Hậu quả lâu dài xảy ra ở cả người mẹ. Lần mang thai sau, người phụ nữ từng mổ sinh có nguy cơ sẩy thai cao hơn đến 27%, nguy cơ thai chết lưu cũng tăng 17%. Chưa kể, họ còn phải đối mặt với một thai kỳ nguy cơ do vết mổ sinh có thể dẫn đến các tai biến nguy hiểm, bất thường về nhau thai.
Sinh mổ dường như chỉ đưa đến cái lợi duy nhất: giảm nguy cơ tiểu không tự chủ ở phụ nữ sau này đến 56%. Tuy nhiên, với số con ít và cách chăm sóc hậu sản hiện đại ngày nay, rất ít phụ nữ gặp phải vấn đề này. Nếu lỡ gặp, việc giải quyết cũng không mấy khó khăn. Vì vậy, cái lợi này dường như quá bé nhỏ so với những rủi ro sức khỏe lâu dài lên cả mẹ và con.
Công trình cũng dựa trên một số dữ liệu nghiên cứu trước đó về mối liên hệ giữa sinh mổ, béo phì và suyễn. Theo các tác giả, ngày càng có nhiều bằng chứng về điều này và những số liệu họ thu thập được qua 29 triệu ca sinh càng khẳng định điều đó.
Lạm dụng sinh mổ là vấn đề khiến ngành y tế nhiều nước đau đầu. Các nguyên nhân thông thường là do sản phụ sợ sinh thường làm ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ tình dục sau này, sợ cơn đau kéo dài do chuyển dạ... Ở một số quốc gia còn nảy sinh tình trạng sinh mổ để chọn ngày, giờ sinh vì mê tín.
Tại Anh, tỉ lệ sinh mổ từ 10% đã tăng tới 25% trong những năm qua, để lại những hậu quả sức khỏe đáng lo ngại cho thế hệ sau. Tại Việt Nam, lạm dụng sinh mổ cũng từng là chủ đề được các bác sĩ sản khoa cảnh báo và khẳng định rằng: sinh mổ chỉ nên được chỉ định bởi bác sĩ, trong các tình huống y khoa mà sinh thường là không thể hoặc quá rủi ro.