đau tim? - Đó là câu hỏi mà chắc hẳn nhiều ngườì đã nghĩ đến khi trải qua một loạt các triệu chứng bao gồm khó chịu ở ngực, tăng tiết mồ hôi, chóng mặt, khó thở và run.



Đau do cơn hoảng loạn thường cảm thấy sắc nét hơn và khu trú ở một vùng trong khi những người bị cơn đau tim thường cảm thấy tức nặng nhiều hơn trên ngực.


Các xét nghiệm y khoa là cách duy nhất để xác nhận cơn đó thuộc loại nào vì không có đặc điểm chắc chắn duy nhất nào đảm bảo xác định được. Nhưng tìm hiểu bệnh cảnh, các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ luôn có thể cung cấp manh mối.


Cơn hoảng loạn là một đặc điểm đặc trưng của rối loạn hoảng loạn, nhưng nó cũng có thể liên quan chặt chẽ với các tình trạng tâm lý khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn lo âu xã hội.


Vì vậy, trong khi sức khỏe tâm thần là yếu tố nguy cơ chính của cơn hoảng loạn, thì sức khỏe thể chất lại đóng một vai trò lớn hơn trong trường hợp cơn đau tim. Các yếu tố có thể bao gồm tuổi tác, mức cholesterol, trọng lượng cơ thể, huyết áp, chế độ ăn uống, v.v...


Nhiều bác sĩ lưu ý tính chất của đau có thể giúp xác định loại cơn gây ra nó. Đau chói ở ngực hoặc đau khu trú ở một vùng nhỏ thường liên quan đến cơn hoảng loạn. Cơn đau "như dao đâm" này thường kéo dài từ 5 đến 10 giây.


Những bệnh nhân bị đau tim thường báo cáo cảm giác tức nặng nhiều hơn là đau, theo BS. MaryAnn McLaughlin, một chuyên gia tim mạch tại Mount Sinai, New York. Cảm giác được so sánh với việc mặc một chiếc áo ngực quá chật hoặc như thể ngực bị thứ gì đó đè lên.


"Có những cơn đau tim gây cảm giác như đau rất dữ dội. Nhưng nói chung, chúng bắt đầu như một cảm giác tức nặng và đôi khi là cảm giác bóp chặt có thể lan xuống cả hai cánh tay", bà giải thích.


Thời gian của cơn cũng là một trong những khác biệt chính giữa hai loại. Trong khi các cơn hoảng loạn thường kéo dài dưới 10 phút, thì cơn đau tim thường sẽ kéo dài lâu hơn. Nếu bạn gặp các triệu chứng nói trên trong hơn 5 phút, hãy gọi xe cấp cứu.


Các nghiên cứu cũng cho thấy cơn đau tim thường đi kèm với gắng sức nhiều hoặc cảm giác rất tức giận hoặc khó chịu. Ví dụ, một người nào đó đã nhiều tuổi và không thường xuyên tập thể dục có thể có nguy cơ sau khi thực hiện một hoạt động đòi hỏi thể lực.


"Ví dụ, cơn đau tim khó xảy ra khi bình thường hơn là khi xúc tuyết, hoặc chạy lên một cầu thang", BS. McLaughlin nói thêm. Ngược lại, các cơn hoảng loạn có thể xảy ra cả trong trạng thái lo lắng cũng như trong trạng thái bình tĩnh.


Nhưng nếu bạn vẫn không chắc về các triệu chứng của một người khi đang giữa cơn, thì tốt nhất tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng thực tế các dấu hiệu đau tim có thể bị bỏ qua, đặc biệt là ở phụ nữ.


"Đặc biệt phụ nữ thường bỏ qua các dấu hiệu của một cơn đau tim, nghĩ rằng đó chỉ là stress hoặc các nguyên nhân khác", BS. Steve Marso, giám đốc y tế của các dịch vụ tim mạch tại HCA Midwest Health cho biết. "Đừng chậm trễ. Chỉ thông qua các xét nghiệm y khoa mới có thể loại trừ khả năng bị đau tim. Và nếu đó là cơn đau tim, bạn sẽ ở đúng nơi để nhận được điều trị cấp cần thiết để có kết quả tốt nhất".

 

 

Cẩm Tú | Theo MD

Nguồn tin từ: Dân trí Online