Vậy tế bào gốc là gì, sử dụng như thế nào và đã được ứng dụng trong y học như thế nào? Và các liệu pháp điều trị đầy hứa hẹn trong hiện tại và tương lai cần được làm sáng tỏ.
Tế bào gốc và sự phân chia
Tế bào gốc có thể được ví như là nguyên liệu “thô” của cơ thể mà từ đó tất cả các loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt được tạo ra. Ở các điều kiện thích hợp trong cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, tế bào gốc phân chia tạo ra nhiều tế bào hơn gọi là các tế bào “con cháu”. Các tế bào con cháu hoặc trở thành tế bào gốc mới (tự tái tạo) hoặc trở thành tế bào chuyên biệt (biệt hóa) với chức năng đặc hiệu như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ tim hoặc xương. Không có loại tế bào nào khác ngoài tế bào gốc có khả năng tự nhiên này.
Dựa trên nguồn gốc, có thể chia tế bào gốc thành: Tế bào gốc phôi - các tế bào này lấy từ phôi 3-5 ngày tuổi. Ở giai đoạn này, phôi được gọi là blastocyst và có khoảng 150 tế bào, các tế bào này là tế bào gốc vạn năng, nghĩa là chúng có thể phân chia thành nhiều tế bào gốc hơn hoặc biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể. Tính linh hoạt này cho phép sử dụng tế bào gốc phôi trong tái tạo hoặc sửa chữa các cơ quan tổ chức bị tổn thương; Tế bào gốc trưởng thành - tế bào này có mặt với số lượng ít ở hầu hết các tổ chức của cơ thể như tủy xương và mô mỡ. Khi so sánh với tế bào gốc phôi, tế bào gốc trưởng thành hạn chế hơn về khả năng tạo ra các loại tế bào khác nhau của cơ thể.
Cho tới gần đây, tế bào gốc trưởng thành vẫn được cho là chỉ có thể tạo ra một vài loại tế bào. Ví dụ như tế bào gốc trong tủy xương chỉ có thể phát triển thành các tế bào máu. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới cho thấy tế bào gốc trưởng thành có khả năng tạo ra các loại tế bào khác với dòng tế bào của mình.
Tế bào gốc biến đổi từ tế bào trưởng thành (tế bào gốc cảm ứng vạn năng - iPSC): Các kỹ thuật mới cho phép các nhà nghiên cứu tái lập trình bộ gene của các tế bào trưởng thành để tạo ra loại tế bào gốc có khả năng tương tự như tế bào gốc phôi và tránh được phản ứng thải loại của cơ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chưa khẳng định được liệu tế bào gốc biến đổi từ tế bào trưởng thành có gây các tác dụng phụ cho con người hay không.
Các nhà nghiên cứu đã có thể lấy các tế bào của tổ chức liên kết thông thường (tế bào da), tái chương trình bộ gene của chúng tạo ra các tế bào gốc mới. Các tế bào gốc này có thể phát triển thành các tế bào cơ tim có đầy đủ chức năng. Các thí nghiệm trên động vật bị suy tim cho thấy sau khi tiêm các tế bào cơ tim mới được tạo ra theo phương pháp trên đã cải thiện được chức năng của tim cũng như làm tăng thêm thời gian sống toàn bộ của động vật.
Tế bào gốc chu sinh: Bên cạnh tế bào gốc dây rốn, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng trong nước ối cũng có chứa tế bào gốc. Các tế bào gốc này có khả năng biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn khả năng của các tế bào này.
Phép màu - tế bào gốc
Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào điều trị mang đến những hy vọng lớn trong việc nâng cao sức khỏe con người bằng cách phục hồi chức năng tế bào và cơ quan đã bị phá hủy bởi thoái hóa và những tổn thương khác. Đối với tế bào gốc phôi hiện nay, hầu hết các quốc gia đều chưa cho phép sử dụng tế bào gốc phôi trong nghiên cứu ứng dụng vào lĩnh vực y dược học. Đối với nhóm tế bào gốc nhũ nhi - tế bào gốc từ máu cuống rốn có ngân hàng lưu trữ, cũng có các công trình nghiên cứu sử dụng trong điều trị một số bệnh lý ác tính về máu hoặc một số bệnh tự miễn, đái tháo đường typ 1. Tế bào gốc trưởng thành được nghiên cứu nhiều nhất, có nhiều nguồn thu nhận từ tủy xương, mô mỡ và thao tác lấy tế bào gốc từ nguồn thu tương đối dễ dàng... đang được nghiên cứu ở các bệnh khác như: COPD, tiểu đường, khớp, Crohn, nhồi máu cơ tim, bệnh lý thần kinh, xơ gan...; bệnh lý về máu; nghiên cứu điều trị các bệnh lý về thần kinh, về tim...
Tại Việt Nam, phương pháp ghép tế bào gốc được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực y học. Phương pháp ghép tế bào gốc có thể mang lại cơ may sống sót và hi vọng thoát khỏi nhiều căn bệnh nan y về máu như ung thư máu.
Thalassemia, suy tủy, đa u tủy xương... Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều ngân hàng tế bào gốc nhằm mục đích lưu trữ tế bào gốc dây rốn dịch vụ cho các gia đình có nhu cầu.
Tế bào gốc có tiềm năng tăng trưởng và phát triển thành mô mới để cấy ghép và tái tạo tổ chức. Những hiểu biết mới về tế bào gốc và ứng dụng của chúng trong cấy ghép và y học tái tạo đang tiếp tục được nghiên cứu và đạt được những bước tiến lớn.
Tóm lại, tế bào gốc cung cấp cho y học các liệu pháp điều trị đầy hứa hẹn trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản kỹ thuật quan trọng cần các nhà khoa học và y học nghiên cứu sâu thêm để vượt qua. Nếu thành công thì quy luật “sinh-lão-bệnh-tử” sẽ bị phá bỏ, thay vào đó là sự bất tử của con người.
Cách đây 10 năm, một công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được khởi động nhằm mục đích nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người. Công trình thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành tại các bệnh viện và trung tâm nghiên cứu y học lớn trong cả nước. Kể từ đó đến nay, việc nghiên cứu tế bào gốc để ứng dụng vào điều trị bệnh tại Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì với hi vọng sẽ tìm ra những phương pháp mới giúp các bệnh nhân chữa khỏi những loại bệnh phức tạp mà không phải ra nước ngoài điều trị.
Tế bào gốc có thể được ví như là nguyên liệu “thô” của cơ thể mà từ đó tất cả các loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt được tạo ra.
TS. Nguyễn Thanh Bình