Trong các vụ hỏa hoạn, số người tử vong vì ngạt khói còn nhiều hơn số người chết vì bỏng. Khói trong đám cháy thật sự nguy hiểm như thế nào?
Ngạt khói là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong trong nhiều trường hợp hỏa hoạn. Theo thống kê từ trang Emedicinehealth, có khoảng 50%-80% số ca tử vong vì hỏa hoạn là kết quả của việc hít phải khói hơn là bỏng trong các vụ cháy.
Bởi trong hầu hết các tòa nhà đều chứa không ít những đồ đạc được làm bằng chất liệu dẻo hay tổng hợp có khả năng thải ra khí độc khị bị cháy. Khói sản sinh do các chất dễ cháy này có chứa nhiều chất độc hại gây nguy hiểm cho phổi. Ngoài ra các chất trong khói có thể gây bỏng da, làm tổn thương đường thở, gây kích ứng mắt, và thậm chí gây tử vong.
Nguyên nhân gây ra ngạt khói
Lửa cháy sẽ chiếm hết toàn bộ oxy khiến con người không có oxy để thở dẫn đến ngạt. Ngoài ra các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) nếu nạn nhân hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong chứ không phải chết do bỏng lửa.
Hơn nữa, khói từ các chất dễ cháy có chứa hóa chất như ammoniac, hydroclorid, sulfur dioxide khi xâm nhập vào đường hô hấp có thể gây ngừng thở và suy hô hấp.
Triệu chứng khi bị ngạt khói
Thông thường, các nạn nhân bị ngạt khói sẽ cảm thấy khó thở và ho nhiều. Một số nạn nhân thậm chí hơi thở có mùi "khói" hoặc mùi của các hóa chất bị đốt cháy. Những người khác có thể có đờm đen trong miệng hoặc mũi, cổ họng sưng. Trong một vài trường hợp da và mắt cũng bị ảnh hưởng.
Nếu nạn nhân bị nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa thì đó là triệu chứng bị ngộ độc carbon monoxide. Những biểu hiện nặng hơn là ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong.
Các hoạt động sơ cứu khi bị ngạt khói do hỏa hoạn
- Gọi trợ giúp y tế khẩn cấp tại nơi sinh sống để họ nhanh chóng tới hỗ trợ cứu giúp nạn nhân. Liên hệ với bộ phận phòng cháy chữa cháy nếu chưa có.
- Cố gắng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực đám cháy và di chuyển đến nơi an toàn, thoáng khí.
- Để nạn nhân nằm nghiêng hoặc ngồi thay vì nằm thẳng vì rất có thể họ đang buồn nôn, họ hoặc mắc đờm trong cổ họng.
- Nếu nạn nhân còn ý thức, hãy hỏi họ về cảm giác trong cơ thể. Nếu họ không thể nói được, hãy chú ý cách nạn nhân thở. Kiểm tra đường thở, hô hấp và tuần hoàn. Nếu cần có thể phải hô hấp nhân tạo hoặc sử dụng mặt nạ oxy nếu có.
- Nếu nạn nhân ngã hoặc ngất xỉu do hít phải khói thuốc quá nhiều, hãy kiểm tra cơ thể của họ liệu có vết thương chảy máu hay xương có bị gãy. Tiến hành sơ cứu để làm sạch vết thương. Nếu nghi ngờ xương bị gãy, tránh di chuyển nạn nhân cho tới khi có các bác sĩ tới.
- Khi nạn nhân đã hít thở được, họ vẫn có thể bị mất phương hướng và cáu kỉnh. Tác động của khói độc hại với não có thể gây ra hành vi bạo lực. Chú ý đến hành vi, nhận thức của nạn nhân cho tới khi đội ngũ y tế tới.
- Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng. Trong quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt để sơ cứu nghẹt thở. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.
Để tránh bị ngạt khói trong các đám cháy, mọi người cần cố gắng tránh hít phải khói càng nhiều càng tốt. Lấy khăn dấp nước để che chắn mũi, miệng nhằm làm sạch khí cho đường thở.
Minh Minh (Dịch từ Emergency essential và emedicinehealth)