Thuốc lá điện tử thường được quảng cáo là sản phẩm an toàn thay thế cho thuốc lá thông thường, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy thuốc lá điện tử vẫn gây hại nghiêm trọng cho sức khoẻ.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Y Đại học New York thấy rằng những con chuột phơi nhiễm với hơi thuốc lá điện tử bị tổn thương ADN trong phổi, bàng quang và tim, có thể làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim.
Tổn thương này cũng được tìm thấy trong các tế bào phổi và bàng quang của người nuôi cấy bị phơi nhiễm với hơi thuốc lá điện tử trong thời gian tương đương 10 năm.
Kết quả nghiên cứu được báo cáo trên ấn phẩm Proceedings of the National Academy of Sciences.
Thuốc lá điện tử - còn được gọi là e-cigs - đã tăng vọt trong những năm gần đây, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Theo CDC, hơn 2 triệu học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Mỹ báo cáo có sử dụng thuốc lá điện tử trong 30 ngày trước đó.
Thuốc lá điện tử không được FDA phê chuẩn như một biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá, sau khi Tổ công tác Dịch vụ Dự phòng của Mỹ kết luận rằng "không đủ bằng chứng để khuyến cáo hoặc chống lại việc sử dụng chúng trong cai thuốc lá".
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hơn 80% người hút thuốc tin rằng thuốc lá điện tử có thể giúp họ bỏ thuốc lá, trong khi hơn 97% tin rằng thiết bị sử dụng pin này có thể giúp giảm việc sử dụng thuốc lá thông thường.
Tranh cãi về sự an toàn của thuốc lá điện tử
Đối với sức khoẻ, CDC tin rằng thuốc lá điện tử không gây hại như thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, vì thuốc lá điện tử còn khá mới đối với thị trường, nên vẫn chưa rõ mức độ độc hại chính xác của chúng.
Nghĩa là chúng ta đang ngày càng hiểu rõ hơn về những nguy hiểm tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc lá điện tử, hay "vaping".
Năm 2017, Medical News Today báo cáo về một nghiên cứu liên hệ mùi hương trong dung dịch thuốc lá điện tử với suy giảm chức năng cơ tim. Một báo cáo gần đây tuyên bố rằng có "bằng chứng rõ rệt" là việc sử dụng thuốc lá điện tử làm tăng nhịp tim, và một số hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử có thể gây tổn hại ADN.
Nghiên cứu của Đại học New York cung cấp thêm bằng chứng về tác hại của thuốc lá điện tử sau khi phát hiện ra rằng phơi nhiễm với hơi thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương ADN theo cách dẫn đến ung thư và bệnh tim.
Hơi thuốc lá điện tử gây tổn hại ADN
Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận này bằng cách cho 10 con chuột đực phwoi nhiễm với hơi thuốc lá điện tử chứa 10mg nicotin, tương đương với lượng hít vào ở người – trong 3 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, trong 12 tuần.
Khi so sánh với nhóm chuột đối chứng hít không khí đã lọc, họ nhận thấy rằng những con chuột phơi nhiễm hơi thuốc lá có biểu hiện tổn thương AND ở tim, phổi, và bàng quang.
Hơn nữa, phơi nhiễm với hơi thuốc lá đã ngăn cản quá trình sửa chữa ADN trong mô phổi của chuột. Kết quả cũng tương tự khi thử nghiệm cho các tế bào phổi và bàng quang nuôi cấy của người tiếp xúc lâu dài với hơi thuốc lá.
CÁc nhà nghiên cứu kết luận: "Dựa trên những kết quả này, chúng tôi cho rằng ECS [khói thuốc lá điện tử] là tác nhân gây ung thư và những người hút thuốc lá điện tử có nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi, bàng quang và bệnh tim cao hơn người không hút thuốc lá".
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng nghiên cứu này không chứng minh thuốc lá điện tử có hại cho sức khoẻ.
Peter Hajek - giám đốc của Phòng nghiên cứu phụ thuộc thuốc lá ở Đại học Queen Mary ở London, nói "nghiên cứu không chứng minh điều gì về những nguy hiểm của việc hút thuốc lá điện tử ".
Ông nói tiếp: "Nó không cho thấy hút thuốc lá điện tử gây ra ung thư, đây là một trong những dấu hiệu báo động giả có thể ngăn mọi người chuyển từ thuốc lá thông thường sang thuốc lá điện tử, là thứ chắc chắn có lợi hơn cho họ".
Có vẻ như chưa có kết luận cuối cùng về việc thuốc lá điện tử có gây ra ung thư và bệnh tim hay không, nhưng điều rõ ràng là cần phải nghiên cứu thêm.
Cẩm Tú | Theo MNT